Tâm sự của tiểu thương mưu sinh ngày cận Tết

11:38 | 27/01/2022
(LĐTĐ) Trong không khí hối hả của những ngày cuối năm, người dân Thủ đô ai cũng vội vàng sắm sửa để chuẩn bị đón một mùa Xuân mới - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong dòng người tấp nập ấy, có hình ảnh trầm tư, lo lắng của những tiểu thương kinh doanh các sản phẩm phục vụ Tết.
Xây dựng hình ảnh thanh niên Hà Nội mang phẩm chất có tầm thời đại Đồng chí Đinh Tiến Dũng thăm, tặng quà Tết gia đình chính sách, công nhân lao động tỉnh Nam Định Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Cùng với chiếc xe đạp cà tàng, chị Dung (ở Từ Sơn, Bắc Ninh) sáng nào cũng có mặt từ rất sớm, rong ruổi trên khắp những tuyến phố ở Hà Nội. Ngày thường chị bán đủ loại hoa, ngày Tết chị bán đào, tất cả đều là sản phẩm của vườn nhà. Nhưng khác với mọi năm, hoa của chị năm nay bán chậm hơn rất nhiều.

undefined
Chị Dung rong ruổi bán hoa đào trên những tuyến phố của Hà Nội

Nỗi lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của người phụ nữ tần tảo mưu sinh, chị Dung tâm sự: "Tôi đã bán đào nhiều năm nhưng chưa bao giờ lại thấy khó khăn như năm nay. Cũng một xe hoa như thế này, những năm trước chỉ 9-10 giờ sáng là hết sạch. Nhưng mấy ngày nay, hầu như hôm nào tôi cũng phải mang hoa về nhà".

Theo chị Dung, thời tiết năm nay không thuận lợi nên đào không nở đẹp được như mọi năm. Đặc biệt là do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 khiến người dân cũng hạn chế mua sắm hơn và giá bán cũng rẻ hơn nhiều nên thu nhập từ việc bán đào cũng chẳng thấm thía vào đâu.

Ở một góc chợ Nghĩa Tân - một trong những khu chợ sầm uất của thành phố Hà Nội, chị Thanh từ Hoài Đức lặn lội lên từ sớm, đang thoăn thoắt sắp xếp những bao lì xì và câu đối đỏ. Đã kinh doanh mặt hàng này cả chục năm nay, nhưng chưa bao giờ chị Thanh thấy ế ẩm như bây giờ.

"Hầu hết người dân đều thắt chặt "hầu bao" nên chỉ có lác đác vài khách mua. Dù đã dự trù để nhập ít hàng hơn nhưng tôi không nghĩ là sẽ ít người mua đến vậy", chị Thanh ngậm ngùi nói.

undefined
Chị Thanh sắp xếp lại những thếp lì xì để phục vụ Tết

Dù vậy, chị Thanh cũng hy vọng trong mấy ngày cuối cùng của năm, sẽ là lúc mọi người tập trung mua sắm bởi Nhà nước đã tiêm vắc xin đủ cho người dân và nới lỏng quy định đi lại, hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Lúc này không khí Tết mới thực sự sôi động, người dân đổ ra đường mua sắm nhiều hơn. Cũng chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống được trở lại bình thường như trước", chị Thanh tâm sự.

Cũng giống như chị Dung, chị Thanh, những tiểu thương kinh doanh các mặt hàng gốm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Những chiếc xe cà tàng nối đuôi nhau chở theo bình hoa, bát đĩa với hoa văn tinh xảo, đủ loại kích cỡ, đi từ làng nghề truyền thống Bát Tràng, lăn bánh trên khắp các con phố trong nội thành Hà Nội. Nhưng từ sáng đến tối khuya, xe gốm vẫn đầy ắp.

"Chúng tôi bắt đầu bán từ ngày 22 tháng Chạp, do số lượng hàng hóa nhiều và dễ bị đổ vỡ trong lúc vận chuyển nên chúng tôi dựng lều ngủ tại đây luôn, những ngày hanh khô thì không sao nhưng mưa rét thì rất vất vả trong việc bảo quản hàng", một tiểu thương tâm sự.

undefined
Tiểu thương kinh doanh gốm trên những tuyến phố

Theo chia sẻ của những tiểu thương chuyên kinh doanh gốm, năm vừa qua dịch Covid-19 kéo dài, người lao động ở làng nghề Bát Tràng đều xin về quê vì không có việc làm. Năm nay giá các sản phẩm gốm lại tăng, trong khi thu nhập của người dân lại giảm. Vì thế mà người tiêu dùng cũng không mấy "mặn mà" với mặt hàng này...

Đó là tâm sự của những tiểu thương, những người "chở Tết" trên khắp các phố phường Hà Nội. Ai cũng thấy khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng trong họ luôn tràn đầy hy vọng dịch bệnh sớm qua để những gánh hàng vơi đi, họ trở về nhà kịp sắm sửa Tết của gia đình.

Phương Thúy - Hà Chi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này