Nâng cao ý thức về an toàn lao động

10:30 | 25/04/2022
(LĐTĐ) Xác định công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, các doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn Hà Nội đã luôn quan tâm thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng môi trường làm việc, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Coi nhẹ ý thức, người dân đang tự gây tai nạn cho mình Nâng cao nhận thức về an toàn lao động tại làng nghề An toàn lao động là ưu tiên hàng đầu

An toàn để sản xuất

An toàn lao động trong sản xuất là yêu cầu bắt buộc mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần đặt ra đối với người lao động và đòi hỏi họ cần nắm vững. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, những sự cố với người lao động vẫn thường xuyên xảy ra, công tác ATVSLĐ vẫn còn một số tồn tại như: Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại, số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp còn quá ít.

Nâng cao ý thức về an toàn lao động
Anh Trần Văn Tuyên - Công ty cổ phần Xích Líp Đông Anh cho biết, nhờ nắm chắc quy tắc an toàn, đã giúp anh vững vàng tay nghề, giữ vững năng suất lao động. Ảnh: NVCC

Theo số liệu từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2021, dù số lượng giảm nhưng vẫn có một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người tại các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hà Nam, Bình Phước. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện tử. Tổng chi phí đối với tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 4 nghìn tỷ đồng và hơn 116 nghìn ngày công.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn lao động tại Việt Nam cũng như trên thế giới, công tác quản lý rủi ro của các đơn vị, doanh nghiệp còn thiếu hiệu quả. Để hạn chế đến mức thấp nhất và không để xảy ra những tai nạn đáng tiếc trong quá trình sản xuất, bên cạnh sự đầu tư hệ thống trang thiết bị và an toàn, việc nâng cao ý thức cũng như thói quen làm việc an toàn của người lao động thì vai trò của chủ lao động là hết sức cần thiết trong việc xây dựng thói quen an toàn trong lao động.

Là công nhân tiện vạn năng - Tổ sửa chữa, Phân xưởng Cơ khí – Xí nghiệp Phụ tùng (Công ty cổ phần Xích Líp Đông Anh), anh Trần Văn Tuyên trực tiếp tham gia sản xuất nhiều năm nay. Anh Tuyên cho biết, Công ty cổ phần Xích Líp Đông Anh hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực gia công cơ khí các chi tiết kim loại định hình cho một số hãng xe lớn trong nước cũng như xuất khẩu, do vậy vấn đề an toàn lao động luôn được Công ty đặt lên hàng đầu.

“An toàn lao động là vấn đề hết sức cần thiết bên cạnh yếu tố chất lượng. Có an toàn trong sản xuất thì người lao động mới yên tâm để làm việc, nâng cao năng suất chất lượng công việc. Đặc biệt, việc cải tiến linh hoạt các quy trình sản xuất, giúp cho việc đáp ứng các nhu cầu về đơn hàng ngày một tốt hơn, trở thành nhà cung cấp an toàn, tin cậy cho các khách hàng của Công ty”, anh Tuyên bày tỏ.

Ý thức được vấn đề quan trọng đó, những năm qua, anh Tuyên cũng như người lao động khác của Công ty đều rất chú tâm đến công tác đảm bảo an toàn lao động. Cụ thể, anh luôn nắm vững và áp dụng triệt để tất cả các quy định an toàn do Công ty đưa ra. Bên cạnh đó, kết hợp thêm với các kiến thức an toàn đã được đào tạo trong quá trình học tập ở các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học… để giúp ích cho bản thân thêm vững vàng trong sản xuất.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Anh Trần Văn Tuyên cũng chia sẻ, những năm qua, công tác an toàn lao động tại Công ty cổ phần Xích Líp Đông Anh triển khai rất nhiều các hoạt động cụ thể như thường xuyên tuyên truyền các quy định an toàn lao động bằng văn bản, loa truyền thanh; ứng dụng lồng ghép các kiến thức về an toàn lao động trong kỳ thi nâng bậc lương, thi nội quy, quy chế của Công ty. Đồng thời, Công ty phối hợp với các lực lượng đoàn viên thanh niên, tổ chức diễn tập an toàn lao động phòng chống cháy nổ, cấp cứu người bị nạn... để sẵn sàng xử lý khi tai nạn lao động xảy ra.

Mới đây, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022. Với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 sẽ được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 31/5 ở tất cả cả các cấp Công đoàn trên toàn Thành phố.

Trong Tháng hành động về ATVSLĐ các cấp Công đoàn Thủ đô cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Riêng LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ trong các cấp Công đoàn Thủ đô năm 2022 dự kiến vào ngày 29/4; tổ chức gặp măt, tặng quà cho 100 công nhân và gia đình công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

“Đặc biệt, hàng tuần Công ty đều nghiêm túc thực hiện các công tác 5S đến từng vị trí làm việc của từng cá nhân; tổ chức các đội kiểm tra, nhắc nhở để công nhân đạt được những yêu cầu thật tốt cho công tác ATVSLĐ. Nhờ nắm chắc quy tắc an toàn, luôn trau dồi kiến thức và kinh nghiệm có được trong quá trình sản xuất nhiều năm làm việc trong Công ty đã giúp tôi ngày một trưởng thành hơn; vững vàng tay nghề, giữ vững năng suất lao động sản xuất trên 200%, năm sau luôn cao hơn năm trước”, anh Tuyên chia sẻ.

Còn tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Dược phẩm Tâm Bình, chị Hoàng Phương - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, Công ty luôn hoàn thiện dây chuyền sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn, hiệu quả; công nhân bố trí đứng máy thì đều được đào tạo quy trình vận hành máy; trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ cho người lao động, tổ chức huấn luyện định kỳ về công tác ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ…

Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, với tác động của dịch Covid-19, Công ty cũng đã có nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ người lao động. Ví dụ, thời điểm dịch bùng phát, Công ty thực hiện chế độ “3 tại chỗ”, đảm bảo ăn uống cho công nhân tại chỗ, hàng hóa vận chuyển về thì phải thực hiện phòng dịch đầy đủ. Còn ở thời điểm hiện tại, Công ty cũng đã thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục sản xuất. Theo đó, Công ty tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch như: Kiểm soát ra vào, đeo khẩu trang, sát khuẩn…

Có thể thấy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã thường xuyên quan tâm, đầu tư cho công tác ATVSLĐ. Thể hiện qua việc thường xuyên kiện toàn, bố trí người làm công tác ATVSLĐ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hằng năm; phân định rõ trách nhiệm của các bộ phận. Công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, đào tạo về ATVSLĐ tại doanh nghiệp được đổi mới với nhiều hình thức phong phú, cách làm sáng tạo.

Trong đó, các doanh nghiệp tích cực đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, cải thiện điều kiện làm việc. Các chế độ, chính sách đối với người lao động, như: Khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; tham quan, nghỉ dưỡng; ăn ca, ăn định lượng; bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... được người sử dụng lao động quan tâm thực hiện; đời sống vật chất, tinh thần của người lao động từng bước được nâng cao./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này