Nỗ lực đảm bảo chất lượng dạy và học

11:54 | 26/04/2022
(LĐTĐ) Với việc đón trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, toàn ngành Giáo dục Hà Nội đã khôi phục lại hoạt động dạy học. Để thực hiện “nhiệm vụ kép” trong điều kiện bình thường mới, các nhà trường đã xây dựng phương án chi tiết bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh và kế hoạch dạy học cho học sinh.
Nhiều hoạt động nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học Chủ động xây dựng phương án, nỗ lực duy trì dạy và học

Linh hoạt trong tổ chức dạy học

Mầm non là cấp học cuối cùng trong hệ thống giáo dục của thành phố Hà Nội đón trẻ trở lại trường học trực tiếp, ghi dấu mốc đặc biệt của ngành Giáo dục Thủ đô trong việc khôi phục lại các hoạt động ở điều kiện bình thường mới. Thực tế cho thấy, dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị từ Thành phố xuống cơ sở, cùng những nỗ lực, sự chuẩn bị chu đáo của các nhà trường, đến nay, hoạt động dạy và học cơ bản đã dần đi vào nền nếp, hiệu quả.

Nỗ lực đảm bảo chất lượng dạy và học
Mầm non là cấp học cuối cùng trong hệ thống giáo dục của thành phố Hà Nội đón trẻ trở lại trường học trực tiếp.

Ghi nhận tại Trường Mầm non Ánh Sao (quận Cầu Giấy), sau một thời gian dài trẻ ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19, dù mối liên hệ giữa giáo viên và trẻ vẫn được duy trì thông qua các video hoặc các buổi gặp gỡ ngắn trên phần mềm Zoom, song để khuyến khích sự hào hứng, tạo cảm giác thoải mái giữa trẻ với trẻ, trẻ với giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường đã lựa chọn các phương pháp dạy học nhẹ nhàng, đề nghị giáo viên không quá cứng nhắc, rập khuôn. Đồng thời, nhà trường cũng khuyến khích tổ chức hoạt động cho trẻ theo nhóm nhỏ, cá nhân; hạn chế tổ chức hoạt động nhóm lớn, tập trung cả lớp.

Riêng đối với nhóm nhà trẻ lần đầu đi học và lớp mẫu giáo 5 tuổi chuẩn bị lên lớp 1, nhà trường có sự ưu tiên đặc biệt. Với nhóm nhà trẻ, Trường Mầm non Ánh Sao tăng cường đội ngũ giáo viên, nhân viên, dặn dò các giáo viên lưu ý hơn khi đón trẻ, phối hợp với phụ huynh để chuẩn bị đồ dùng, tâm thế tốt cho trẻ. Trước đó, giáo viên cũng đã gặp gỡ trẻ qua phần mềm Zoom để trẻ không quá bỡ ngỡ khi gặp cô ở trường. Còn với trẻ mẫu giáo lớn 5 tuổi, do không còn nhiều thời gian nên nhà trường sắp xếp lại các mục tiêu của chương trình giáo dục, cố gắng tập trung dạy các con những nội dung cốt lõi cả về kiến thức và kỹ năng sống để trẻ tự tin, sẵn sàng chuyển lên cấp học mới, môi trường mới với nhiều sự thay đổi lớn.

Tương tự, tại Trường Mầm non Liên Bạt (huyện Ứng Hòa), ngay từ những ngày đầu trẻ đi học trở lại, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên nhanh chóng ổn định nền nếp, xây dựng môi trường lớp học linh hoạt, phù hợp, tạo tâm lý tốt cho trẻ đến trường, đồng thời quan tâm đến trẻ mới tuyển sinh lần đầu đến trường để trẻ không bị bỡ ngỡ. Ngoài ra, căn cứ vào thời gian còn lại của năm học và trong hè, nhà trường cũng điều chỉnh kế hoạch dạy học sao cho phù hợp.

“Ban Giám hiệu cùng Tổ chuyên môn đã thống nhất chỉ đạo giáo viên lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi” phù hợp với độ tuổi của trẻ và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục mầm non; chú trọng các hoạt động dạy trẻ bảo vệ an toàn bản thân, kỹ năng tự phục vụ, vệ sinh, hoạt động thể chất, vui chơi, học qua chơi… Đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, các giáo viên lựa chọn trang bị những nội dung giáo dục, kỹ năng cốt lõi, cần thiết để trẻ nhanh chóng thích nghi với giai đoạn chuyển tiếp, chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1…”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Bạt Đỗ Thị Hòa chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tốt Động (huyện Chương Mỹ) Lê Thị Tuyết cho hay, nhà trường duy trì hình thức dạy học trực tiếp 2 buổi/ngày từ ngày 12/4, trong đó các giáo viên tập trung bổ trợ kiến thức cho học sinh vào buổi học chiều. Nhà trường đã xác định với các giáo viên sẽ rất vất vả trong thời gian đầu học sinh trở lại trường học tập. Do vậy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên khắc phục khó khăn, cùng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, với sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, đến thời điểm hiện tại, việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các trường học trên địa bàn Thành phố cơ bản diễn ra thuận lợi, nền nếp và an toàn. Tỷ lệ học sinh học trực tiếp ở các cấp học đạt tỷ lệ cao.

Chú trọng hỗ trợ tâm lý

Dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đang dần được kiểm soát. Học sinh đã trở lại trường học tập trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, gần 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, học sinh phải đối mặt với vấn đề về sức khỏe tâm thần. Để giúp học sinh vượt qua những trạng thái cảm xúc tiêu cực, trường học cần giúp các em hiểu rõ những khó khăn, chấp nhận các biện pháp điều trị và tạo ra một môi trường an toàn. Nhà trường giúp các học sinh vượt qua những áp lực bằng cách thay đổi môi trường, tranh thủ sự nâng đỡ của người thân trong gia đình và bạn bè.

Anh Phạm Tiến Nhiệm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Học trực tuyến trong nhiều tháng liên tiếp nên khi quay trở lại trường học trực tiếp, con gặp khó khăn do giờ giấc học tập, sinh hoạt thay đổi. Cùng đó, tôi cũng cảm thấy con trở nên trầm tư, ít nói và không mạnh dạn, tự tin như trước. Gia đình đã động viên con tham gia hoạt động tập thể, giao lưu nhiều hơn với bạn bè, đồng thời kết nối với nhà trường, giáo viên, phụ huynh cùng lớp để trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cùng chia sẻ với con”.

Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với một số đơn vị tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác tham vấn tâm lý của tất cả các trường phổ thông về những nội dung cần thiết nhằm giải quyết tốt hơn những vấn đề học sinh gặp phải khi trở lại trường học.

Tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa), dù thời gian còn lại của năm học không nhiều, nhưng trước mắt, nhà trường không đặt ra các yêu cầu về học tập mà quan tâm đến sức khỏe, tâm lý của học sinh nhiều hơn. Phòng tham vấn tâm lý của trường đã tổ chức tham vấn tâm lý nhóm, tham vấn tâm lý cá nhân với các nội dung chuyên đề như thải độc cảm xúc, chăm sóc sức khỏe tinh thần..., từ đó giúp học sinh có hành trang tâm lý tốt để tự ứng phó, giải quyết những vấn đề phát sinh. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức chuyên đề tham vấn dành riêng cho cha mẹ để đồng hành, lắng nghe con nhiều hơn.

Hay như tại Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm), khi nhận diện được những vấn đề của học sinh sau khi trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến, nhà trường đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có tập huấn cho toàn bộ giáo viên để hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh. Phòng tâm lý học đường bên cạnh phát hiện, sàng lọc tâm lý, còn có hoạt động hỗ trợ chia sẻ giúp học sinh trong các vấn đề học tập, cảm xúc, quan hệ với bạn bè, gia đình hay tình cảm lứa tuổi học trò…

Tương tự, tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), Ban Giám hiệu nhà trường đã đề nghị các giáo viên tăng cường các hoạt động tương tác, giao lưu, tạo điều kiện để các học sinh thấy hứng thú khi học trực tiếp. Các giáo viên năng khiếu chuẩn bị các trò chơi tương tác - vận động để nâng cao sức khỏe và tinh thần cho học sinh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, khi học sinh đi học trực tiếp, bên cạnh yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan với dịch bệnh, các nhà trường cần quan tâm nắm bắt diễn biến tâm lý của học sinh để có sự hỗ trợ cần thiết. Các trường dành thời gian ổn định nền nếp học tập; rà soát, kiểm tra kiến thức đã học trực tuyến để có kế hoạch bổ trợ đồng thời với việc dạy bài học mới. Việc thực hiện kế hoạch dạy học cần bảo đảm khoa học, phù hợp với đối tượng học sinh và tuyệt đối không gây quá tải./.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này