Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động

20:08 | 05/03/2022
(LĐTĐ) Trước tình trạng số ca mắc Covid-19 là công nhân lao động tăng cao, các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động. Để khắc phục những khó khăn đó, các cấp Công đoàn đã nhanh chóng vào cuộc triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm chia sẻ, đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp.
Số ca mắc Covid-19 tăng cao, doanh nghiệp gặp khó vì thiếu hụt lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị "gỡ vướng" cho người lao động khi xin giấy xác nhận F0 và hồ sơ hưởng BHXH Nữ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động huyện Phúc Thọ tích cực hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài”

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Trao đổi về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Nguyễn Minh Sơn, Quyền Trưởng phòng Sản xuất, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) cho biết, Công ty có khoảng 500 công nhân lao động. Tuy nhiên từ trước Tết Nguyên đán đến nay, đã có gần 50% công nhân phải tạm nghỉ việc do là F0, F1. Trung bình mỗi ngày Công ty lại phát hiện 10-20 ca mắc.

Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động
Các doanh nghiệp tăng cường triển khai các biện pháp phòng dịch để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất

Từ tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Công ty lác đác xuất hiện các ca F0, phải nghỉ làm để điều trị. Đến nay, Công ty chỉ còn hơn 200 công nhân làm việc, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của Công ty khi mà các vị trí trong nhà xưởng đều bị thiếu hụt.

Để khắc phục khó khăn, Công ty bố trí các cán bộ quản lý tham gia hỗ trợ một phần công việc phụ trợ, có người đứng vị trí thay công nhân nghỉ do F0 nhằm đảm bảo lượng hàng sản xuất bị thiếu hụt ít nhất. Đồng thời, Công ty cũng điều chỉnh lượng xuất hàng, giảm đến 40%.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Công ty đã có thoả thuận với người lao động về việc tăng giờ làm bù cho nhân lực nghỉ. Đối với F0, F1 thì Công ty cũng tạo điều kiện để họ yên tâm chữa, cách ly ở nhà. Đối với công nhân làm tại xưởng, để đảm bảo an toàn, Công ty và Công đoàn cũng tăng cường biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân lao động bằng các biện pháp như trang bị các loại khẩu trang tốt, vệ sinh khử khuẩn thường xuyên, thực hiện 5K”, ông Sơn cho biết.

Tương tự, Công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại sản phẩm da Ladoda (huyện Gia Lâm), cũng đưa ra các biện pháp thích ứng và nỗ lực đảm bảo chế độ cho người lao động.

Theo đó, Công ty có 200 công nhân lao động, hiện có 20 F0 và hàng chục F1 cách ly theo dõi. Bà Đinh Thanh Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, Công ty vẫn đang hoạt động sản xuất bình thường trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự. Mặc dù có những ảnh hưởng về tiến độ đơn hàng nhưng Công ty vẫn đảm bảo cho người lao động điều trị khỏi Covid-19, sức khỏe ổn định mới đi làm.

“Hiện nay, Công ty hàng ngày vẫn tuyên truyền về 5K cho người lao động, vận động người lao động hạn chế di chuyển để tránh lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, Công ty cũng tăng cường bổ sung dinh dưỡng, đun nước chanh sả cho công nhân uống hằng ngày để tăng đề kháng. Riêng đối với F0, Công ty tích cực phối hợp giải quyết các thủ tục để người lao động được hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội”, bà Hà cho hay.

Còn tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, ông Đinh Quang Dương, Chủ tịch Công đoàn, Giám đốc khối sản xuất cho biết: Công ty đang gặp khủng hoảng về vấn đề nhân lực, ngày nào cũng xáo trộn lao động. Theo ghi nhận đã có 2.000 lao động là F0 trong tổng số 4.000 lao động, chiếm khoảng 50% nhân lực của Công ty.

“Các ca F0 là lao động tăng nhanh đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất , trước tình hình đó chúng tôi phải cắt giảm sản lượng. Tỉ lệ lây nhiễm các ca F1 của Công ty rất ít, hầu như không có tình trạng lây nhiễm tại Công ty, chủ yếu là lây nhiễm tại gia đình. Trước đây các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà nhưng do thiếu nhân lực tuần vừa qua các trường hợp F1 vẫn đến làm việc.

Để đảm bảo phòng, chống dịch, các biện pháp được Công ty tập trung triển khai đồng bộ, hàng ngày đều thực hiện test nhanh Covid-19 để sàng lọc. Trong ca làm việc đảm bảo giãn cách trên 2m, hạn chế giao tiếp...”, ông Đinh Quang Dương nhấn mạnh.

Cần giải pháp đồng bộ để giữ chân người lao động

Đánh giá chung mặt bằng thị trường lao động, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết trong quý I/2022, dự báo thị trường lao động tại Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng từ 80.000-100.000 chỉ tiêu. Các doanh nghiệp tuyển dụng tập trung ở một số ngành nghề như: Kinh doanh thương mại, bán buôn bán lẻ, cơ khí, sửa chữa ô tô, tài chính - ngân hàng. Một số nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều trong thời gian qua, hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục tuyển là công nghệ thông tin, giao nhận hàng...

Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động
Trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh thành lân cận để mở rộng thị trường lao động, tăng cơ hội kết nối cung cầu

Hiện nay, Chính phủ và thành phố Hà Nội có chính sách phục hồi thị trường lao động và thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tăng lên do mở rộng sản xuất và bù đắp nhân lực thiếu hụt trước đó. Trung tâm dịch vụ việc làm cũng đã tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh, thành lân cận để mở rộng thị trường lao động, tăng cơ hội kết nối cung cầu.

Chia sẻ về tình trạng thiếu hụt lao động, đại diện Công đoàn Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, tình trạng thiếu lao động là có nhưng chỉ thiếu mang tính chất cục bộ. Trước tình trạng thiếu hụt lao động, Công đoàn Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở triển khai các giải pháp để khắc phục, chia sẻ, đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp.

Trước mắt, các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động để tuyển lao động mới, Công đoàn tham gia tuyên truyền vận động, hỗ trợ người lao động nắm bắt thông tin về lương thưởng, chế độ, thủ tục ký hợp đồng lao động. Các doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ, tăng ca, tổ chức đào tạo người lao động có thể làm được nhiều vị trí công việc hoặc thuê lại người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp khác... để bù đắp lại phần nhân lực đang bị thiếu hụt. Đối với những doanh nghiệp lớn có nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành sẽ thực hiện điều chuyển đơn hàng...

Về giải pháp lâu dài, đại diện các Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp bày tỏ mong muốn điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng nhằm thu hút người lao động. Bởi hiện nay giá cả sinh hoạt tăng cao, lương tối thiểu vùng không đảm bảo sinh hoạt và cuộc sống của lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh đến làm việc nên hiện các doanh nghiệp gặp khó khi tuyển dụng lao động. Trong khi đó, các doanh nghiệp đều đang phục hồi sản xuất, có đơn hàng mới, đều đăng ký tuyển thêm lao động, do đó đây là thời điểm thuận lợi để điều chỉnh.

Đồng thời, để hỗ trợ người lao động nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, Nhà nước, Chính phủ, Thành phố cần có cơ chế, chính sách xây các nhà ở xã hội để bán hoặc cho người lao động thuê.

Mặt khác, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì lao động phổ thông dần dần không còn là ưu thế nữa mà đòi hỏi người lao động phải có tay nghề cao để đáp ứng được công việc. Trong khi thực tế hiện nay, số lượng lao động tay nghề cao còn rất ít, dó đó cần đẩy mạnh đào tạo, nâng cao tay nghề.

N. Hoa - P. Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này