Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng

15:42 | 18/01/2022
(LĐTĐ) Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới trên nền tảng công nghệ số đã xuất hiện. Nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng được tốt hơn, ngày 18/1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Giá trị kinh tế từ quất bonsai nghệ thuật Không để hàng giả lộng hành dịp cuối năm! Khách hàng bất ngờ và vui mừng trúng giải đặc biệt 1 lượng vàng từ Chương trình “Uống sữa Ông Thọ, trúng vàng”

Theo đó, Dự thảo sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung lớn của Luật hiện hành như: hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung; hợp đồng bán hàng đa cấp; nghĩa vụ của đơn vị có giao dịch bán hàng từ xa (sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán hàng trên mạng…); quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng. Dự kiến văn bản sẽ tác động đến các tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực này.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI, cho biết, bảo vệ người tiêu dùng là nhu cầu quan trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong hơn 10 năm thực thi (2011-2022), bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng
Người dân mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Lê Thắm)

Dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số...

Chính vì vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn… nên việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra.

“Một đạo luật tốt là trong quá trình xây dựng được thảo luận công khai, rộng rãi, Ban soạn thảo nghe ý kiến nhiều chiều… sẽ góp phần kéo đạo luật gần thực tế” - ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó cục Trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, cho biết, sau hơn 10 năm thực thi Luật, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã có báo cáo tổng kết thực hiện Luật, trên cơ sở đó đã có báo cáo trình Quốc hội về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với 6 chính sách lớn… Bộ Công thương được Chính phủ giao chịu trách nhiệm chính trong lần sửa đổi này.

“Hiện nay chúng ta có hơn 90 triệu người tiêu dùng , với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ góp phần trực tiếp gắn kết với doanh nghiệp. Do đó, hội thảo sẽ lắng nghe các ý kiến trên cơ sở bảo vệ người tiêu dùng một cách tốt nhất” - ông Trịnh Anh Tuấn chia sẻ...

Được biết, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 7 chương, 80 điều. So với luật cũ đã sửa đổi 38 điều, thêm mới 29 điều. Dự thảo luật mới đã có những thay đổi toàn diện trong đó, bổ sung một chương riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù với các tổ chức cá nhân kinh doanh.

Đ.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này