Ngày Quốc tế Lao động 1/5: Tôn vinh và cảm ơn người lao động

11:55 | 01/05/2022
(LĐTĐ) Cùng với giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, luôn khẳng định vị thế cách mạng, đi đầu trong mọi trào lưu, xu hướng tiến bộ, góp công sức, trí tuệ hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc.
Người lao động được nghỉ làm việc và hưởng lương trong Ngày Quốc tế Lao động 1/5 Hạnh phúc khi có Tháng Công nhân Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Quốc tế Lao động 1/5

Hôm nay (1/5) là Ngày Quốc tế Lao động. Cách đây 136 năm (1/5/1886-1/5/2022), ngày 1/5 đã trở thành ngày lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm tôn vinh, biểu dương tinh thần đoàn kết của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chung vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ngày Quốc tế Lao động 1/5: Cùng cảm ơn, tôn vinh người lao động
Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022 là dịp cao điểm để các cấp, các ngành, tổ chức Công đoàn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, động viên công nhân lao động.

Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày lễ Quốc gia với Sắc lệnh số 22c do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành vào ngày 18/2/1946 và Sắc lệnh số 56 ngày 29/4/1946 quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5.

Sau khi Sắc lệnh được ban hành, ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.

Từ đây, giá trị của Ngày Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ dừng lại ở tinh thần đoàn kết đấu tranh chống áp bức mà đã được nâng tầm với ý nghĩa sâu xa hơn như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đồng bào toàn quốc và anh chị em lao động: “Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Kể từ sau năm 1975, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam ngày càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, Người đã có công lao to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử của Ngày Quốc tế Lao động 1/5, từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát huy tinh thần Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và ghi nhớ lời hiệu triệu của Bác, cùng với nhân dân lao động, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Sau 36 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc.

Hoạt động “Tháng Công nhân” qua 10 năm tổ chức đã dần đi vào chiều sâu, tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là những lao động yếu thế, gặp nhiều khó khăn, công nhân tại các khu công nghiệp gắn với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật của người lao động, thu hút sự quan tâm, đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp.

Năm nay, kỷ niệm 136 năm Ngày Quốc tế Lao động, 76 năm Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức trọng thể lần đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội, cũng là năm thứ 11 các cấp Công đoàn triển khai “Tháng Công nhân” theo kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng Công nhân năm 2022 được triển khai với chủ đề: “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng”.

Theo đó, Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022 sẽ được tổ chức sâu rộng ở các cấp Công đoàn lồng ghép với các hoạt động như: Ngày hội cảm ơn người lao động; Ngày hội sáng kiến; tôn vinh, biểu dương công nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua…

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến khích các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp - doanh nghiệp vì công nhân”, tạo cơ hội để người sử dụng lao động và người lao động lắng nghe, chia sẻ, cùng nỗ lực vượt khó, phục hồi phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Thông qua các hoạt động Tháng Công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn khơi dậy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, đồng thời phát huy vai trò tiên phong, tinh thần trách nhiệm của giai cấp công nhân Việt Nam trong thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để chiến thắng đại dịch; thúc đẩy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và toàn xã hội trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này