Liên kết “3 nhà” tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch Thủ đô

09:03 | 19/07/2022
(LĐTĐ) Hiện nay, ngành Du lịch Thủ đô đang hồi phục và phát triển mạnh mẽ sau 4 tháng mở cửa trở lại. Nhưng cùng với đó, sự thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đang là bài toán cần giải quyết của ngành. Phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang về những giải pháp tháo gỡ khó khăn trên.
Lỗ hổng lớn về nhân lực du lịch Mô hình mẫu trong phát triển du lịch

Phóng viên: Xin bà cho biết thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực du lịch hiện nay?

Liên kết “3 nhà” tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch Thủ đô
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Tính đến hết năm 2019, ngành Du lịch Thủ đô có khoảng 90.500 lao động trực tiếp và khoảng 207.500 lao động gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, các quốc gia thực hiện chính sách đóng cửa biên giới, cùng với tâm lý e ngại của khách du lịch đối với vấn đề an toàn y tế đã khiến cho hoạt động du lịch của các quốc gia trên thế giới bị đóng băng và du lịch của thành phố Hà Nội cũng không ngoại lệ.

Việc phải cho nhiều lao động ngành Du lịch tạm thời nghỉ việc, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tạm thời đóng cửa gây ra hệ lụy lâu dài cho ngành Du lịch thành phố Hà Nội sau khi hoạt động du lịch được khôi phục trở lại. Đó là sự thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có trình độ cao do phải chuyển đổi công việc.

Tuy nhiên, hiện tại thị trường khách du lịch quốc tế chưa trở lại như giai đoạn trước dịch, du lịch nội địa đang là thị trường chính, bên cạnh đó, với hơn 44 cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch và đại học du lịch, hàng năm cung cấp khoảng trên 2.000 sinh viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành liên quan tới du lịch, gần 4.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng du lịch và 13.200 học sinh đào tạo nghệ du lịch nên có thể nói, đội ngũ nhân lực cung ứng cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố vẫn đảm bảo yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về sự cạnh tranh gay gắt trong tuyển dụng nhân lực của ngành Du lịch, nhất là quản lý cấp cao?

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Chất lượng nhân lực du lịch Hà Nội được đánh giá tương đối tốt so với các địa phương khác trong cả nước. Lao động trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp được đào tạo về du lịch chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 68% số lao động đã được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch, khoảng 20% số lao động có trình độ đại học và trên đại học.

Hiện thực tế cho thấy, đối với nhân sự cấp cao như cấp quản lý, giám đốc điều hành, trưởng các bộ phận... có sự cạnh tranh tuyển dụng rất lớn giữa các cơ sở lưu trú mở cửa hoạt động lại và các cơ sở lưu trú mới xuất hiện đi vào hoạt động. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến cạnh tranh gay gắt này.

Thứ nhất, du lịch được coi là một ngành kinh tế đặc biệt bởi khả năng phục hồi nhanh chóng sau đại dịch so với các ngành kinh tế khác, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch (lưu trú - lữ hành), dịch vụ ăn uống như nhà hàng - café… hoạt động trở lại thì nhu cầu về lao động du lịch là rất lớn. Thứ hai, do lượng lớn lao động du lịch đã nghỉ việc, chuyển nghề, ổn định với công việc mới, mức lương cao hơn… nên tuyển dụng lại rất khó. Tuyển dụng mới thì cần thời gian làm quen với công việc.

Thứ ba, mức lương mặt bằng chung của lao động du lịch hiện nay chưa cao; mức lương cũ của các công ty chi trả thời điểm trước đại dịch chưa điều chỉnh kịp thời với yêu cầu của thị trường nhân sự hiện tại. Cũng như sự cạnh tranh trong tuyển dụng của các đơn vị kinh doanh du lịch mới xuất hiện đều có các chính sách đãi ngộ cao hơn, giảm một số tiêu chí tuyển dụng dễ dàng hơn. Hoặc có trường hợp đã ký được hợp đồng lao động với nhân sự rồi nhưng lại bị hủy do công ty cũ trả lương cao hơn để giữ chân nhân sự…

Liên kết “3 nhà” tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch Thủ đô
Hướng dẫn viên giới thiệu Hoàng thành Thăng Long.

Phóng viên: Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo động lực cho họ tâm huyết, gắn bó lâu dài với nghề, với tư cách là cơ quan có thẩm quyền, Sở Du lịch Hà Nội sẽ có những giải pháp gì, thưa bà?

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Trước thực trạng biến động của nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Sở Du lịch Hà Nội đề xuất 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất, đổi mới quản lý Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội; trong đó chú trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội; đẩy mạnh liên kết và hợp tác quốc tế với các tổ chức giáo dục du lịch ngoài nước và các tổ chức quốc tế theo hướng lựa chọn những ngành nghề hợp tác giáo dục phù hợp, tránh lãng phí.

Thứ hai, nâng cao năng lực giáo dục và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; trong đó quan tâm đổi mới phương thức, chương trình và học liệu dạy và học đảm bảo đa dạng, linh hoạt về hình thức truyền tải thông tin, sử dụng công nghệ mới để dạy và học.

Thứ ba, tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội. Chủ động đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài cho phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội.

Cuối cùng, tăng cường liên kết “3 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng (doanh nghiệp) cho nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội. Trong đó, tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục du lịch và doanh nghiệp du lịch trong Thành phố với các cơ sở đào tạo du lịch uy tín nước ngoài; tăng cường hợp tác với các tổ chức du lịch khu vực và quốc tế về phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao...

Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!./.

Phương Bùi (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này