Doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi bằng giải pháp chuyển đổi số

13:47 | 09/03/2022
(LĐTĐ) Ngày 9/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tập đoàn phần mềm Epicor (tập đoàn Mỹ) và Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) tổ chức hội thảo trực tuyến "Vượt qua đại dịch - Chuyển đổi số để phục hồi và tăng trưởng sản xuất".
VCCI đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường mức 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu Đề xuất cho phép nhiều đơn vị được tham gia cấp phép phân loại phim Đề xuất rà soát vướng mắc thực tiễn trong xã hội hoá hoạt động thi hành án dân sự

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI, cho biết, đại dịch Covid-19 không chỉ mang lại những tác động tiêu cực đến sức khoẻ của người dân và doanh nghiệp mà còn tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số.

“Quãng thời gian sống chung với Covid-19 chính là thời điểm quan trọng, là cú huých trăm năm, để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của chuyển đổi số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sau đại dịch”, Tiến sĩ Lương Minh Huân cho biết.

Vượt qua khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng giải pháp chuyển đổi số
Công nghệ số cần được ứng dụng trong khâu sản xuất để thúc đẩy kinh tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo một khảo sát mà VCCI đã thực hiện về thực trạng Chuyển đổi số của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 cho thấy, 3/4 các doanh nghiệp khảo sát đã quan tâm ứng dụng các công nghệ số trước tác động của đại dịch Covid-19.

Mặc dù tỷ lệ các doanh nghiệp lớn ứng dụng các công nghệ số cao hơn, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã dần bắt kịp kể từ khi có Covid-19 xuất hiện. Đáng chú ý, tỷ lệ các doanh nghiệp sản xuất chế biến ứng dụng các công nghệ số cao hơn so với các doanh nghiệp phi sản xuất.

Tuy nhiên, công nghệ số chỉ được doanh nghiệp chủ yếu áp dụng đối với các hoạt động quản trị, logistic, marketing, bán hàng,… trong khi khâu quan trọng nhất là sản xuất lại chưa thực sự được chú trọng.

Cũng theo Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp không thể chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng các thiết bị/công nghệ số mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số.

Những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà.

Đổi mới tổ chức dự trên nền tảng văn hoá sáng tạo sẽ là động lực cho quá trình chuyển đổi số. Việc phải đổi mới mô hình kinh doanh chính là rào cản lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, bên cạnh các khó khăn khác liên quan đến nguồn lực tài chính, năng lực công nghệ, lựa chọn giải pháp tối ưu và tìm kiếm các đối tác tin cậy...

Hội thảo "Vượt qua đại dịch - Chuyển đổi số để phục hồi và tăng trưởng sản xuất" là một trong những chuỗi hoạt động của VCCI nhằm thực hiện đột phá chiến lược chuyển đổi số để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này