Đẹp thêm từ những việc làm thầm lặng

18:54 | 19/04/2022
(LĐTĐ) Trong số những người âm thầm, lặng lẽ hi sinh cho sự nghiệp trồng người, có một nhà giáo mà sự cống hiến của cô luôn là động lực, là tấm gương cho đồng nghiệp noi theo, đó là cô giáo Pham Thị Oanh giáo viên dạy Ngữ văn, đồng thời kiêm Trưởng Ban Nữ công Công đoàn Trường Trung học cơ sở Nam Tiến (huyện Phú Xuyên, Hà Nội).
Nhiều hoạt động nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học Chăm lo thiết thực đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ giáo viên

“Không ngại khó, không ngại khổ, chỉ sợ đứng yên một chỗ để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa”; “Thành công không bao giờ đến với những người ngại khó khăn”... Đó là những câu nói quen thuộc mà cô giáo Phạm Thị Oanh thường hay nhắc đến trong những tiết học trên lớp với những học sinh của mình.

Cô giáo Phạm Thị Oanh, được sinh ra ở một làng quê nghèo thuộc huyện Phú Xuyên. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây, cô được cấp trên phân công về giảng dạy tại quê nhà, đây cũng là dịp để cô thể hiện trách nhiệm và tình cảm của mình với những lớp lớp học sinh thân yêu.

Ở trường, cô giáo Phạm Thị Oanh là giáo viên có chuyên môn vững vàng, có bề dày kinh nghiệm, có trách nhiệm cao với công việc. Cô không chỉ là người chị, đồng nghiệp tận tâm được nhiều người yêu quý, kính trọng mà còn là người thầy, người mẹ tận tình với học trò.

Đẹp thêm từ những việc làm thầm lặng
Không chỉ “Giỏi việc nước”, cô giáo Phạm Thị Oanh còn xứng đáng với danh hiệu “Đảm việc nhà”.

Với kinh nghiệm trong nghề của một người đi trước, cô luôn giúp đỡ tận tình cho các giáo viên trong tổ Khoa học Xã hội và những giáo viên trẻ còn bỡ ngỡ trong chuyên môn. Sự tận tâm của cô còn thể hiện cả trong ý thức trách nhiệm khi thiết kế mỗi tiết dạy trên lớp.

Mỗi giờ dạy của cô luôn được thiết kế công phu, sáng tạo, cung cấp cho học trò đầy đủ kiến thức nhưng không gò bó, áp lực. Nhờ phương pháp dạy thuyết phục cộng với lòng say mê, yêu nghề, mến trẻ, cô đã đào tạo được nhiều lớp học sinh đạt thành tích cao, năm nào cũng có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi Học sinh giỏi cấp huyện.

Bên cạnh công tác chuyên môn, cô Oanh còn được phân công công tác chủ nhiệm lớp. Với lợi thế sẵn có là người sống tại địa phương, cô đã dành thời gian để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và cá tính của từng học sinh trong lớp. Đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn như bố mẹ ly hôn, những em mồ côi cha mẹ, hay những em còn bố mẹ nhưng vì hoàn cảnh phải ở với ông, bà để bố mẹ đi làm ăn xa, cô thường gần gũi động viên các em cố gắng vượt qua khó khăn để đến trường.

Năm 2017, cô Oanh đã nhận đỡ đầu, cưu mang, giúp đỡ nhiều học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như trường hợp của em Bùi Thị Ly, nhà nghèo bố mẹ bỏ đi, em phải sống với bà nội 80 tuổi. Không chỉ tự chăm sóc bản thân, em còn thay bố mẹ chăm sóc hai em ruột. Mặc dù vậy, vượt qua khó khăn, cuối năm học, Ly vẫn đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến, được nhận phần thưởng của Hội đồng Đội huyện về thành tích học sinh nghèo vượt khó.

Trường hợp của em Nguyễn Ngọc Sơn, học sinh lớp 9, bố mất, mẹ bị tai biến, em mải chơi chưa chăm học, cô Oanh đã đón em từ Trường Trung học cơ sở Mai Lâm (Đông Anh, Hà Nội) về Trường Trung học cơ sở Thụy Phú (cũ). Cuối năm học lớp 9, em đã đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến, thi vào lớp 10 em đạt điểm cao. Hay trường hợp em Đào Minh Tuấn, khi đang học lớp 8 thì mẹ bỏ đi, bố bị tai nạn liệt toàn thân. Vì điều kiện gia đình khó khăn, Tuấn liên tục bỏ học. Là giáo viên chủ nhiệm, cô Oanh đã luôn gần gũi, động viên, giúp đỡ, em Tuấn đã đi học trở lại.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cô giáo Phạm Thị Oanh còn tham gia Ban Chấp hành Công đoàn trường, kiêm Trưởng Ban Nữ công từ năm 2016 cho đến nay. Là cán bộ Nữ công, cô luôn luôn quan tâm đến các hoạt động phong trào trong công nhân, viên chức, lao động và đời sống của nữ công đoàn viên, đặc biệt là phong trào: "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”, Phong trào “Nuôi con khỏe - Dạy con ngoan”; tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cuộc vận động “Hiến máu tình nguyện” … Năm 2019, với thành tích 12 lần hiến máu, cô đã được Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên tặng giấy khen “Người tốt - Việc tốt”.

Không chỉ “Giỏi việc nước”, cô giáo Phạm Thị Oanh còn xứng đáng với danh hiệu “Đảm việc nhà”. Với lợi thế nhà ở sát mặt đường, cô đã bàn với chồng mở cơ sở chế biến nông sản và đại lý thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Qua nhiều năm tích lũy, gia đình cô đã xây dựng được ngôi nhà khang trang và mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt trong gia đình và một phần để lo cho các con ăn học.

Đến nay, người con trai lớn của cô đã tốt nghiệp Đại học và có việc làm ổn định, người con trai thứ hai đang là học sinh lớp 10. Với những thành tích đạt được trong hoạt động Công đoàn năm 2019, cô Phạm Thị Oanh đã được Liên đoàn Lao đông thành phố Hà Nội biểu dương gia đình công nhân, viên chức Thủ đô tiêu biểu.

Có thể nói, cô giáo Phạm Thị Oanh là một trong rất nhiều đóa hoa thơm đang miệt mài, cần mẫn chắt chiu kinh nghiệm, nhiệt huyết của mình để ngày ngày tô đẹp thêm cho vườn hoa đầy màu sắc của ngành Giáo dục Thủ đô. Với những thành tích đạt được trong chuyên môn, cô đã được Ủy ban nhân dân huyện tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, danh hiệu Lao động tiên tiến nhiều năm liền.

Hồng Hải

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này