Xây dựng ứng dụng dịch vụ công trên thiết bị di động

12:30 | 29/03/2022
(LĐTĐ) Với 70% các thủ tục hành chính được giải quyết ở cấp phường, xã là thủ tục tư pháp, hộ tịch, thời gian qua, ngành Tư pháp Hà Nội đã luôn nỗ lực để cải cách, đơn giản quy trình giải quyết, tạo thuận lợi cho người dân. Để thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Sở Tư pháp đã chủ động triển khai nhiều phần việc để cung cấp các dịch vụ công theo đúng tiến độ.
Hà Nội đề xuất không cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công Triển khai ngay những dịch vụ công thiết yếu người dân đang mong đợi

Xây dựng quy trình nội bộ giải quyết 192 thủ tục lĩnh vực tư pháp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và đoàn công tác của Bộ Tư pháp vừa có buổi làm việc với Sở Tư pháp Hà Nội về việc triển khai thực hiện Đề án 06. Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội - ông Ngô Anh Tuấn cho biết, để thực hiện Đề án, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch, xác định, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị. Đồng thời, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết 192 thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã trình Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội ban hành.

Xây dựng ứng dụng dịch vụ công trên thiết bị di động
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm việc với Sở Tư pháp Hà Nội về thực hiện Đề án 06.

Sở Tư pháp cũng chỉ đạo UBND cấp huyện, UBND cấp xã đăng ký các sự kiện hộ tịch đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật và cập nhật kịp thời vào Cổng Dịch vụ công, Một cửa điện tử Thành phố, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tích hợp, chia sẻ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp, ghi chú người thôi quốc tịch Việt Nam (hơn 1.176 trường hợp), rà soát người không quốc tịch, người chưa xác định được quốc tịch, người không có giấy tờ chứng minh nhân thân (85 trường hợp), người di cư, trẻ em là con lai giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài trên địa bàn (hơn 1.564 trường hợp), các trường hợp thông tin chưa chính xác hoặc chưa thống nhất cần kiểm tra, xử lý, bảo đảm dữ liệu hộ tịch và dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”...

Các thủ tục hộ tịch được đăng ký đầy đủ, chính xác

Thực hiện Đề án 06, liên quan đến trách nhiệm của Sở Tư pháp gồm các thủ tục: Thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử thực hiện trong tháng 3/2022; liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em thực hiện trong tháng 5/2022; liên thông thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí thực hiện trong tháng 5/2022; cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thực hiện trong tháng 5/2022.

Đáng quan tâm, để triển khai thực hiện Đề án 06, Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động sử dụng phần mềm Android, IOS để công dân có thể truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ, Ngành, Cổng Dịch vụ công Thành phố nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động, máy tính bảng.

Đồng thời, đề nghị khi chuyển từ phần mềm, hệ thống cũ sang phần mềm, hệ thống mới có giai đoạn chuyển tiếp, có sự kế thừa thông tin mà công chức và công dân đã cập nhật vào phần mềm, hệ thống cũ, bảo đảm phần mềm, hệ thống hoạt động ổn định, không bị gián đoạn, tránh lãng phí.

Theo Sở Tư pháp, hàng năm, UBND cấp huyện, UBND cấp xã giải quyết hơn 120 nghìn hồ sơ đăng ký khai sinh, 40 nghìn hồ sơ đăng ký kết hôn, 40 nghìn hồ sơ đăng ký khai tử và hàng nghìn hồ sơ khác. Các sự kiện hộ tịch được đăng ký đầy đủ, chính xác, đúng quy định.

Từ ngày 01/01/2016, thành phố Hà Nội đã sử dụng Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch. Đến 12h ngày 22/3/2022, trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch có: 1.227.895 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó 790.226 dữ liệu khai sinh được cấp số định danh cá nhân; 86.185 dữ liệu đăng ký kết hôn; 53.606 dữ liệu đăng ký khai tử; 355 dữ liệu đăng ký nhận cha mẹ con; 35 dữ liệu đăng ký giám hộ; 27.323 dữ liệu xác nhận tình trạng hôn nhân; 63 dữ liệu nhận con nuôi trong nước; 7.620 dữ liệu thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

Từ ngày 01/01/2016, thành phố Hà Nội đã sử dụng Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch. Đến 12h ngày 22/3/2022, trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch có: 1.227.895 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó 790.226 dữ liệu khai sinh được cấp số định danh cá nhân; 86.185 dữ liệu đăng ký kết hôn; 53.606 dữ liệu đăng ký khai tử; 355 dữ liệu đăng ký nhận cha mẹ con; 35 dữ liệu đăng ký giám hộ; 27.323 dữ liệu xác nhận tình trạng hôn nhân; 63 dữ liệu nhận con nuôi trong nước; 7.620 dữ liệu thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

Hiện, Sở Tư pháp đã xây dựng 3 dự thảo Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử qua Cổng Dịch vụ công gửi các cơ quan liên quan để góp ý, tổng hợp, trình UBND Thành phố ban hành.

Liên thông đăng ký thường trú hiện không thực hiện được

Về thực hiện thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em thực hiện trong tháng 5/2022, Sở Tư pháp cho biết, qua 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT, toàn Thành phố giải quyết được hơn 2,1 triệu hồ sơ. Nếu công dân thực hiện riêng lẻ từng thủ tục thì thời gian giải quyết là 28 ngày, nếu liên thông thì thời gian giải quyết là 7 ngày làm việc.

Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2021 đến nay, việc liên thông Đăng ký khai sinh - Cấp Thẻ Bảo hiểm y tế thực hiện bình thường còn việc liên thông Đăng ký khai sinh - Cấp số định danh cá nhân có một số trường hợp bị chậm vài ngày; việc liên thông Đăng ký thường trú không thực hiện được. Vì vậy, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về liên thông thủ tục hành chính thay thế Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT.

Về thủ tục liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí (thực hiện trong tháng 5/2022), Sở Tư pháp cho biết, hàng năm trên địa bàn thành phố có hơn 40 nghìn hồ sơ đăng ký khai tử. Thân nhân của người quá cố chưa nộp ngay hồ sơ liên thông xóa đăng ký thường trú và hưởng các chế độ tử tuất, trợ cấp mai táng phí nên số lượng hồ sơ liên thông không nhiều.

Xây dựng ứng dụng dịch vụ công trên thiết bị di động
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa phường Cát Linh.

Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2022, Sở Tư pháp, Công an Thành phố, Bảo hiểm xã hội Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ dự thảo Quy trình qua Cổng Dịch vụ công, Một cửa điện tử Thành phố tích hợp, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu hộ tịch, Bảo hiểm xã hội, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định pháp luật, thuận lợi cho công dân.

Về cấp Phiếu lý lịch tư pháp, hàng năm, Sở Tư pháp tiếp nhận, giải quyết hơn 80 nghìn hồ sơ cấp phiếu, trong đó hồ sơ nộp trực tuyến chiếm trên 90% qua Cổng Dịch vụ công Lý lịch tư pháp.

Mặc dù tỷ lệ chậm muộn rất thấp, tuy nhiên, chưa được kết nối, chia sẻ với Phần mềm nghiệp vụ Lý lịch tư pháp, Cổng Dịch vụ công, Một cửa điện tử Thành phố, khiến công dân, công chức phải nhập dữ liệu nhiều lần trên nhiều phần mềm, tốn giấy tờ, thời gian trong nộp hồ sơ, tiếp nhận, xác minh, giải quyết. Từ tháng 3-5/2022, Sở Tư pháp sẽ dự thảo Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục và phối hợp cung cấp dịch vụ...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả công tác của Sở Tư pháp Hà Nội. “Trong danh mục của Đề án 06 có 6 thủ tục liên quan trực tiếp đến ngành tư pháp. Qua báo cáo cho thấy Sở Tư pháp Hà Nội đã rất chủ động trong việc thực hiện Đề án, đã phác thảo lại những quy trình thủ tục hiện nay theo quy định của pháp luật, cách đặt vấn đề của Hà Nội là chính xác, đúng quy trình pháp luật. Hà Nội đã làm rất tốt khi đi trước một bước, có sự tham khảo ý kiến của các cơ quan, đơn vị”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nói./.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này