Nhìn lại 1 năm Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị:

Bước cải cách hành chính lớn mang lại hiệu quả

11:53 | 01/07/2022
(LĐTĐ) Tròn 1 năm triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại Hà Nội, tổ chức bộ máy chính quyền đã gọn, nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn. Người dân bày tỏ sự hài lòng bởi các công việc liên quan tới giấy tờ, thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Mô hình chính quyền đô thị đã mang lại hiệu quả Bổ sung 2.625 biên chế tại các phường theo mô hình thí điểm chính quyền đô thị

Người dân hài lòng

Ngày 1/7/2021 đánh dấu dấu mốc đặc biệt khi thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình CQĐT, triển khai tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị nhằm hướng đến tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Với nhiều quy định mới trong cơ chế quản lý và sắp xếp đội ngũ công chức UBND cấp phường, tròn 1 năm triển khai cho thấy, việc thí điểm mô hình CQĐT tại thành phố Hà Nội rất phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn, đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu trong quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn nhưng vẫn được đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phương thức hoạt động của UBND thay đổi từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho Chủ tịch UBND phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc. Cùng với đó, quyền dân chủ và giám sát của nhân dân được tăng cường hơn bằng hình thức giám sát trực tiếp của nhân dân hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị - xã hội.

Những thay đổi theo hướng tích cực đó đã góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Năm 2021, Hà Nội thuộc nhóm có Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cao nhất. Từ xếp thứ 48 năm 2020, thành phố Hà Nội vươn lên xếp thứ 9 năm 2021.

Bên cạnh đó, Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) năm 2021 của Hà Nội xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 của thành phố Hà Nội đạt 87,11%, tăng 1,96% so với năm 2020 (năm 2020: 85,15%); xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2020.

Bước cải cách hành chính lớn mang lại hiệu quả
Cán bộ phường hướng dân người dân đăng ký TTHC trực tuyến.

Những cải thiện đó được thể hiện rõ nét ở tâm lý phấn khởi của người dân khi thực hiện dịch vụ công tại phường. Làm thủ tục chứng thực bản sao tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), chị Trần Thị An bày tỏ sự hài lòng khi các TTHC đã nhanh chóng hơn trước rất nhiều, cho thấy sự chuyển biến rõ nét. “Thời gian chờ đợi ít hơn, kết quả được nhận nhanh hơn, cán bộ thân thiện, nhiệt tình hơn. Trước đây, khi đến làm các TTHC cán bộ phường sẽ phải hẹn người dân quay lại để trả kết quả vào một buổi khác. Nhanh thì trong ngày, còn thường là hẹn sang hôm sau”, chị Trần Thị An nói.

Là điểm sáng trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp hộ tịch, “nhanh” và “gọn” là nhận xét của đa số người dân khi đến làm những TTHC này tại quận Hoàn Kiếm. Mô hình “thủ tục hành chính không chờ” của quận đã được nhân rộng ra toàn địa bàn từ tháng 5/2022, sau thời gian thí điểm tại phường Hàng Bài.

Theo đó, các TTHC của công dân sẽ được tiếp nhận và giải quyết theo quy trình mới để có thể trả kết quả ngay. Chỉ mất chừng 10 phút, mọi thủ tục trong danh mục: chứng thực bản sao; chứng thực chữ ký; bản sao trích lục hộ tịch; thủ tục đăng ký kết hôn; thủ tục đăng kí khai tử sẽ được giải quyết xong. Sau khi 18/18 phường triển khai, có 7.200 hồ sơ TTHC không chờ được quận Hoàn Kiếm tiếp nhận và giải quyết.

Ông Đinh Quang Huynh (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) vui mừng nói: “Rất phấn khởi khi giờ đây một số thủ tục cơ bản người dân không cần phải đi lại nhiều lần. Thay vào đó được Bộ phận một cửa thực hiện nhanh gọn, rất thuận tiện, đỡ phiền hà cho người dân”.

Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ Lê Minh Đức cho biết, biện nay phường Hàng Bồ đang quản lý 6.000 dân. Qua một năm triển khai mô hình CQĐT, Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ nhận định, hiệu quả rõ nét nhất của mô hình CQĐT đã giúp tăng tính chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách trên địa bàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính.

Phường đã ủy quyền cho một công chức Tư pháp - Hộ tịch làm nhiệm vụ ký chứng thực giấy tờ theo quy định, giảm tải công việc cho lãnh đạo phường cũng như rút gọn thời gian của người dân. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ “thủ tục hành chính không chờ” được giải quyết chiếm đến 91,9% trong tổng số TTHC tại phường.

“Bên cạnh hiệu quả mang lại, mô hình CQĐT còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức phường trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Sắp tới phường sẽ nghiên cứu bổ sung thêm danh mục TTHC khác vào các thủ tục không chờ”, Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ thông tin.

Bộ máy chính quyền hoạt động nhanh nhạy, thông suốt

Cũng như phường Hàng Bồ, triển khai thí điểm mô hình CQĐT được Đảng ủy, UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Việc thực hiện CQĐT tại phường có sự chuẩn bị bài bản, thận trọng, có kế hoạch cụ thể, đã và đang phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của cán bộ, công chức trong phục vụ nhân dân; “lấy nhân dân làm trung tâm, lấy hiệu quả làm thước đo để đánh giá cán bộ, công chức”, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bước cải cách hành chính lớn mang lại hiệu quả
Người dân làm thủ tục Tư pháp - Hộ tịch tại quận Hoàn Kiếm.

Chủ tịch UBND phường Kim Giang Trần Thị Nga chia sẻ, qua việc triển khai thực hiện, đa số người dân trên địa bàn phường đều đánh giá cao mô hình CQĐT, các hồ sơ TTHC được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Từ khi triển mai mô hình, số lượng TTHC được giải quyết cũng tăng lên. Nếu giai đoạn từ 01/7/2020 - 30/6/2021, tổng số hồ sơ chứng thực bản sao tại UBND phường là 42.831, tổng số hồ sơ chứng thực chữ ký tại UBND phường là 1.720; thì giai đoạn từ 01/7/2021 đến nay, tổng số hồ sơ chứng thực bản sao tại UBND phường là 53.812. Trong đó, số hồ sơ chứng thực bản sao do công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực và được đóng dấu UBND phường là 1.980.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, việc thực hiện thí điểm mô hình CQĐT đã giúp tổ chức bộ máy chính quyền Thành phố gọn, nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn. Đến nay, Hà Nội cũng hoàn thành việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Sở; các Chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố để ban hành Quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bổ máy đối với các Sở, cơ quan tương đương Sở; bảo đảm theo nguyên tắc đúng quy định, không bỏ sót nhiệm vụ, không trùng chéo chức năng, nhiệm vụ; phân định rõ đơn vị chủ trì, phối hợp; rõ đầu mối, rõ trách nhiệm; các đơn vị hoạt động hiệu quả, khả thi, không vượt quá số cơ quan, đơn vị trực thuộc quy định.

Thành phố đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu về tinh giản biên chế (từ 10% trở lên). Cụ thể, giảm trên 1.400 biên chế công chức (tương đương tỉ lệ 15,6%); giảm trên 12.000 biên chế sự nghiệp (tương đương tỉ lệ 10%) so với năm 2015. Qua rà soát, kiện toàn, tinh giản biên chế đã góp phần thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, của Thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong 1 năm qua mô hình CQĐT tại Hà Nội cũng bộc lộ những hạn chế, nhiều phường đang phát sinh khó khăn cần được tháo gỡ sớm.

Nhiều ý kiến cho rằng, với quy mô dân số trung bình của các phường thuộc các quận lớn, với hơn 22.300 người; một số phường có quy mô dân số hơn 30.000 người (theo tiêu chuẩn là 15.000 người), trong đó có 41 phường có quy mô dân số hơn 30.000 người; một số phường có quy mô rất lớn như Hoàng Liệt (Hoàng Mai) là 82.891 người, Đại Kim (Hoàng Mai) là 54.295 người, Trung Hòa (Cầu Giấy) là 54.770 người thì khối lượng công việc tại các phường là rất lớn, gây áp lực trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với công chức phường.

Trong khi đó, số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường là 15 người/phường, về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã, chứ chưa có cơ chế chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn. Mặt khác, cán bộ công chức phường ngoài các nhiệm vụ theo chuyên môn được tuyển dụng đều được giao thêm nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt tình hình tại các tổ dân phố, trong khi chế độ chính sách không có gì thay đổi, chưa động viên được lực lượng cán bộ, công chức phường tận tâm, tận lực trong công tác.

Đồng thời, khi không tổ chức HĐND cấp phường, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận tăng trong khi số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND quận, thị xã còn ít, nên việc tổ chức các hoạt động giám sát có nơi còn khó khăn

Thực hiện theo cơ chế quản lý mới, phường là một đơn vị dự toán, phụ thuộc vào dự toán của cơ quan cấp trên nên một số nhiệm vụ phát sinh, đột xuất không có trong dự toán gặp khó khăn trong việc triển khai, thực hiện.

Sau 1 năm thực hiện thí điểm cũng cho thấy, việc bố trí kinh phí chi lương, phụ cấp, các khoản theo lương và chi hoạt động của Đảng ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nằm trong kinh phí dự toán của UBND phường chưa thực sự thuận lợi, chưa đảm bảo tính chủ động…

Một số nội dung thu, chi ngân sách đang giao cho UBND phường thực hiện còn vướng mắc; việc nắm bắt và tổng hợp tình hình tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trước, trong tiếp xúc còn chưa kịp thời; công tác tham mưu giải quyết ý kiến, kiến nghị trong quá trình tiếp xúc, đối thoại còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa rõ trách nhiệm…

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này