Nhiều sáng kiến của người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

21:09 | 20/04/2022
(LĐTĐ) Ngày 20/4, tại Thái Nguyên, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị thực hiện các chỉ đạo về công tác thi đua khen thưởng và tham gia ý kiến một số định hướng phục vụ xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 tại các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Khu vực Bắc Trung Bộ là động lực thi đua của cả nước trong Chương trình “1 triệu sáng kiến” Công nhân Sakurai Việt Nam đóng góp hơn 500 sáng kiến vào Chương trình “1 triệu sáng kiến” Công nhân, viên chức, lao động Thủ đô góp sức vì 1 triệu sáng kiến

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Hùng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chánh Văn phòng; Nguyễn Văn Toản - Phó Chánh Văn phòng; Chủ tịch 6 LĐLĐ các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và LĐLĐ tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc.

Nhiều sáng kiến của người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo đề dẫn Hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Toản cho biết, Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó phát triển, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” là ý chí, tình cảm của đoàn viên công đoàn và người lao động chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.

Qua gần 4 tháng triển khai đến nay, 100% các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, triển khai tới cơ sở.

Tổng số lượng chỉ tiêu đăng ký cả nước đạt trên 1 triệu sáng kiến; trong đó, 6 LĐLĐ tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, 3 LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Lào Cai đã đăng ký 66.775 sáng kiến, chiếm tỷ lệ trên 6% cả nước. Một số đơn vị đăng ký vượt chỉ tiêu như Hòa Bình (vượt 3.927 sáng kiến), Tuyên Quang (vượt 3.008 sáng kiến), Lạng Sơn (vượt 828 sáng kiến); 3/9 đơn vị đăng ký phấn đấu thấp hơn chỉ tiêu định hướng 10% số đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, đó là: Phú Thọ, Bắc Kạn, Lào Cai.

Tính đến 8h00 sáng ngày 20/4/2022, đã có hơn 163.532 sáng kiến cập nhập trên hệ thống phần mềm. 10 đơn vị đang dẫn đầu cả nước là Thanh Hóa với 35.728 sáng kiến; Hà Nội với 18.549 sáng kiến, Nghệ An với 14.282 sáng kiến, Hà Tĩnh với 9.574 sáng kiến, Bắc Giang với 6.601 sáng kiến, thành phố Hồ Chí Minh 6.475 sáng kiến, thành phố Hải Phòng 5.820 sáng kiến, thành phố Cần Thơ với 4.808 sáng kiến, An Giang với 4.754 và Long An với 4.479 sáng kiến.

“Đặc biệt, sáng kiến của đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tham gia chương trình này là rất lớn. Đây là vấn đề đặt ra cho công tác thi đua của tổ chức Công đoàn Việt Nam về tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp, nhất là khu vực ngoài Nhà nước để kịp thời động viên, khuyến khích người lao động sáng tạo, cống hiến”, đồng chí Nguyễn Văn Toản nhấn mạnh.

Nhiều sáng kiến của người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Toàn cảnh Hội nghị.

Nhận xét về kết quả trên, theo đồng chí Nguyễn Văn Toản, các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty đã tăng cường cán bộ trực tiếp phụ trách Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó phát triển, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” và quản trị phần mềm để tham mưu giúp Thường trực các LĐLĐ tỉnh chỉ đạo, kiểm tra giám sát, nắm kết quả thực hiện tại các cơ sở hàng ngày, hằng tuần.

Công đoàn cấp trên trực tiếp và Công đoàn cơ sở đã thành lập các “Tổ hỗ trợ sáng kiến” để giúp các cá nhân hoàn thiện thủ tục hồ sơ sáng kiến theo quy định, bố trí địa điểm để cập nhật sáng kiến tại đơn vị. Thiết kế video hướng dẫn các bước thao tác hướng dẫn cách đăng nhập và nộp sáng kiến tham gia Chương trình.

Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động có chính sách trước mắt và lâu dài dành nguồn kinh phí để động viên, khích lệ, khen thưởng tôn vinh trân trọng tất cả các sáng kiến.

Các cấp Công đoàn đã cụ thể hóa các nội dung thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó phát triển, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” bằng các tiêu chí chấm điểm đánh giá thi đua, căn cứ kết quả trên phần mềm trực tuyến để xếp loại thi đua hàng tháng giữa các cấp Công đoàn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, một số đơn vị thuộc Trung du và miền núi Bắc Bộ như LĐLĐ các tỉnh: Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ và LĐLĐ tỉnh Lào Cai có tỷ lệ sáng kiến được cập nhật ở mức trung bình của cả nước - thấp hơn so với tiềm năng hiện có.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị, để thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả Chương trình “1 triệu sáng kiến” thời gian tới, từng LĐLĐ tỉnh cần phân công cán bộ Công đoàn tham mưu thực hiện tại địa phương; trực tiếp hướng dẫn thao tác kỹ thuật và có năng lực hoàn thiện nội dung cập nhật sáng kiến của đơn vị trên Cổng trực tuyến. Song song với đó là hình thành tổ sáng kiến ở cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ gợi mở ý tưởng, tiếp nhận sáng kiến, đề xuất áp dụng và hướng dẫn kê khai sáng kiến.

Đồng chí Trần Thanh Hải cũng đề nghị, các Công đoàn cơ sở cần chủ động xây dựng kế hoạch hưởng ứng, vận động người sử dụng lao động ủng hộ và có chính sách động viên hoạt động sáng kiến của người lao động; phát huy tính tự giác của người lao động tham gia chương trình. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, lan tỏa giá trị sáng tạo của người lao động để họ tự hào, họ chung sức khôi phục kinh tế, đóng góp tích cực cho xã hội.

N.Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này