Nõn chuối rừng muối chua

16:23 | 12/05/2022
(LĐTĐ) Một chiều cuối xuân se se lạnh... mưa phùn rắc lay phay se sắt trong cái rét nàng Bân, mời bạn ghé đất Vua Hùng tôi mời bạn món nõn chuối rừng muối chua giòn giòn, thơm thơm ăn kèm với gà đồi nướng. Sơn hào hải vị ở đâu không biết, nhưng tôi tin chắc rằng bạn sẽ lưu luyến món ăn đặc biệt này.
Dạo quanh hàng quà phố cổ Kẹo dồi - quà quê giữa đất Hà thành

Phú Thọ là vùng trung du bán sơn địa với những ao hồ, sông suối, ruộng rộc xanh tươi bốn mùa. Cá rất ngon, lợn béo mà không ngấy thịt rất thơm, gà nhỏ con nhưng độ ngon chẳng kém gì nơi khác. Hưng Yên tự hào có gà Đông Tảo, đất cổ Đường Lâm hãnh diện về giống gà Mía... thì Phú Thọ có giống gà 9 cựa đi vào truyền thuyết của đất Thanh Sơn và giống gà ri bé xíu nhưng chắc thịt và thơm ngon khó có giống gà nào so được.

Nõn chuối rừng muối chua
Ảnh minh họa

Món gà đồi nướng sẽ ngon lên gấp bội phần khi ăn kèm với thứ dưa làm từ nõn cây chuối. Người Phú Thọ cũng kén chọn lắm, nhất thiết phải kiếm cho được giống chuối rừng mới cho nõn trắng giòn. Khi muối đến độ chua, miếng nõn chuối trở nên trong veo như ngọc.

Để làm món nõn chuối muối chua khá cầu kỳ. Một ngày tạnh ráo, vác dao vào rừng lội suối đến thung sâu, nơi có mảnh đất mỡ màu nhờ bao năm lũ đến rồi lũ qua mang cây mục lá già tấp vào. Ở đó, cho thứ lá dong xanh đậm gói bánh chưng ngày Tết vừa rền vừa thắm, cho bụi chuối tốt ngần ngật rực lên màu hoa như đốm lửa giữa rừng.

Phải đi vào ngày tạnh nắng không thì thịt da ta sẽ làm mồi cho vắt. Lựa dao vào chặt lấy cây chuối mới bằng bắp chân thôi, bóc bỏ bẹ bên ngoài là được. Chỉ một chốc đã đầy gùi, ta mang về, rửa sạch, thái miếng dầy, ngâm vào nước vo gạo pha chút muối cho nõn không bị thâm.

Cũng như muối dưa cải, ta chỉ cần đun nồi nước muối pha đường đậm đà hơn nấu canh mà thôi. Để tăng thêm hương vị, ta hãy thêm vào đó một nắm rau răm thơm nồng, vài quả ớt chỉ thiên cay xè hay dăm lát giềng non. Nước ngâm vừa đủ, dùng cục đá to tròn nhặt dưới khe suối chèn cho nõn chuối ngập hoàn toàn dưới nước. Chỉ hai ngày sau là đã thấy mùi chua chua thơm thơm tỏa ra trong gian bếp.

Ngày có khách hay có cỗ, bắt con gà ướp nắm lá móc mật, hành củ, muối biển, hạt mắc khén cho ngấm rồi quạt mẻ than hồng nướng lên. Lớp da gà dần chuyển màu nâu cùng xèo xèo tiếng mỡ thơm lựng rơi xuống than hoa là bày ra cái mẹt lót lá chuối tươi. Chấm miếng thịt gà vào bát muối dầm tiết nâu nâu, đỏ thắm màu ớt rừng, xanh xanh màu lá chanh thái sợi... Ôi chao là ngon làm sao!

Nếu hôm nào nhà ngả lợn khi khách đến thì còn vui hơn. Người quê hay rủ nhau “đụng” như dưới xuôi dùng từ đó để chỉ việc này, còn ở đây gọi là “kháp”. Bộ lòng ruột thì hãm tiết canh nấu cháo, mấy nhà cùng liên hoan. Người trưởng bếp chọn miếng thịt nào thật ngon luộc lên. Khi thái miếng thịt có chút nước hồng hồng nhàn nhạt tứa ra theo nhịp lia của con dao sắc là thịt chín đúng độ. Cứ một miếng thịt luộc ăn kèm với một miếng dưa nõn chuối chua chua cay cay.

“Rột! Roạp roạp!”... Úi chà chà! Thịt béo, rượu cay say êm với chút chua chua hòa quyện như tiếng suối reo, tiếng lá bay và ríu ran tiếng chích chòe se sẻ. Cuộc vui cứ thế nhân lên theo câu chuyện hàn huyên nói cười rôm rả.

Có ai hỏi sống như vậy buồn hay vui, tôi cũng chỉ biết cười mà trả lời rằng, cuộc đời cũng phải có lúc buồn lúc vui như trời lúc mưa lúc nắng. Ngắm bông hoa chuối rực đỏ giữa rừng xanh, hay nghe tiếng suối reo giữa khe đá mang đến cho tôi niềm hạnh phúc an nhiên.

Nguyễn Thị Thanh Liễu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này