Nâng cấp đô thị vùng lõi theo hướng văn minh

14:06 | 03/02/2022
(LĐTĐ) Song hành với việc mở rộng không gian để phát triển các đô thị vệ tinh, Hà Nội tiến hành quy hoạch bài bản, chi tiết đô thị vùng lõi gồm các quận trung tâm Thủ đô theo hướng bảo tồn các di sản văn hóa, kiến trúc gắn với cải tạo, xây mới các chung cư cũ và nâng cấp hệ thông giao thông… Tất cả vì mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Nâng chất lượng cuộc sống theo hướng đô thị xanh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong 100 điểm đến đô thị tốt nhất thế giới Bất động sản vùng vệ tinh - cơ hội “vàng” cho những nhà đầu tư bản lĩnh

Khẳng định vai trò và vị trí trung tâm

Ngược dòng lịch sử trở lại thời điểm sau giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khi đó Hà Nội chỉ có 4 quận (gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Qua quá trình xây dựng và phát triển với nhiều lần điều chỉnh về địa giới hành chính, Hà Nội đã có 12 quận như ngày nay (thêm 8 quận gồm: Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm). Bởi thế bốn quận nội đô lịch sử chính là "vùng lõi" của Thủ đô, là đại diện cho kinh tế - xã hội, văn hóa, con người Hà Nội.

Nâng cấp đô thị vùng lõi theo hướng văn minh
Hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu. Ảnh: Lê Việt

Trong đó, quận Hoàn Kiếm - trung tâm kinh thành Thăng Long xưa, với 36 phố phường vẫn còn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, có thể coi là nơi chất chứa những gì tinh túy nhất, nguyên vẹn nhất của mảnh đất kinh kỳ hào hoa. Còn quận Ba Đình là nơi tập trung các cơ quan trọng yếu của Hà Nội và cả nước, cũng là nơi hội tụ những di tích lịch sử, văn hóa, công trình quan trọng… Quận Hai Bà Trưng lại rất sôi động, được coi là trung tâm kinh tế - tài chính của Thủ đô và quận Đống Đa với tốc độ phát triển mạnh mẽ vượt bậc… Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích nhưng thu ngân sách của 4 quận trung tâm luôn đóng góp tới trên 18% ngân sách toàn Thành phố.

Năm 2021 vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát, nhất là đợt dịch lần thứ tư với biến thể mới Delta lây lan nhanh, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn xã hội, tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, sức khỏe của nhân dân. Sức "tàn phá" của dịch Covid-19 càng thể hiện rõ hơn ở các quận nội thành Hà Nội, nhất là đối với 4 quận "lõi", nơi mà các lĩnh vực thương mại dịch vụ, du lịch, vận tải, vui chơi giải trí… đều suy giảm mạnh.

Điển hình như quận Hoàn Kiếm, trước năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại dịch vụ, du lịch bình quân hằng năm là 18,12%. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ của địa phương này chỉ tăng 2,31%. Năm 2021, dịch Covid-19 càng ảnh hưởng nặng nề hơn, đặc biệt, các tháng 7, 8, 9, các lĩnh vực kinh tế chủ yếu này đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Theo nhận định của các chuyên gia, khi Hà Nội triển khai đồng bộ các dự án di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị; di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành; phát triển đường sắt đô thị tại khu vực nội đô lịch sử, các chuỗi đô thị và các khu đô thị vệ tinh được hình thành cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn chỉnh sẽ dần hút dân số khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng chuyển ra ngoại thành; song song với việc nâng cấp, cải tạo hệ thống chung cư cũ và các công việc chỉnh trang đô thị,... Khi đó, rõ ràng, khu vực 4 quận "lõi" sẽ trở nên "đáng sống" hơn rất nhiều, nhờ vào phân bố dân cư hợp lý và gia tăng các tiện ích phục vụ cuộc sống.

Vượt lên những khó khăn, thách thức, hệ thống chính trị và nhân dân các quận trung tâm của Thủ đô đều nỗ lực triển khai bài bản, hiệu quả "mục tiêu kép", vừa đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Số liệu tại kỳ họp thứ tư HĐND quận Hoàn Kiếm khóa XX cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước của địa phương này khoảng 13.200 tỷ đồng, bằng 125,4% so với cùng kỳ, đạt 147,4% dự toán Thành phố giao; kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi và phát triển tích cực.

Đối với quận Hai Bà Trưng, mặc dù cũng có những chỉ tiêu chưa đạt so với kỳ vọng, song việc khống chế nhanh sự lây lan của dịch Covid-19 cộng với đẩy mạnh tiêm phủ vắc xin cho người dân, đã giúp địa phương này sớm thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện để phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhờ vậy, thu ngân sách tiếp tục đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 35% so với năm 2020, là quận thu ngân sách cao nhất Thành phố. Trong khi đó, quận Đống Đa, với mật độ dân cư cao, cả 4 đợt dịch bệnh bùng phát đều phải chịu những tác động nghiêm trọng, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ, đứt gãy.

Nhưng với tinh thần "chống dịch như chống giặc", quyết tâm hoàn thành "nhiệm vụ kép", địa phương này đã từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo tiền đề để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nổi bật là thu ngân sách đạt trên 11,25 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán Thành phố giao. Còn quận Ba Đình, dù thu ngân sách chỉ khoảng 6 nghìn tỷ nhưng điểm nhấn đáng chú ý là đảm bảo giữ vững ổn định địa bàn trung tâm hành chính – chính trị của Thủ đô và cả nước, không vì dịch bệnh mà để công việc đình trệ.

Đặc biệt trong những năm qua, nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của thành phố Hà Nội, sự nỗ lực, quyết tâm của các quận đã giúp diện mạo đô thị có nhiều đổi mới, ngày càng khang trang, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh hơn. Một loạt các dự án trọng điểm hoàn thành và đưa vào sử dụng, hạ tầng khung giao thông tiếp tục được củng cố, ngày càng hoàn thiện. Đáng chú ý là cầu vượt Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái; đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; lòng đường Liễu Giai - Văn Cao được mở rộng,... Nổi bật nhất là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chính thức đi vào khai thác sau 10 năm khởi công xây dựng, giúp giải quyết bức xúc dân sinh, giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khơi thông "điểm nghẽn" quy hoạch

Sự kiện nổi bật trong năm 2021 là Hà Nội đã hoàn thành và công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, bao phủ diện tích hơn 2.700ha tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, có ký hiệu là: H1-1 (A, B, C), H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2.000. Dự kiến, dân số quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 là 672.000 người.

Các đồ án này đã được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập; Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định tuân thủ trình tự quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; các Nghị định của Chính phủ; Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành cùng các quy định pháp luật có liên quan và nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt. Ngày 22/3/2021 đánh dấu bước tiến lớn trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị tại Hà Nội; đồng thời giúp 4 quận "lõi" khơi thông "điểm nghẽn" quy hoạch, tạo cơ sở để tiếp tục phát triển bền vững.

Nâng cấp đô thị vùng lõi theo hướng văn minh
Sông Hồng, đoạn qua quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Lê Việt

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, quy hoạch 6 phân khu đô thị nội đô đã cơ bản tuân thủ định hướng của quy hoạch chung và các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành. Quy hoạch đã đề cao yếu tố bảo tồn những sắc thái đô thị đặc trưng của Hà Nội. Khu phố cổ; hồ Hoàn Kiếm được lập hai đồ án quy hoạch riêng. Phố cổ thực hiện chức năng chủ yếu là thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư; khu vực hồ Hoàn Kiếm là trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng.

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, quy hoạch 6 phân khu đô thị nội đô đã cơ bản tuân thủ định hướng của quy hoạch chung và các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành. Quy hoạch đã đề cao yếu tố bảo tồn những sắc thái đô thị đặc trưng của Hà Nội. Khu phố cổ; hồ Hoàn Kiếm được lập hai đồ án quy hoạch riêng. Phố cổ thực hiện chức năng chủ yếu là thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư; khu vực hồ Hoàn Kiếm là trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Thành phố cũng đưa ra quy định về số tầng tối đa, chiều cao tối đa cho các tòa nhà tại khu vực này.

Thành phố cũng đưa ra quy định về số tầng tối đa, chiều cao tối đa cho các tòa nhà tại khu vực này. Khu phố cũ, gồm một phần của quận Hoàn Kiếm, và một phần của các quận Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng cũng được nhấn mạnh yếu tố văn hóa, bên cạnh thực hiện các chức năng thương mại, tài chính, và các công năng công cộng khác. Ngoài những khu vực kể trên, các khu vực còn lại của nội đô lịch sử được xác định là khu vực hạn chế phát triển xây dựng nhà cao tầng.

Bên cạnh việc xác định rõ chức năng từng phân khu, điểm mới của quy hoạch nội đô lịch sử là dành không gian phát triển các tiện ích công cộng như đặt mục tiêu đất công cộng đô thị, hỗn hợp là đạt 4,39 m2/người; đất cây xanh, mặt nước, thể dục thể thao đô thị khoảng 247,14 ha (đạt 3,82 m2/người), đất giao thông đô thị khoảng 471,22 ha (đạt chỉ tiêu 7,28m2/người)… chưa tính đất cây xanh của các đơn vị (khoảng 34,61 ha, đạt chỉ tiêu 0,53 m2/người, gồm công viên, vườn hoa, sân chơi, không gian hoạt động thể thao, giải trí ngoài trời... trong đơn vị ở). Ðất dành cho trường tiểu học, trung học cơ sở, mầm non là khoảng 78,81 ha, đạt chỉ tiêu 1,22m2/người…

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bày tỏ: "Sau gần 10 năm chờ đợi, mong mỏi, tập trung trí lực, chúng ta đã triển khai một khu vực quy hoạch có chức năng, vị thế vô cùng quan trọng trong nội đô lịch sử". Theo ông Tuấn, việc lập, thẩm định và phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng, giúp UBND Thành phố kiểm soát phát triển và quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời là cơ sở pháp lý quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng Thủ đô. Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đi vào cuộc sống sẽ giúp Hà Nội giải quyết được những thách thức lớn đang phải đối mặt như giãn dân nội đô; cơ sở hạ tầng chưa phát triển kịp để đáp ứng tốc độ đô thị hóa; ách tắc giao thông…

Từ việc giải tỏa "điểm nghẽn" trong công tác quy hoạch, vào tháng 12/2021, thành phố Hà Nội đã ban hành "Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ", điều này kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển lớn để nâng cấp diện mạo, cảnh quan và phát triển kinh tế của 4 quận trung tâm. Bởi hầu hết các chung cư cũ đều nằm ở bốn địa phương này, lớn nhất, phải kể đến các khu: Giảng Võ, Thành Công (quận Ba Ðình), Kim Liên, Trung Tự, Bạch Mai (quận Ðống Ða)… và hàng chục nhóm nhà chung cư cũ, tòa nhà đơn lập nằm rải rác mà phần lớn đã xuống cấp nghiêm trọng, cần cải tạo khẩn cấp. Với đề án mới được ban hành này thì "bài toán cải tạo chung cư cũ" sau 20 năm năm loay hoay do khó khăn về pháp lý, sự hài hòa lợi ích các bên, quy định hạn chế chiều cao… sẽ có định hướng để thực hiện.

Theo nhận định của các chuyên gia, khi Hà Nội triển khai đồng bộ các dự án di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị; di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành; phát triển đường sắt đô thị tại khu vực nội đô lịch sử, các chuỗi đô thị và các khu đô thị vệ tinh được hình thành cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn chỉnh sẽ dần hút dân số khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng chuyển ra ngoại thành; song song với việc nâng cấp, cải tạo hệ thống chung cư cũ và các công việc chỉnh trang đô thị,... Khi đó, rõ ràng, khu vực 4 quận "lõi" sẽ trở nên "đáng sống" hơn rất nhiều, nhờ vào phân bố dân cư hợp lý và gia tăng các tiện ích phục vụ cuộc sống.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này