Thị trường lao động hứa hẹn phục hồi, phát triển

08:46 | 02/02/2022
(LĐTĐ) Theo các chuyên gia, nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu khởi sắc trở lại, kéo theo đó là hoạt động nhộn nhịp của thị trường lao động. Thị trường lao động cả nước nói chung và thị trường lao động Hà Nội nói riêng hứa hẹn có nhiều tín hiệu phục hồi, phát triển và chuyển biến tích cực trong năm 2022.
Làm “ấm dần” thị trường lao động nhờ tuyển dụng trực tuyến Thị trường lao động sẽ có nhiều gam màu sáng Thị trường lao động đang ấm dần

Tín hiệu lạc quan

Chia sẻ về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định: “Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người lao động (NLĐ) buộc phải ngừng việc, thế nhưng hiện nay, Chính phủ đã linh hoạt mở cửa nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp do đó, nguồn cầu lao động tăng lên, NLĐ sẽ có nhiều cơ hội việc làm”.

Thị trường lao động hứa hẹn phục hồi, phát triển
Kết nối việc làm trực tuyến tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng, mặc dù thị trường lao động Việt Nam có tính chất lên xuống bấp bênh, khó dự đoán, tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động đối với nhóm lao động giản đơn ở Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng. Bởi lẽ, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhóm lao động này bị rời khỏi nơi làm việc nhiều nhất. Họ là những đối tượng bị mất thu nhập, gặp khó khăn nhất vì thế khi việc sản xuất kinh doanh bình thường trở lại, nguồn nhân lực này rất dồi dào và sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.

Cũng chung nhận định về những tín hiệu lạc quan của thị trường lao động trong thời gian tới, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đánh giá, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên với việc thay đổi chiến lược từ “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt”, nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu khởi sắc trở lại kéo theo thị trường lao động nói chung và thị trường lao động Hà Nội nói riêng, hứa hẹn có nhiều tín hiệu phục hồi, phát triển và chuyển biến tích cực trong năm 2022.

“Thời điểm cuối năm là lúc mà doanh nghiệp tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh cho nên có nhu cầu tăng cường tuyển dụng nhân sự nhằm đáp ứng khả năng phục hồi sản xuất. Thị trường lao động trở nên sôi động, tăng tốc độ phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh. Những nhóm ngành có xu hưởng tuyển dụng nhiều trong giai đoạn này là công nghiệp, chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú, ăn uống; công nghệ thông tin…”, ông Vũ Quang Thành nói.

Những nhóm ngành phục hồi nhanh nhất

Nhận định về những nhóm ngành có khả năng phục hồi và phát triển nhanh trong năm 2022, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương nhận định cùng với tốc độ phục hồi nhanh chóng, thị trường lao động còn có sự chuyển dịch khá nhộn nhịp giữa các ngành. Những ngành nghề mới, mô hình kinh tế mới dựa vào công nghệ số, công nghệ thông minh sẽ có chiều hướng phát triển tốt. Một số ngành, nghề bị đứt gãy do ảnh hưởng dịch Covid-19 trong thời gian qua như dịch vụ, nhà hàng, logistic cũng sẽ phục hồi và bứt phá khi dịch bệnh được kiểm soát và trong điều kiện kinh tế thích ứng linh hoạt. Một số mô hình làm việc mới như: Làm việc tại nhà, làm việc từ xa, kết nối trực tuyến… cũng sẽ phát triển.

“Để trở lại thị trường lao động trong thời gian này, NLĐ phải đảm bảo ít nhất 3 điều kiện. Thứ nhất là điều kiện về y tế, tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin phòng Covid-19; thứ hai, phải đảm bảo có tay nghề tốt, kỹ năng làm việc tốt và thứ ba là NLĐ cũng cần đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để giữ mối quan hệ lao động hài hòa ổn định.

Đối với cơ quan quản lý lao động thì phải làm tốt công tác dự báo, hoạch định, đào tạo kỹ năng, tay nghề cho NLĐ, đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NLĐ vững tin, đồng hành với người sử dụng lao động”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn

Theo phân tích của ông Vũ Quang Thành, trong năm 2022 tới, phục hồi kinh tế đi đôi với kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nên tất cả các ngành nghề sẽ đều có điều kiện để phục hồi năng lực sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh đó sẽ có một số ngành tiếp tục có bước phát triển vượt bậc hơn so với thị trường chung.

Trong đó, sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian dịch bệnh với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã mang đến cơ hội nghề nghiệp rất lớn cho các nhóm ngành như: Nhóm ngành nghề công nghệ thông tin - lập trình - phần mềm tiếp tục là đầu tàu trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, nhóm ngành nghề phân tích dữ liệu cũng là một trong ba trụ cột của cách mạng công nghiệp 4.0 (Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data)).

“Nhóm ngành nghề phân tích dữ liệu vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới khi mà nhu cầu về DA (Data Analyst) và BA (Business Analyst) của các doanh nghiệp hiện tại là rất nhiều”, ông Vũ Quang Thành phân tích.

Đánh giá chung, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, rõ ràng là bức tranh thị trường lao động trong thời gian tới có những gam màu sáng. Tuy nhiên, sau giai đoạn trì trệ, thị trường lao động bị tác động mạnh thì cũng hình thành nên những phân khúc mới, kỹ năng mới. Do đó, để hỗ trợ nhóm lao động bị mất việc trở lại thị trường làm việc rất cần có nhóm giải pháp đồng bộ để chuyển dịch cơ cấu việc làm, đảm bảo họ có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc mới.

Còn theo ông Vũ Quang Thành, Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực thương mại điện tử, phần mềm, công nghệ thông tin… nhưng cũng đi kèm những thách thức với NLĐ chưa qua đào tạo hay thiếu hụt kỹ năng.

Do đó, những lao động mới tham gia thị trường lao động cần tiếp tục nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là thích ứng với những yêu cầu công việc mới trong mọi tình huống. Với nhóm lao động đã có quá trình tham gia thị trường lao động, cũng cần bổ sung kỹ năng để sẵn sàng dịch chuyển việc làm trong điều kiện mới.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này