Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô đã thu hút được nhà đầu tư có tiềm năng

18:32 | 10/06/2022
(LĐTĐ) Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận ngày 10/6 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, nhìn chung, tất cả các ý kiến của các đại biểu phát biểu đều đồng tình và nhất trí cao với Tờ trình, báo cáo giải trình của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho ý kiến về trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Người dân ủng hộ và kỳ vọng vào sự phát triển, khả năng kết nối liên vùng Dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa, tác động lớn đến phát triển kinh tế

Theo Bộ trưởng, hai vấn đề lớn nhất hiện nay của Hà Nội và Thành phố Chí Minh là tắc nghẽn giao thông và ngập úng. Vì vậy, nếu không giải quyết tập trung, giải quyết nhanh ngay thì không chỉ làm cản trở cho phát triển mà còn sẽ phải trả giá rất nhiều về cả thời gian và công sức, tiền bạc.

Ví dụ, Thái Lan đã phải mất 20 đến 30 năm để giải quyết vấn đề ách tắc, đến nay mới chỉ khắc phục được một phần. Đối với Thủ đô Manila của Philippines, riêng thành phố này đóng góp 30% cho GDP quốc gia này nhưng tính riêng tắc nghẽn giao thông của thành phố Manila đã làm giảm đi tương ứng 8% của GDP đối với Philippines. Dẫn chứng để thấy rằng vấn đề hạ tầng giao thông của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay.

Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô đã thu hút được nhà đầu tư có tiềm năng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 10/6. (ảnh: QH)

Riêng việc triển khai hai dự án này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phải đảm bảo một số vấn đề sau: Thứ nhất, phải đảm bảo được ký kết nối vùng, liên kết vùng, giảm ùn tắc, cũng như ô nhiễm; Thứ hai, phải mở rộng được không gian phát triển cho 2 thành phố lớn và cho cả vùng; Thứ ba, phải nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến nó thành một động lực cho phát triển giai đoạn tới.

Thứ tư, không phải chỉ hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến thành một hành lang kinh tế, dựa vào đó phải quy hoạch, phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, vừa phát triển theo quy hoạch nhưng thu hồi lại giá trị địa tô mà Nhà nước đã tạo ra, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm 3, một phần của Nhà nước, một phần của nhà đầu tư mà một phần của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích.

Về quy mô dự án, đối với Vành đai 4- Vùng Thủ đô của Hà Nội, quy hoạch là 6 làn xe và Vành đai 3 của Thành phố Hồ Chí Minh là 8 làn xe. Như vậy căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối vốn của giai đoạn 1 thì chỉ đầu tư 1/2 của quy hoạch này. Như vậy mặt cắt ngang của Vành đai 4 sẽ là 17m và Vành đai 3 là 19,75m và toàn bộ các yếu tố về trắc dọc, các yếu tố về kỹ thuật thì đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn và không thay đổi.

Lý giải vì sao chưa làm làn dừng khẩn cấp? Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu làm làn dừng khẩn cấp thì phải tăng thêm khoảng 6.500 tỷ đồng, ảnh hưởng đến vấn đề cân đối nguồn vốn. Trong quá trình lập dự án thiết kế cũng đã tính toán làm các điểm dừng phù hợp, 4 đến 5km có một điểm dừng rộng 3 m, dài 270m và đảm bảo không bị ách tắc giao thông và vẫn đảm bảo trong điều hành. Đồng thời, tăng cường điều hành giao thông thông minh.

Về hình thức đầu tư, chủ trương là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước để đầu tư hạ tầng. Dự án Vành đai 4 đã thu hút được nhà đầu tư có tiềm năng, còn Vành đai 3 của Thành phố Hồ Chí Minh thì chưa thu hút được.

“Mặc dù chúng ta có nghiên cứu dự án theo mô hình hợp tác công tư (PPP) nhưng chưa có các nhà đầu tư quan tâm, trong khi tính cấp bách, tính quan trọng, tính cần thiết thì đã nêu là phải đầu tư sớm, đầu tư ngay”, Bộ trưởng nói.

Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô đã thu hút được nhà đầu tư có tiềm năng
Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, về suất đầu tư, 2 dự án này thiết kế khác nhau và có điều kiện cụ thể khác nhau. Đường Vành đai 4 có một cầu cạn rất dài, 66,72km, chiếm 59%, có 3 cầu lớn vượt sông Hồng và sông Đuống, 8 nút giao; trong khi Vành đai 3 thì cầu cạn chỉ có 12,75km, chiếm 17% và có 6 nút giao. Ngoài ra, giải phóng mặt bằng cũng có đơn giá khác nhau và chi phí khác nhau nên nó ảnh hưởng đến suất đầu tư khác nhau là như vậy.

Bộ trưởng Dũng cho hay, về nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn, theo Luật Giao thông đường bộ và Luật Ngân sách Nhà nước thì việc đầu tư 2 tuyến vành đai này là thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Song do khó khăn và hạn chế của nguồn lực của ngân sách Trung ương và do nhu cầu cần phải đầu tư sớm, các địa phương đã tính toán sự cần thiết đó và cân đối, bố trí tham gia cùng với ngân sách trung ương, chúng tôi cho rằng cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cùng tham gia đầu tư 2 tuyến này là phù hợp.

Do đó, vấn đề quan trọng nhất của 2 dự án này là giải phóng mặt bằng, nếu giải phóng sớm, nhanh thì tiến độ sẽ nhanh và còn có khả năng thu hút được các nhà đầu tư.

Về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn di dời các công trình hạ tầng hay xây dựng, tái định cư, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này Chính phủ hoàn toàn ủng hộ, tinh thần là phân cấp cho địa phương.

H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này