Giải quyết nhà ở cho công nhân: Cần có công thức chia sẻ

14:42 | 02/06/2022
(LĐTĐ) Để đảm bảo nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động, cần có công thức chia sẻ, chứ không thể chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, của chính quyền và cũng không thể chỉ là trách nhiệm của người lao động.
Kiến nghị của doanh nghiệp, người lao động được giải đáp cặn kẽ, thoả đáng Công nhân lao động phải ở nhà thuê xập xệ, làm sao tái tạo được sức lao động?

Bên hành lang Quốc hội sáng 2/6, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) đã dành cho PV Lao động Thủ đô cuộc trao đổi nhanh về các giải pháp để thu hút người lao động quay trở lại thị trường lao động như tăng lương tối thiểu, xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê...

PV: Sau đại dịch Covid-19, lực lượng lao động hồi hương khá nhiều, tạo sự thiếu hụt lao động, nơi thừa, nơi thiếu. Theo đại biểu, cần những giải pháp nào để thu hút người lao động quay trở lại với doanh nghiệp?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Sau đại dịch, người lao động về quê, không quay trở lại, thì động lực để giúp họ quay trở lại chỉ bằng cách là đảm bảo quyền lợi thỏa đáng, nâng cao đời sống cho họ.

Cụ thể như đưa ra mức lương, thu nhập có sức thuyết phục hơn, đảm bảo nguồn cung nhà ở sẽ là những điều kiện căn bản để thu hút người lao động trở lại với doanh nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp phải có kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, phải tái cấu trúc lại hoạt động ổn định, định vị thị trường trong bối cảnh mới, đặt mục tiêu thu nhập cao hơn cho người lao động.

Bây giờ có lẽ cạnh tranh trên thị trường lao động là cạnh tranh rất lớn nên bài toán dùng thu nhập cao và điều kiện lao động tốt là công cụ rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể thu hút nguồn lao động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Giải quyết nhà ở cho công nhân: Cần có công thức chia sẻ
Đại biểu Vũ Tiến Lộc trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 2/6.

PV: Vậy ông có đồng tình với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng của Hội đồng tiền lương quốc gia từ ngày 1/7/2022 tới?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Hiện nay, mặc dù các doanh nghiệp đang khó khăn nhưng nếu muốn thu hút người lao động, đặc biệt là lao động đã hồi hương quay trở lại làm việc thì việc cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập sẽ là điều cần thiết phải làm.

Chính vì vậy, nâng lương tối thiểu cũng như nâng cao thu nhập của người lao động nói chung sẽ là công cụ quan trọng để các doanh nghiệp có đủ nguồn nhân lực cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.

Nhưng hiện nay, vì các doanh nghiệp đang rất khó khăn, nên để nâng cao thu nhập cho người lao động phải trên cơ sở tái cấu trúc lại doanh nghiệp để nâng cao quản trị, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn lao động để tạo nên thu nhập cao hơn của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có thu nhập cao hơn thì mới có thể đảm bảo được mức lương cao hơn, đảm bảo năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp.

PV: Nhiều người lao động cho biết, một trong các nguyên nhân họ về quê mà không quay trở lại doanh nghiệp là do họ không có nhà ở, phải thuê nhà rất khó khăn, vất vả. Đại biểu có cho rằng, cần có chính sách khả thi hơn về nhà ở cho công nhân lao động?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Đại dịch Covid-19 vừa rồi và hiện tượng nhiều người lao động hồi hương, không trở lại với doanh nghiệp cho thấy một loạt điều kiện cơ bản cho người lao động không đảm bảo, đặc biệt là nhu cầu về nơi ở.

Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương phải quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Hiện nay các tỉnh, thành phố đang triển khai, nhưng mức độ triển khai không đồng đều.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển doanh nghiệp phải tính đến điều này. Chủ trương này được thực hiện trên cơ sở có sự phối hợp, chia sẻ giữa chính quyền địa phương, người lao động và doanh nghiệp. Nhà nước sẽ dành ra quỹ đất cần thiết, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng nhà ở để cho thuê, còn người lao động thì cũng dành một phần thu nhập để thuê nhà ở xã hội đó.

Để đảm bảo nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động, cần có công thức chia sẻ, chứ không thể chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, chỉ là trách nhiệm của chính quyền, cũng không thể chỉ là trách nhiệm của người lao động, mà ở đây phải có sự cộng sinh, sự tham gia của cả 3 phía. Các địa phương cần có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện yêu cầu này.

PV: Theo đại biểu, để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, có cần thúc đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Yêu cầu quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra là bên cạnh thúc đẩy triển khai các gói hỗ trợ để tiếp sức người dân và doanh nghiệp thì cũng cần nỗ lực thúc đẩy cải cách thể chế và cải cách hành chính.

Đầu tư công đang rất chậm chạp và cần đột phá trong lĩnh vực này. Nếu cùng lúc thúc đẩy được cả đầu tư công và đầu tư tư nhân thông qua cải cách thể chế, cải thiện thủ tục hành chính, bên cạnh việc phối hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ như cách mà chúng ta làm trong những tháng đầu năm nay thì có thể đạt mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế được lạm phát.

Giá xăng dầu dù được neo ở mức cao thế này thì cũng không phải áp lực lớn về lạm phát. Nhưng để hỗ trợ, tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình hồi phục và phát triển kinh tế, tôi vẫn kiến nghị giảm thuế với xăng dầu vì sau thời gian chống chịu với Covid-19 thì nguồn lực dự trữ của người dân và doanh nghiệp đã bị bào mòn khá nhiều.

Xin cảm ơn ông!

Phương Thảo (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này