Ngành Văn hoá Thủ đô: Những tín hiệu vui từ sự nỗ lực, bứt phá

10:01 | 08/03/2022
(LĐTĐ) Theo số liệu thống kê, các di tích trực thuộc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội như Đền Ngọc Sơn, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã mở cửa đón gần 20.000 lượt khách tham quan, du lịch. Đây là tín hiệu vui cho thấy sự khởi sắc của ngành Văn hoá Thủ đô sau 2 năm im lìm vì dịch Covid-19.
Phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô từ các không gian sáng tạo Văn hóa - Thể thao - Du lịch Thủ đô: Một năm bội thu

Các hoạt động văn hoá nhộn nhịp, sôi động

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, ngành Văn hoá Thủ đô đã nỗ lực triển khai thực hiện kế hoạch công tác đề ra, đồng thời chủ động, trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đột xuất và đạt được nhiều kết quả bứt phá ngay trong trong những tháng đầu năm.

Minh chứng là các hoạt động văn hoá đã trở nên nhộn nhịp, sôi động khi hoạt động lễ hội, các di tích, rạp chiếu phim trên địa bàn Thành phố được mở cửa trở lại, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo nhằm thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch trong trạng thái bình thường mới. Doanh thu từ hoạt động này cũng cho thấy những tín hiệu vui, đánh dấu sự khởi sắc trở lại.

Ngành Văn hoá Thủ đô: Những tín hiệu vui từ sự nỗ lực, bứt phá
Các di tích, danh thắng mở cửa, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý là Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 về “Phát triển Công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là 1 trong 2 Nghị quyết chuyên đề của cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, khẳng định tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hoá trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nghị quyết được ban hành cho thấy nỗ lực và quyết tâm lớn của ngành văn hoá Thủ đô, nhằm hiện thực hoá quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc có tính quan trọng trọng đại trong việc chấn hưng, phát triển nền văn hóa nước nhà.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trên cơ sở nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững, Sở sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô. Trong đó, sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa, ẩm thực…, góp phần phát triển mạng lưới doanh nghiệp văn hóa, hình thành một số tập đoàn công nghiệp văn hóa lớn.

Bên cạnh đó, Sở cũng làm tốt vai trò cơ quan thường trực của Thành phố về Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”, chủ động, trách nhiệm trong thực hiện các Chương trình công tác của Thành ủy. Các nội dung, nhiệm vụ thực hiện chủ đề công tác năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của thành phố Hà Nội được cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện đến các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở. Tiếp tục triển khai thực hiện 02 quy tắc ứng xử trên địa bàn Thành phố...

Tập trung chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31

Đặc biệt, công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 – Sự kiện lớn nhất trong năm 2022 được tập trung triển khai thực hiện. Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội vừa là cơ quan thường trực, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các Sở, ngành, quận, huyện thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân Thành phố giao, vừa trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong công tác chuẩn bị tổ chức Lễ Khai mạc, Bế mạc và công tác chuẩn bị lực lượng tham gia thi đấu tại SEA Games 31.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Sở đã đôn đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa – xã hội Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ tổ chức SEA Games 31. Sở cũng đã đề nghị Ban Tổ chức SEA Games 31, Tổng cục Thể dục thể thao bố trí các trang thiết bị phục vụ tổ chức thi đấu, tập luyện cho các đoàn tham dự SEA Games 31 tại các địa điểm do thành phố Hà Nội quản lý.

Ngoài ra, rà soát, đề nghị Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm về việc đảm bảo cảnh quan môi trường phục vụ công tác tổ chức SEA Games 31; phối hợp Ban Tổ chức SEA Games 31 về việc xây dựng Trung tâm Báo chí và Truyền hình quốc tế phục vụ SEA Games 31. Về công tác tổ chức Lễ Khai mạc, Bế mạc SEA Games 31, Sở cũng tham mưu, trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ Khai mạc, Bế mạc SEA Games 31 và kịch bản Lễ Khai mạc, Bế mạc SEA Games 31.

Thời gian tới, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội sẽ tập trung thực hiện công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31, chuẩn bị lực lượng vận động viên, huấn luyện viên tham gia điều hành và thi đấu tại SEA Games 31; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác trang trí, khánh tiết phục vụ SEA Games 31.

Tiếp theo là đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các kế hoạch, đề án được giao thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy; tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Xây dựng phương án tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trong điều kiện bình thường mới.../.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này