Công nhân lao động cân đối chi tiêu để đảm bảo cuộc sống

21:05 | 10/05/2022
(LĐTĐ) Hai năm qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cuộc sống của công nhân lao động gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, xăng tăng giá kéo theo giá cả nhu yếu phẩm tăng khiến chi phí sinh hoạt hàng ngày của công nhân lao động càng trở nên chật vật. Để duy trì cuộc sống, họ phải cân đối, cắt bỏ các khoản chi tiêu không thiết yếu.
Nhiều hoạt động thiết thực hướng về người lao động 1.080 vận động viên tham gia Hội khỏe Công nhân, viên chức, lao động và lực lượng vũ trang quận Hoàn Kiếm năm 2022 Quận Hai Bà Trưng phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022

Cả hai vợ chồng đều là lao động ngoại tỉnh, rời quê Thái Bình lên Hà Nội làm công nhân đến nay đã tròn 10 năm nhưng cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân Công ty TNHH Denso Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Công nhân lao động cân đối chi tiêu để đảm bảo cuộc sống
Chị Vũ Thị Hoa cùng con trong căn phòng trọ chỉ khoảng 8m2 (Ảnh: Mai Quý)

Chị Thủy cho biết, tổng thu nhập tối đa của vợ chồng chị khoảng 16 triệu đồng/tháng. Hàng tháng chị trả tiền thuê nhà, tiền điện, nước hết khoảng 2 triệu đồng, cộng với tiền ăn, học của các con... số tiền tiết kiệm chẳng còn là bao.

“Tiền lương hàng tháng thấp trong khi cuộc sống có hàng trăm thứ phải lo toan nên rất áp lực. Ảnh hưởng dịch bệnh, có thời điểm chúng tôi phải nghỉ làm, thu nhập giảm sút nên đã khó càng thêm khó”, chị Thủy chia sẻ.

Khó khăn chồng chất khó khăn, vợ chồng chị Thuỷ có 2 con nhỏ, cháu lớn đang theo học lớp 1, cháu nhỏ 2 tuổi, mắc bệnh u bì kết giác mạc bẩm sinh, phải sử dụng máy nghe trợ thính. Cuộc sống khó khăn, vợ chồng chị phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm giúp.

Tiền lương công nhân hàng tháng vốn đã ít nhưng chị phải tiết kiệm để đưa con đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chị được các bác sĩ tư vấn có thể làm phẫu thuật khi con chị được 5 hoặc 6 tuổi. Tuy nhiên số tiền phẫu thuật lên đến vài trăm triệu, do đó áp lực kinh tế càng đè nặng lên đôi vai vợ chồng chị.

“Gửi con ở quê nhiều lúc nhớ con nhưng cũng phải chấp nhận. Đợt vừa qua, giá xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá, chi phí sinh hoạt nhiều nên tiền tích lũy chẳng còn mấy. Tôi phải cân nhắc, tính toán, cân đối lại các khoản chi tiêu cho hợp lý. Tôi chỉ mong có sức khỏe để làm việc, tích lũy tiền chữa bệnh, lo cho các con”, chị Thủy bộc bạch.

Cùng chung những vất vả, chị Vũ Thị Hoa công nhân tại Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam cho biết, mặc dù làm công nhân, thu nhập ổn định nhưng mức lương thấp, nhiều lúc không đủ để trang trải cuộc sống, nhất là khi đã có gia đình.

Hiện vợ chồng chị cùng 3 con nhỏ đang thuê trọ tại khu nhà cấp 4, lợp mái fibro xi măng. Diện tích phòng chỉ khoảng 8m2 nên vợ chồng chị quyết định thuê thêm phòng bên cạnh để có chỗ sinh hoạt.

Thêm phòng là thêm tiền, chưa kể chồng chị là lao động tự do, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Đặc biệt, trong hơn 2 năm vừa qua ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng gây nhiều xáo trộn trong công việc, từ đầu năm đến nay, giá cả các mặt hàng leo thang khiến cho cuộc sống của vợ chồng chị càng thêm khó khăn.

May mắn hơn chị Thủy, chị Hoa, anh Nguyễn Đình Hải, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam hàng tháng bớt được khoản tiền thuê nhà, tuy nhiên với đồng lương công nhân, vợ chồng anh phải tính toán, lên kế hoạch từng khoản chi tiêu cho hợp lý.

“Tiền lương hàng tháng của hai vợ chồng chỉ đủ tiêu trang trải chi phí sinh hoạt chứ không dư dả nhiều. Hiện nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người lao động. Hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, chúng tôi mong muốn luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn. Mong sao tới đây chúng tôi được tăng lương tối thiểu vùng để các con được ăn uống, học hành đầy đủ và có điều kiện lo cho cha mẹ già”, anh Hải bày tỏ.

Tương tự, cuộc sống của gia đình chị Đinh Thị Lan (giáo viên Trường Mầm non Tây Hồ) cũng bội phần khó khăn. Chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn của mình, chị Lan kể, năm 2020 chị phát hiện bản thân bị K tuyến giáp, chị thực hiện xạ trị và mổ, đến nay bệnh cũng đỡ hơn nhưng hàng tháng chị vẫn phải dành một khoản tiền để khám, dùng thuốc chữa bệnh. Chồng chị là lao động tự do, dịch bệnh khiến công việc của anh không đều đặn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những người lao động như chị Thủy, chị Hoa, anh Hải hay chị Lan vẫn nỗ lực gắn bó với công việc, cùng doanh nghiệp, đơn vị vượt khó. Với họ, sự quan tâm từ tổ chức Công đoàn là điểm tựa để họ thêm vững tin, phấn đấu hơn trong công việc.

Chị Lan xúc động cho biết: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng thật may mắn khi tôi luôn được Công đoàn quan tâm, chăm lo, hỗ trợ kịp thời. Tôi rất xúc động, cảm ơn Công đoàn các cấp đã luôn tạo điều kiện quan tâm tới toàn bộ đoàn viên, người lao động, giúp chúng tôi vơi bớt khó khăn trong cuộc sống”.

N. Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này