Lương tối thiểu cần đảm bảo mức sống tối thiểu

17:20 | 16/06/2022
(LĐTĐ) Sáng 16/6, tại trụ sở, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Mức lương đủ sống - Góc nhìn đa chiều” với sự tham dự của các chuyên gia, đại diện người sử dụng lao động, người lao động.
Tăng tiền lương tối thiểu vùng thêm 6% Để mặt bằng giá không tăng phi mã! Sửa Luật Bảo hiểm xã hội để đảm bảo lương hưu và phúc lợi

Khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho biết: Ngày 12/6/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Đó là tin vui với người lao động.

Lương tối thiểu cần đảm bảo mức sống tối thiểu
Ông Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị phát biểu khai mạc tọa đàm

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Đức: “Dù mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thì các vấn đề về mức lương tối thiểu vẫn còn không ít những băn khoăn: Việc kiểm soát các doanh thực hiện tăng lương như thế nào, tăng lương có cắt giảm phúc lợi xã hội, tổ chức Công đoàn có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra sao? Nghị định số 38/NĐ-CP không còn quy định những người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề có mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Như vậy, người lao động có bị thiệt thòi…?" - ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị bày tỏ, buổi tọa đàm lần này được tổ chức với mong muốn giúp mọi người hiểu rõ hơn về mức lương tối thiểu, mức lương cơ bản và mức lương đủ sống của công nhân lao động.

Lương tối thiểu cần đảm bảo mức sống tối thiểu
Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao đổi tại tọa đàm.

Từ tinh thần trên, tại tọa đàm, các diễn giả đã tập trung bàn luận để làm sáng tỏ các vấn đề như lương tối thiểu ở Việt Nam được hiểu như thế nào? Lương tối thiểu đã giúp người lao động đủ sống? So sánh mức lương tối thiểu của Việt Nam với các nước ASEAN…

Thông tin về cách tính lương tối thiểu ở Việt Nam, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: Tiền lương là mối quan tâm của mọi người lao động. Về cách tính tiền lương tối thiểu ở Việt Nam hiện nay, Bộ Luật Lao động, Điều 91 quy định rõ mức lương tối thiểu trả thấp nhất cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở thấp nhất để các bên đàm phán, thương lực mức lương thực tế.

Tuy nhiên hiện nay, khả năng đàm phán của người công nhân rất thấp, hầu như không có, trong khi người sử dụng lao động đưa ra lý do mức lương căn cứ lương tối thiểu vùng cộng thêm 5, 7% để trả cho người lao động. Đây thường là căn cứ đóng bảo hiểm cho người lao động phổ thông, còn lãnh đạo, quản lý có thể có mức lương khác.

Lương tối thiểu cần đảm bảo mức sống tối thiểu
TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao đổi tại tọa đàm.

“Trong Điều 91 cũng cho biết, để xác định tiền lương tối thiểu vùng có nhiều yếu tố, cần đảm bảo mức sống tối thiểu cộng thêm hàng loạt yếu tố khác. Theo đó, chúng ta cần xác định mức sống tối thiểu để đảm bảo cuộc sống cho người lao động” - ông Tiến nói.

Phân biệt khái niệm tiền lương tối thiểu và mức lương đủ sống, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ, lương tối thiểu là mức thấp nhất được luật hóa để cho người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật làm việc giản đơn trong điều kiện làm việc bình thường; là sàn thấp nhất, lưới bao phủ thấp nhất; doanh nghiệp không có quyền trả thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trong khi đó, tiền lương đủ sống là khả năng tiền lương bù đắp các bao phủ tất cả những chi phí cần thiết trong ngân sách cần thiết của người lao động và gia đình họ là: Ăn, mặc, ở, đi lại, giao tiếp xã hội, an sinh xã hội, phát triển nhân lực và hòa nhập xã hội. Mức sống đó phải được điều chỉnh theo sự phát triển kinh tế. Mức lương đủ sống phụ thuộc vào quy mô của hộ gia đình, bao gồm số trẻ em trong hộ gia đình và độ tuổi, chi phí của bố mẹ và con cái; thuộc khu vực sinh sống, nhóm ngành nghề làm việc. Như vậy mức lương đủ sống cho biết khả năng bảo đảm các chi phí cần thiết của người lao động và gia đình họ.

Lương tối thiểu cần đảm bảo mức sống tối thiểu
Bà Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty may liên doanh Plummy trao đổi tại tọa đàm

“Để lương tối thiểu đảm bảo đủ sống thì phải nhanh chóng thực hiện lương tối thiểu giờ. Hiện nay trong thị trường lao động, một người lao động có thể đóng các vai khác nhau, chúng ta cứ căn cứ vào việc người lao động phải có hợp đồng lao động thì đẩy người yếu thế ra khỏi lưới an sinh. Do vậy, rất cần nhanh chóng ban hành luật lương tối thiểu”- bà Lan Hương nói.

Đại diện cho người lao động mang tiếng nói tới buổi tọa đàm, bà Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May liên doanh Plummy cho biết, mức thu nhập tối thiểu tại Công may liên doanh Plummy ở thời điểm hiện tại 5.320.000 đồng/tháng. Với mức này ở thời điểm 2 năm trước người lao động có thể tiết kiệm chi tiêu thậm chí có thể dự phòng. Tuy nhiên với thời điểm hiện tại, thực sự tiền lương với người lao động là không đủ sống.

Theo bà Hà Thị Phương Anh, chưa tính đến những phát sinh ốm đau, hay cưới giỗ, thăm hỏi, quê quán, thì sự leo thang của giá cả thị trường hiện nay cũng khiến cho người lao động phải thực sự tiết kiệm tối đa chi phi để trang trải cuộc sống gia đình, nếu với mức thu nhập hiện nay. Có tới 50% người lao động cuối tháng phải vay tiền để chi tiêu vì những khó khăn phát sinh trong cuộc sống.

Lương tối thiểu cần đảm bảo mức sống tối thiểu
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ước lượng về mức lương đủ sống dựa trên tính toán từ thực tế chi phí của một gia đình công nhân, bà Hà Thị Phương Anh cho biết, với một gia đình cơ bản (2 vợ chồng, 2 con) thì mức chi phí sẽ vào khoảng 12 triệu đồng/tháng – tương ứng với thu nhập của 2 vợ chồng; chưa tính đến việc người lao động phải chi trả tiền thuê nhà, khoản chi phát sinh trong cuộc sống.

“Thực tế, mong muốn của người lao động rất nhiều. Nhưng tôi mong rằng, sau khi có Nghị định 38 về tăng lương tối thiểu vùng và đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân lao động ngày 12/6, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ có giải pháp để tiếp tục tháo gỡ, có chính sách tốt nhất cho người lao động để qua đó, người lao động có động lực tiếp tục cùng với lãnh đạo doanh nghiệp, toàn hệ thống chính trị - xã hội góp phần để phát triển nhà máy nói riêng và kinh tế đất nước nói chung”- bà Hà Thị Phương Anh nói.

Ngoài các ý kiến nêu trên, các diễn giả khác tham gia tọa đàm cũng đã nêu ý kiến cho rằng để chính sách tăng lương tối thiểu được áp dụng hiệu quả, bảo đảm đời sống cho người lao động, phải nhanh chóng đưa quy định mức lương tối thiểu giờ vào thực tế, thông qua việc nâng cao năng suất lao động, chú trọng thỏa ước lao động tập thể trong việc bảo vệ người lao động yếu thế, nhanh chóng luật hóa về lương tối thiểu giờ...

Sau hơn hai giờ đồng hồ trao đổi, bàn luận; các ý kiến đa chiều vừa có căn cứ khoa học, vừa xuất phát từ thực tiễn của các diễn giả tại buổi tọa đàm đã không chỉ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích, mà còn giúp các nhà quản lý Nhà nước, chủ doanh nghiệp có cái nhìn xác thực hơn về lương tối thiểu có tiệm cận mức sống tối thiểu của công nhân lao động, ưu nhược điểm trong chính sách tiền lương của Việt Nam so với các nước trong khu vực, qua đó cung cấp góc nhìn đa chiều về chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống kinh tế, xã hội - chính sách tiền lương, đóng góp các ý kiến để cải cách chính sách tiền lương nhằm nâng cao đời sống cho công nhân lao động.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này