Quan trọng là nhân cách

11:45 | 01/03/2022
(LĐTĐ) Khi bàn đến vấn đề tham nhũng, nhiều người cho rằng do cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý kinh tế còn bất cập dẫn đến “kẽ hở” cho tham nhũng có đất sống. Tuy nhiên, chúng ta có dám đảm bảo nếu có một cơ chế, chính sách tốt (khoa học, chặt chẽ) mà cán bộ quản lý “không tốt” thì tham nhũng có được triệt tiêu không?
Kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Tòa án nhân dân Tối cao: Không bỏ lọt án tham nhũng Quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn
Quan trọng là nhân cách
Ảnh minh họa.

Sáng mở mạng đọc báo, ngoài các tin tức nóng liên quan đến tình hình Ucraina, đáng chú ý là bài phỏng vấn TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, của VOV có tựa đề: “Cán bộ không liêm chính thì cơ chế, chính sách về đất đai có thể bị bóp méo”.

Nội dung bài phỏng vấn liên quan đến câu chuyện về tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, TS. Minh nhấn mạnh: “Chúng ta hay nói nguyên nhân do cơ chế, chính sách bất cập, nhưng nguồn gốc chính là lòng tham của con người, là sự mất liêm chính của cán bộ.

Cán bộ là cái gốc, còn đạo đức là cái gốc của con người. Nếu một cán bộ tốt thì kể cả cơ chế, chính sách có vấn đề nhưng cũng không dẫn đến tham nhũng. Không có đội ngũ cán bộ tốt, cán bộ liêm chính thì mọi cơ chế, chính sách đều có thể bị bóp méo. Vì vậy, khi đã xử lý cái gốc, có một đội ngũ cán bộ liêm chính thì người ta sẽ không tham nhũng”.

Như chúng ta đều biết, qua hơn 35 năm đổi mới, cùng với thành tựu chưa từng có trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội thì một trong mảng xám nhất làm chậm sự phát triển, gây bất bình đẳng, phân chia giàu - nghèo gia tăng trong xã hội chính là vấn nạn tham nhũng, lãng phí mà hiện nay chúng ta đang kiên quyết đẩy lùi.

Theo thống kê về các hình thái tham nhũng của các cơ quan nghiên cứu cũng như tổng hợp qua số vụ án tham nhũng thời gian qua có thể thấy, tham nhũng chia làm các loại hình chính: Tham nhũng vặt (chung chi để lo liệu giấy tờ nhanh ở cơ quan công quyền); tham nhũng từ việc chạy chức, chạy quyền; tham nhũng từ hoa hồng các dự án đầu tư công và tham nhũng từ đất đai. Trong đó, tham nhũng từ đất đai có tỷ lệ khiếu kiện cao nhất và cũng là số vụ án bị các cơ quan kỷ luật, tố tụng đưa ra xử lý nhiều nhất trong thời gian qua.

Có người nói rằng “lòng tham con người là vô đáy”. Nó chỉ bị chặn lại bằng pháp luật và đạo đức (nhân cách). Cứ cho một số cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước còn bất cập, nhưng hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội của nước ta đã khá hoàn thiện. Thậm chí, chúng ta còn có Ban phòng chống tham nhũng từ Trung ương đến các tỉnh, thành…nhưng tình trạng tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi triệt để.

Xét cho cùng nguyên nhân chính đúng như nhận xét của TS Đinh Văn Minh “cái gốc nằm ở sự liêm chính của cán bộ”. Nói về đạo đức của cán bộ, trên báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Tuy nhiên, vì lý do kinh tế và đặc biệt là lòng tham vô đáy, thời gian qua không ít cán bộ được giao trọng trách quản lý Nhà nước đã lợi dụng chính sách về đất đai “thông đồng” với doanh nghiệp để tham nhũng. Hàng loạt quan chức tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Thuận... đã bị tiến hành khởi tố là ví dụ.

Con người ta sinh ra là để tồn tại; sinh ra là để mưu cầu hạnh phúc, cống hiến và hưởng thụ, song sự hưởng thụ phải dựa trên công sức, mồ hôi nước mắt từ sức lao động mà có chứ không phải từ lòng tham.

Cả nước đang vào Xuân, cũng đồng nghĩa với mùa lễ hội, đâu đâu tại các khu di tích, chùa, miếu, đền cũng nghi ngút khói hương. Nhà nhà, người người cầu bình an, mong rằng mỗi chúng ta nói chung, cán bộ nói riêng hãy tiếp tục hoàn thiện nhân cách để phụng sự Tổ quốc và nhân dân, như thế cũng là góp phần nói không với tham nhũng!

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này