Hải Dương tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm trên nền tảng số

14:12 | 30/05/2022
(LĐTĐ) Ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh thương mại điện tử cũng như tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại đưa thương hiệu vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và các sản phẩm tiêu biểu đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế đã và đang được tỉnh Hải Dương áp dụng triệt để.
Vải thiều Thanh Hà chính thức lên sàn thương mại điện tử Lazada Sàn thương mại điện tử phối hợp cùng siêu thị hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Vải thiều Việt Nam được quảng bá đa dạng tại Nhật Bản

Về nông sản, những năm 90 của thế kỷ trước, nói đến Hải Dương không thể bỏ qua thương hiệu táo Gia Lộc. Còn hiện nay, vải thiều Thanh Hà không chỉ là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hải Dương mà còn là một trong những sản phẩm góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong đó có các thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật, Australia…

Hải Dương tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm trên nền tảng số
Lễ ký thỏa thuận hợp tác tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hải Dương với các sàn thương mai điện tử. (Ảnh: HD)

Tuy nhiên, để quả vải thiều đến tay người tiêu dùng và được thị trường chấp nhận, yếu tố quan trọng nhất chính là chất lượng gắn với các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh. Chính vì thế, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy, các cấp, ngành chức năng của Hải Dương đã thực hiện rất bài bản, khoa học các vấn đề liên quan đến quy hoạch, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, sơ chế… để có những sản phẩm vải chất lượng nhất đáp ứng các nhu cầu cao nhất của thị trường, người tiêu dùng.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Hải Dương có gần 1.600 ha trồng vải thiều. Trong đó, 100 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, 498 ha theo tiêu chuẩn VietGAP và 4.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, BasicGAP.

Riêng năm nay, tổng sản lượng vải trên địa bàn toàn tỉnh dự kiến đạt 60.000 tấn, trong đó dự kiến có khoảng 36.000 tấn đủ điều kiện xuất khẩu, 6.000 tấn đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng là Mỹ, Anh, Australia…

Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng và áp dụng khoa học công nghệ vào trông trọt, điều tạo nên sự khác biệt đối với vải ở Thanh Hà được khách hàng yêu thích là vải có cùi màu trắng trong, vị ngọt thanh mát, không chua hương thơm nhẹ. Đây cũng chính là những yếu tố giúp vảo thiều Hải Dương đáp ứng được khẩu vị của khách hàng.

Hải Dương tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm trên nền tảng số
Lãnh đạo: tỉnh Hải Dương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương khảo sát thực địa tại cơ sở trồng vải thiều.

Diện tích trồng vải lớn lại cho năng suất thu hoạch cao, nên vấn đề đầu ra luôn được Hải Dương đặc biệt chú trọng. Với phương châm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Hải Dương đã thực hiện triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để không chỉ quảng bá thương hiệu vải thiều mà còn tìm đầu ra cho vải. Nhờ áp dụng mô hình này, ngay trong năm cao điểm về dịch Covid-19 (2021) tỉnh vẫn tiêu thụ hết lượng vải thiều cho bà con.

Để các sản phẩm nông nghiệp Hải Dương “cập bến” nhiều hơn nữa các thị trường trên thế giới, ngày 29/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều và sản phẩm tiêu biểu của tỉnh năm 2022. Hội nghị được kết nối từ Trung tâm Văn hóa Xứ Đông tới 40 điểm cầu ở trong nước và gần 20 điểm cầu tại các nước: Mỹ, Trung quốc, Nhật Bản, Pháp, Australia, Bỉ, EU, Séc, Hàn Quốc, Singapore, Maylaysia…

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng cho hay, Hải Dương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp với sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, chất lượng, sản lượng cao. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ.

Hằng năm, Hải Dương cung ứng ra thị trường khoảng 750 ngàn tấn lúa gạo, 700 ngàn tấn rau, củ các loại, 300 ngàn tấn quả và khoảng 200 ngàn tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tổ chức đánh giá và công nhận cho 126 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao và 2 sản phẩm đề nghị 5 sao, dự kiến đến năm 2025, tỉnh có thêm 250-300 sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, Hải Dương có sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước. Vải được sản xuất theo tiêu chuẩn Gap, tiêu chuẩn xuất khẩu, đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Hải Dương tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm trên nền tảng số

Cơ quan chức năng kiểm tra việc thu hái vải thiều ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà xuất khẩu đi Nhật Bản. (Ảnh:TTXVN).

Cũng theo Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng, cùng với việc tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu, tỉnh còn tổ chức tuần lễ xúc tiến thương mại và du lịch kéo dài 5 ngày (từ 28/5-1/6) để trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; các mặt hàng nông sản chủ lực, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm nông nghiệp thông minh, chế phẩm sinh học; thiết bị số và các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Đây là dịp để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0…

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này