Nỗ lực đảm bảo an toàn trường học

20:59 | 02/03/2022
(LĐTĐ) Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tránh đứt gẫy hoạt động giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng; quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Hà Nội: 184 học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022 Đảm bảo chất lượng học gắn với an toàn cho học sinh Triển khai đồng bộ các giải pháp, kiên trì mục tiêu chất lượng

Đồng bộ nhiều giải pháp

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GD&ĐT về việc mở cửa trường học trở lại với nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả” trong bối cảnh dịch bệnh dự báo còn kéo dài, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần tới nay, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức cho học sinh học trực tiếp.

Nhiều nhà quản lý, giáo viên, chuyên gia đều cho rằng việc mở cửa trường học, đưa học sinh đi học trở lại là hết sức cần thiết. Việc để học sinh nghỉ học kéo dài ở nhà gây nên những hệ lụy rất lớn, nhất là đối với lứa tuổi học sinh Mầm non, Tiểu học. Cùng với đó, ở nhà chưa chắc nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đã thấp hơn. Nếu nhà trường, cơ sở giáo dục thực hiện phòng, chống dịch bệnh tốt thì nguy cơ lây nhiễm tại trường học rất hạn chế.

Nỗ lực đảm bảo an toàn trường học
Học sinh đi học trực tiếp được đo thân nhiệt ngay từ cổng trường.

Theo ghi nhận, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tránh đứt gẫy hoạt động giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục hướng đến mục tiêu củng cố, duy trì chất lượng giáo dục.

Cùng đó, Bộ cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; chủ động phối hợp với Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành thực hiện việc mở cửa trường học trở lại an toàn.

Qua kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương trong cả nước về công tác mở cửa trường học trở lại, Bộ GD&ĐT cho rằng, chủ trương kiên quyết mở cửa trường học đưa học sinh tới trường học trực tiếp đảm bảo an toàn nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh học sinh và các chuyên gia ủng hộ. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, quyết liệt.

Để đảm bảo chất lượng học tập được tốt nhất khi học sinh quay trở lại trường học sau một thời gian dài tạm dừng đến trường, học trực tuyến để phòng, chống dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục đảm bảo tâm lý cho học sinh khi các em đến trường; thầy, cô giáo có ứng xử phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất việc sang chấn tâm lý khi học sinh đến trường học trực tiếp.

Tuy nhiên, việc mở cửa trường học trở lại cũng gặp một số khó khăn như số F0 là giáo viên, học sinh, sinh viên tiếp tục có diễn biến phức tạp. Một số địa phương có quan điểm khác nhau trong phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục. Một bộ phận phụ huynh học sinh chưa yên tâm cho con đi học trực tiếp, nhất là đối với trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học (đối tượng chưa được tiêm vắc xin).

Ngoài ra, nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nghiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sờ giáo dục và vệ sinh sinh khử khuẩn còn thiếu.

Để công tác mở cửa trường học trở lại thực sự an toàn và có chất lượng, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nhiều giải pháp, trong đó có việc ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học, Giáo dục thường xuyên ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cùng đó, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ Mầm non, học sinh đến trường bảo đảm an toàn; quan tâm đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học…

Tích cực, chủ động, linh hoạt

Chỉ còn thời gian ngắn nữa là năm học 2021-2022 sẽ kết thúc. Cùng với ngành GD&ĐT cả nước, ngành GD&ĐT Thủ đô đã và đang quyết liệt triển khai các giải pháp trong tổ chức dạy học nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.

Nỗ lực đảm bảo an toàn trường học
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số học sinh, giáo viên là F0, F1 nhiều, các trường học đồng thời tổ chức nhiều hình thức dạy học nhằm bảo đảm an toàn, giúp học sinh không bị gián đoạn việc học.

Chủ động, linh hoạt chuyển đổi trạng thái dạy học, tạo thuận lợi nhiều nhất cho học sinh là chủ trương chung của các nhà trường trên địa bàn Thành phố. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số học sinh, giáo viên là F0, F1 nhiều, các trường học đồng thời tổ chức 3 hình thức dạy học (trực tiếp, trực tuyến, kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến) nhằm bảo đảm an toàn, giúp học sinh không bị gián đoạn việc học.

Chẳng hạn, tại Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy), để thuận tiện trong tổ chức thực hiện, đồng thời tạo sự chủ động hơn cho giáo viên chủ nhiệm các lớp, nhà trường quy định những lớp có hơn 50% số học sinh là F0, F1 thì chuyển sang học trực tuyến…

Hay như tại Trường Trung học cơ sở Mai Động (quận Hoàng Mai), sau mỗi tuần học, nhà trường đều rà soát, điều chỉnh cách thức tổ chức để bảo đảm trong mọi tình huống, quyền lợi và sức khỏe của học sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Nhà trường cũng cố gắng không để gián đoạn việc học của học sinh khi có nhiều giáo viên là F0, F1...; huy động các nguồn lực để duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn tại trường và hỗ trợ học sinh khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Lan (phụ huynh học sinh một trường Trường Trung học cơ sở trên địa bàn quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, theo quy định, chỉ những học sinh F0, F1 học trực tuyến. Nhưng trước diễn biến dịch bệnh, nhiều phụ huynh làm đơn bày tỏ nguyện vọng cho con học trực tuyến. Nhà trường rất linh hoạt trong tổ chức dạy học, tạo điều kiện tối đa cho học sinh và đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh. Việc tổ chức dạy học tại lớp cũng không quá cứng nhắc. Khi số lượng học sinh học trực tiếp ít, các con được học ghép với các lớp khác có cùng thời khoá biểu môn học.

Thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp. Do đó, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, không ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, các nhà trường cần tiếp tục tổ chức kết hợp dạy học theo nhiều hình thức để đạt hiệu quả cao nhất. Riêng đối với học sinh lớp 12 và lớp 9, cần tăng cường ôn luyện, hướng dẫn ôn thi bằng mọi hình thức, giúp học sinh đạt kết quả tốt trong các kỳ thi.

Với mỗi học sinh, cùng với việc tích cực học tập, rèn luyện để đạt kết quả cao trong năm học, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khi ở trường cũng như ở nhà để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, hạn chế lây lan dịch bệnh…

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này