Khó khăn bởi dịch Covid-19: Doanh nghiệp Việt tìm đường về “sân nhà”

14:25 | 06/04/2022
(LĐTĐ) Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, không ít doanh nghiệp Việt gặp khó trong quá trình đưa hàng Việt xuất ngoại. Trong khi đó, để ổn định tình hình sản xuất, chờ thời cơ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã phải “bẻ lái” tìm về sân nhà. Với thị trường gần 100 triệu dân, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là “miếng bánh ngọt” nhưng không dễ ăn, nếu như các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên nếp tư duy cũ khi không chú trọng phát triển sản phẩm cao cấp ở sân nhà.
Hiệp định UKVFTA: Doanh nghiệp Việt cần thay đổi để nắm bắt cơ hội Doanh nghiệp Việt “rục rịch” chào tour đón khách quốc tế Doanh nghiệp Việt “thổi” năng lượng tích cực

Là một trong những doanh nghiệp thành công khi khai thác mảng thị trường nội địa đúng thời điểm dịch Covid-19 và giãn cách xã hội liên tục đóng - mở ở Việt Nam, bà Nguyễn Đặng Kim Thoa - Giám đốc Công ty Thương mại và Sản xuất Phúc Nguyễn (Công ty Phúc Nguyễn) cho biết, hai năm qua doanh nghiệp thành công nhất với mảng tiêu dùng nội địa, khách hàng biết đến nhiều hơn, doanh thu mảng tiêu dùng tăng trưởng mạnh, đạt kỷ lục từ khi thành lập. Đưa các sản phẩm lên trang thương mại điện tử và được khách hàng đón nhận nồng nhiệt.

Nhờ sự đầu tư và nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, các sản phẩm của Công ty Phúc Nguyễn dần trở nên phổ biến và quen thuộc với người tiêu dùng cả nước. Đặt kế hoạch để chinh phục thị trường nội địa, bà Kim Thoa cho hay, chúng tôi muốn biến Phúc Nguyễn thành doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh việc bán hàng trên các trang thương mại điện tử để cung cấp thực phẩm nói chung và hàng gia dụng nói riêng đến với người tiêu dùng cả nước.

Khó khăn bởi dịch Covid-19: Doanh nghiệp Việt tìm đường về “sân nhà”
Trước khó khăn trong việc xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt "bẻ lái" trở về sân nhà.

Được biết, nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh, hướng về sân nhà trước những khó khăn của dịch Covid-19, không chỉ có Công ty Phúc Nguyễn mà nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân; Công ty Cổ phần VinaMit… cũng đã “bẻ lái” đưa sản phẩm Việt về sân nhà tiêu thụ khi xuất khẩu gặp khó khăn, chi phí logistics tăng cao. Cùng với đó, khi trở lại sân nhà các doanh nghiệp này ngay lập tức đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, tăng cường tương tác với khách hàng trên không gian mạng. Nhờ đó, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng.

Được biết, để thúc đẩy thị trường nội địa phát triển và tận dụng thế mạnh của thị trường 100 triệu dân, ngày 17/3/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025. Với trọng tâm là tổ chức các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, Đề án đã đưa ra mục tiêu cụ thể là giữ thị phần hàng hóa Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại và trên 80% các phương tiện truyền thông phân phối; trên 90% doanh nghiệp biết đến phong vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này…

Cùng với đó, để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp khai thác thị trong nước, Bộ Công Thương vừa công bố Quyết định số 281/QĐ-BCT về việc ban hành Kế hoạch tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022.

Cụ thể, kế hoạch sẽ tập trung vào việc vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để tập trung phát triển thị trường trong nước, kịp thời có giải pháp ứng phó, bảo đảm nguồn cung hàng hóa Việt Nam thiết yếu, nguyên nhiên, vật liệu Việt Nam phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước; tăng cường quảng bá, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nội địa,…

Kế hoạch còn hướng tới việc tập trung tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức phù hợp với tình hình mới nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối các nhà cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam với đối tác, doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, chú trọng phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nhằm kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử....

Cùng với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, ngành Công Thương… theo các chuyên gia kinh tế, để các doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa, thì bên cạnh việc đa dạng mẫu mã, áp dụng công nghệ tiên tiến còn đòi hỏi doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu; bởi đây là yếu tố then chốt giúp hàng Việt cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu trên sân nhà. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng phải nâng cao năng lực tổ chức quản lý cũng như tăng cường khả năng liên kết và hợp tác với doanh nghiệp khác. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần “bắt tay” chặt hơn với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, đủ tiêu chuẩn chất lượng để thỏa mãn nhu cầu mua sắm đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam.

Có thể thấy, với xấp xỉ 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD/người/năm, thị trường nội địa có rất nhiều tiềm năng không chỉ về mặt kinh tế mà còn là điểm tựa chắc chắn, an toàn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, trụ vững trước dịch Covid-19. Đồng thời, thị trường nội địa cũng trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Với sự phối hợp của nhiều phía từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp cho đến cơ quan quản lý, hàng Việt được kỳ vọng sẽ cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu trên sân nhà, và hàng Việt Nam sẽ chinh phục tốt người tiêu dùng Việt Nam.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này