Phát triển đường sắt đô thị:

Hiệu quả từ phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến

18:07 | 05/02/2022
(LĐTĐ) Tết Nhâm Dần là Tết cổ truyền đầu tiên mà tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào khai thác, vận hành. Ngoài việc giúp hành khách có thêm lựa chọn cho chuyến du xuân, thăm hỏi người thân được thuận lợi, an toàn thì tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn góp phần tạo nên diện mạo mới cho đô thị Hà Nội, là nhân tố tích cực tăng cường năng lực hệ thống vận tải công cộng.
Tàu Cát Linh - Hà Đông vận hành xuyên Tết Ấm lòng đoàn viên, người lao động Hanoi Metro Tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông: Sự khởi đầu tốt đẹp cho giao thông công cộng ở Hà Nội Bố trí nhân lực hỗ trợ người dân đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông ngày đầu bán vé thương mại

Bước chạy đà thành công

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể được xem như dấu mốc đầu tiên cho xu thế phát triển vận tải công cộng hiện đại của Hà Nội. Không khó để thấy, người dân Thủ đô đang có xu hướng dịch chuyển từ du xuân bằng phương tiện cá nhân sang tàu điện Cát Linh - Hà Đông.

Hiệu quả từ phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện “bức tranh” giao thông Thủ đô ngày một thông thoáng, văn minh.

Thống kê của Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho thấy, trong ngày 4/2 (tức mùng 4 Tết), lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng kỷ lục so với những ngày trước đó.

Cụ thể, tính đến 21h ngày 4/2 (giờ đóng bến) tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã phục vụ khoảng 40.000 lượt khách đi lại, tham quan và trải nghiệm. Đây là lượng khách đi lại kỷ lục kể từ ngày chính thức bán vé thương mại đến nay.

Điểm đáng chú ý, hiện hầu hết hành khách đến trải nghiệm hay sử dụng tàu điện để đi làm đều có chung ấn tượng mạnh mẽ là nhanh chóng và an toàn. Theo đơn vị vận hành, tàu điện có ưu điểm hơn so với các loại hình phương tiện khác, cả hành trình từ ga Yên Nghĩa đến Cát Linh tàu di chuyển chỉ mất 23 phút, tính gồm cả thời gian dừng đỗ đón khách.

Trong khi đó, nếu xét cùng quãng đường này di chuyển bằng xe ô tô cá nhân, với tình hình ùn tắc của Thủ đô thì phải mất hơn 1 giờ vào khung giờ cao điểm; di chuyển bằng xe máy cũng phải mất trên 30 phút.

Hiệu quả từ phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến
Hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông.

Nhìn ở góc độ tổng thể, với những đặc điểm riêng, đường sắt đô thị và xe buýt sẽ là những nhân tố tích cực, bổ sung cho nhau, tăng hiệu quả và thu hút người đi cho hệ thống vận tải hành khách công cộng trong đô thị.

Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro, cho rằng, mỗi một phương thức vận tải đô thị chỉ đáp ứng được một số đối tượng nhất định. Bởi vậy, cần có cả một hệ thống đa loại hình để bổ sung cho nhau.

“Một phương thức vận tải không thể giải quyết được hết và Cát Linh - Hà Đông mới chỉ là sự khởi đầu. Và với sự khởi đầu tốt đẹp như hiện nay thì chúng tôi hi vọng tới đây Hà Nội sẽ tiếp tục đưa các tuyến đường sắt đô thị khác đi vào hoạt động” - ông Vũ Hồng Trường nhấn mạnh.

Tháo gỡ điểm nghẽn ùn tắc

Giao thông vận tải với phương châm “đi trước một bước” luôn là yêu cầu cấp thiết của các đô thị, vừa tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh. Với Thủ đô cũng vậy, chỉ khi có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách thì nền kinh tế mới có điều kiện tăng trưởng nhanh, bền vững.

Hiệu quả từ phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến
Di chuyển bằng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông người dân sẽ không còn phải chịu cảnh ùn tắc.

Hiện Hà Nội cũng đang đi đúng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông. Cụ thể, hạn chế phương tiện cá nhân trên địa bàn Hà Nội sẽ gồm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 là ưu tiên nguồn lực để phát triển vận tải hành khách công cộng để cải tạo hạ tầng cho người đi bộ. Đây thường được gọi là giai đoạn “mua” thói quen đi lại phương tiện công cộng.

Giai đoạn 2 là kiểm soát phương tiện cá nhân, hướng người dân đến các loại hình vận tải hành khách công cộng. Giai đoạn 3 là hạn chế, tiến tới dừng sử dụng phương tiện cá nhân nếu đủ điều kiện.

Với tiền đề trên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, đường sắt đô thị là bộ phận cấu thành quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật, là tiền đề cho sự phát triển của giao thông đô thị.

Và phát triển giao thông đô thị bền vững cũng chính là điều kiện để phát triển đô thị bền vững. Một mạng lưới đường sắt đô thị hoàn thiện sẽ gắn kết, giúp việc đi lại giữa các khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện... cũng như giữa đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh xung quanh trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Đường sắt đô thị góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực và đô thị dọc tuyến.

Hiệu quả từ phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến
Một số tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị.

Chính bởi những ưu điểm kể trên nên khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào khai thác đã được xem là bước ngoặt lớn của giao thông Hà Nội nói riêng và giao thông cả nước nói chung.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác cũng nhận được nhiều kỳ vọng đó là góp phần giảm ùn tắc giao thông, tạo diện mạo mới văn minh cho Thủ đô.

Tuy nhiên, thành công ban đầu của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Ðông cũng cho thấy thách thức nhất định mà giao thông Thủ đô cần phải vượt qua đó là cần phải đồng bộ về hạ tầng kết nối với đường sắt đô thị.

Nói cách khác, Thành phố bên cạnh việc sớm tăng cường năng lực cho hệ thống vận tải công cộng thì cần sớm đưa vào vận hành, khai thác tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, đảm bảo vận hành đúng thời gian đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường Vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị.

Các công trình lớn này từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng xác định, mạng lưới đường sắt đô thị sẽ đóng vai trò tạo nên bộ khung xương sống hoàn chỉnh cho hệ thống giao thông Thủ đô, tạo cơ hội phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, văn hóa, chính trị.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này