Chăm sóc người có công bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm

19:30 | 25/07/2022
(LĐTĐ) “Chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp cha ông đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) và tuyên dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022 vừa được tổ chức mới đây.
Nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày tri ân dịp 27/7 Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người có công Khám sức khỏe miễn phí cho 1.200 người có công, đoàn viên, công nhân, viên chức lao động Đống Đa: 1.200 người có công, đoàn viên và CNVCLĐ được khám sức khỏe miễn phí

Công tác chăm sóc người có công đạt nhiều kết quả quan trọng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ngay từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Kể từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

75 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện nhất là sau khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 được ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.

Chăm sóc người có công bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà người có công tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) và tuyên dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022

Pháp lệnh này cùng các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng qua các thời kỳ; đồng thời tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng...

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Trong đó, có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 500.000 thân nhân liệt sĩ, trên 139.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 1.300 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động. Cả nước cũng có gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, gần 185.000 bệnh binh, gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học… Hiện tại, có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng.

Các chính sách ưu đãi ngày càng được thực hiện đồng bộ, toàn diện, đa dạng, gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác, như: Hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế.

Người có công được chăm sóc với nhiều hình thức đa dạng: Tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở y tế và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh gắn liền với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi người có công từ năm 2019 đến nay là 1.624.000 đồng (cao hơn mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay).

Chăm sóc người có công là vinh dự, trách nhiệm của các cấp, ngành

Hoạt động "Đền ơn, đáp nghĩa" trong thời gian qua đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội, trở thành công việc thường xuyên với nhiều hình thức thiết thực, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, góp phần chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với đất nước. Thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 393.707 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra, với tổng kinh phí khoảng 10.654 tỷ đồng. Kết quả, đến nay đã hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.

Cùng với đó, theo Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đào Ngọc Lợi, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục đã hướng dẫn các địa phương triển khai chi trả hỗ trợ khó khăn kịp thời, đầy đủ cho 994.626 đối tượng người có công với kinh phí khoảng 1.483 tỷ đồng. Đặc biệt, Quỹ đền ơn, đáp nghĩa giai đoạn 2017-2021 đã vận động được hơn 4.900 tỷ đồng và phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.600 sổ, với tổng giá trị hơn 113 tỷ đồng…

Chăm sóc người có công bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Cảnh Thìn cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh 3/4 tại phường Hưng Bình Thành phố Vinh (Nghệ An).

Hiện tại, cả nước có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ. Hằng năm, cả trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt.

Ngày 14/9/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1515/QĐ-TTg về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Nhờ sự vào cuộc của toàn xã hội, có hàng nghìn hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính qua thực chứng và giám định ADN hằng năm.

Có thể khẳng định, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng xã hội, việc chăm sóc người có công với đất nước được thực hiện ngày càng tốt hơn.

Nói về phương hướng thực hiện công tác chăm lo người có công trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ: “Nhằm tiếp tục phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc, lòng tự tôn dân tộc được hun đúc từ ngàn đời nay, chúng ta cần thường xuyên nhắc nhở rằng, việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp cha ông đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian tới, các cấp ngành cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc người có công, khơi dậy và bồi đắp những giá trị văn hoá lâu đời, lòng tự hào tự tôn dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau mãi mãi khắc khi công lao to lớn của các tiền bối để sống, chiến đấu, lao động và học tập sao cho xứng đáng với những hy sinh to lớn đó.

Các cấp, các ngành cần tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đúng, đủ, kịp thời, đặc biệt quan tâm các gia đình người có công còn khó khăn trong cuộc sống; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thân nhân gia đình người có công, thường xuyên quan tâm chăm sóc y tế, đảm bảo sức khỏe cho người có công và gia đình.

Cùng với đó, các cấp, ngành cũng cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ. Tiếp tục có những hành động thiết thực, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt đời sống xã hội.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này