Niềm tin và hy vọng

10:51 | 05/04/2022
(LĐTĐ) Việc Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là kim chỉ nam tạo động lực để Thủ đô phát triển vươn lên xứng tầm đất nước và khu vực.
Để Thủ đô phát triển xứng tầm Tạo đột phá cho Thủ đô phát triển Tạo động lực đưa Thủ đô phát triển bền vững

Bước vào thời kỳ đổi mới vì mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là những năm thập kỷ 2000, Hà Nội là Thủ đô trái tim của cả nước vẫn bó trong một không gian chật hẹp. Chính vì thế, để Hà Nội có đủ không gian phát triển vươn lên trở thành một trong hai trung tâm kinh tế của cả nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế nước nhà, ngày 29/5/2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2008. Sau khi sáp nhập, Hà Nội trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới với tổng diện tích hơn 3.300km2 (gấp 3,6 lần trước đó).

Niềm tin và hy vọng
Ảnh minh họa.

Đến nay, sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ thu nhập đầu người đến kết cấu hạ tầng cơ sở và bộ mặt đô thị. Hà Nội đã và đang phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Trong đó, đã thực hiện thành công mục tiêu trở thành một trong hai trung tâm kinh tế của đất nước. Có thể nói, với tầm nhìn chiến lược của Đảng, thể chế hóa bằng Nghị quyết của Quốc hội, việc quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã là một quyết định đúng đắn.

Địa giới hành chính được mở rộng, để Hà Nội có đủ cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý phát triển, ngày 6/1/2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020. Đồng thời, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, cũng đã thông qua Luật Thủ đô (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013). Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11 và Quốc hội thông qua Luật Thủ đô là tiền đề quan trọng để Hà Nội đạt được các thành tích toàn diện như hiện tại.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn đó một số hạn chế, vướng mắc. Vì thế, nhằm phát huy vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trái tim của cả nước; trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; trung tâm, động lực phát triển của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, tại cuộc họp của Bộ Chính trị với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngày 1/4 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội đi đầu cả nước hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, năng động, hiệu quả, vì con người; là trung tâm, động lực thúc đẩy, dẫn dắt phát triển vùng và cả nước; có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới, sánh vai với thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực. Đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, Văn hiến, Hiện đại và Sáng tạo, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực.

Tin tưởng chắc chắn rằng, với việc tới đây Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và việc Quốc hội dự kiến sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp tới sẽ là tiền đề quan trọng để Thủ đô Hà Nội vươn lên phát triển mạnh mẽ xứng tầm đất nước và khu vực.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này