Ngăn ngừa tội phạm nước ngoài gia tăng hoạt động tại Việt Nam

09:37 | 13/06/2022
Ngoài thực hiện các hành vi trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc qua mạng Internet..., tình trạng tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp thời gian gần đây tại Việt Nam.
Lĩnh án vì tiếp tay cho tội phạm nước ngoài Không thể để tội phạm nước ngoài lộng hành Tội phạm do người nước ngoài gây ra tại Việt Nam gia tăng

Gia tăng tội phạm nước ngoài sau đại dịch Covid-19

Lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an (C02) cho biết, hiện nay Việt Nam đã mở cửa sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh những “người tốt”, còn có những đối tượng lợi dụng vào Việt Nam để hoạt động phạm pháp.

Gần đây nhất, ngày 5/6, cơ quan chức năng, trong đó có Công an Hà Nội, các đơn vị thuộc Bộ Công an đã bắt giữ nhóm người Mông Cổ đóng vai khách du lịch để trộm cắp thẻ visa của cặp vợ chồng du khách Thuỵ Điển. Sau đó, chúng mang thẻ visa tới các tiệm vàng, trung tâm thương mại để mua trang sức trị giá hơn 1 tỉ đồng, chia nhau. Hiện Công an Hà Nội đã tạm giữ 8 đối tượng để điều tra về hành vi “Trộm cắp tài sản”, “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Ngăn ngừa tội phạm nước ngoài gia tăng hoạt động tại Việt Nam
Nhóm người liên quan đến vụ cho vay lãi nặng qua app do đối tượng Liu Dan Yang (30 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, tạm trú ở Q.Cầu Giấy) điều hành ở Việt Nam. Ảnh: V.D

Trước đó ngày 3/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố 26 bị can, trong đó tạm giam 23 người về các hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Đường dây cho vay lãi nặng theo hình thức “tín dụng đen” xuyên quốc gia do đối tượng người Trung Quốc là Liu Dan Yang (30 tuổi, tạm trú ở quận Cầu Giấy) điều hành tại Việt Nam. Vụ án do Công an Hà Nội phối hợp với C02 và các đơn vị chức năng triệt phá hồi cuối tháng 5.

Theo nhận định của Bộ Công an, những năm gần đây, người nước ngoài vào nước ta ngày càng nhiều, nhập cảnh bằng nhiều hình thức và mục đích khác nhau, cơ bản hoạt động đúng mục đích nhập cảnh, chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, như: trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu, buôn bán hàng cấm, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng... gây bức xúc trong nhân dân.

Trong đó, nổi bật lên tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp. Theo thông tin từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an (C08), từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 840 chuyên án, vụ việc liên quan tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao (tăng 42% so với 6 tháng cuối năm 2021); khởi tố 255 vụ án, với 185 bị can.

Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an - cho biết, tội phạm nước ngoài đã xâm nhập vào hệ thống máy chủ của một số ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam để đánh cắp tiền trong tài khoản khách hàng. Nhóm tin tặc chủ yếu là người Đài Loan. Hiện, Cơ quan điều tra đã khởi tố một nghi phạm người Đài Loan và đang mở rộng xử lý.

Ngoài ra, những kẻ lừa đảo cũng dùng dịch vụ VoIP mạo danh cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Điện lực...) để gọi điện cho người dân với nội dung bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến vụ án đang giải quyết và yêu cầu người dân chuyển một số tiền lớn vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra…

"Chúng còn lừa đảo thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sản giao dịch ảo như sàn chứng khoán, vàng, ngoại tệ, bất động sản... tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch, từ đó chiếm đoạt tiền đầu tư" - trung tướng Tô Ân Xô cho hay.

Triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa, xử lý

Trước tình hình trên, theo lãnh đạo C02, Bộ Công an thường xuyên có các cảnh báo về thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao để người dân và các cơ quan, tổ chức nhận biết, chủ động phòng ngừa, phối hợp với Bộ Công an đấu tranh, ngăn chặn, xử lý.

Để tăng cường công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật của người nước ngoài, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm.

Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản có liên quan, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam; rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác quản lý người nước ngoài, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định liên quan đến trách nhiệm của người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam. Tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý người nước ngoài tại các cơ sở lưu trú, các cơ sở có người nước ngoài đang lao động, làm việc, các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng là người nước ngoài; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật.

Tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới và khu vực, nhất là với các nước láng giềng; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các nước có liên quan đến phòng, chống tội phạm, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, tương trợ tư pháp về hình sự.

Theo V.Dũng/laodong.vn

https://laodong.vn/phap-luat/ngan-ngua-toi-pham-nuoc-ngoai-gia-tang-hoat-dong-tai-viet-nam-1055673.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này