Dấu ấn đậm nét từ công tác phối hợp

19:04 | 14/01/2022
(LĐTĐ) Chiều 14/1, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2025. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, vì lợi ích đoàn viên và người lao động Tuyên dương học sinh đạt giải trong kỳ thi quốc tế năm học 2021-2022 Ngành Giáo dục Hà Nội một năm nhìn lại: Chủ động thích ứng để hoàn thành nhiệm vụ

Dự Hội nghị, về phía Công đoàn Giáo dục Việt Nam có: Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp. Về phía thành phố Hà Nội có: Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường; Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương.

Dấu ấn đậm nét từ công tác phối hợp
Lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2025.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 05/CTPH-LĐLĐ-GDĐT ngày 26/10/2017 giữa LĐLĐ Thành phố với Sở GD&ĐT Hà Nội giai đoạn 2017-2021; Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đã trình bày dự thảo Chương trình phối hợp giữa LĐLĐ Thành phố với Sở GD&ĐT Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, năm 2017, thực hiện Hướng dẫn số 704/HD-TLĐ ngày 12/5/2017 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng Đề án số 01/ĐA-LĐLĐ ngày 9/6/2017 sắp xếp lại Công đoàn Giáo dục cấp huyện. Đây là sự thay đổi rất lớn đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam, cũng như tổ chức Công đoàn Thủ đô, nhất là đối với hoạt động Công đoàn của các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở.

Dấu ấn đậm nét từ công tác phối hợp
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại Hội nghị.

Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố cùng Ban lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã thảo luận, đi đến thống nhất ký kết Chương trình phối hợp công tác số 05 phối hợp chỉ đạo trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của ngành GD&ĐT Thủ đô.

Định kỳ hàng năm, Ban Giám đốc Sở GD&ĐT cùng Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm thực hiện chương trình phối hợp và đề ra nhiệm vụ cụ thể trong năm học tiếp theo. Đồng thời Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã ban hành Quy chế phối hợp giữa Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã; chỉ đạo các LĐLĐ cùng với Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp. Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác phối hợp giữa tổ chức Công đoàn với ngành GD&ĐT Thủ đô ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.

Với sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ của hai cơ quan, nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua trở thành hoạt động thường xuyên có tác động lan tỏa rộng rãi trong môi trường giáo dục, tiêu biểu như: Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Nói không với tiêu cực trong giáo dục và bệnh thành tích trong giáo dục”; “Xây dựng nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”; “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh khó khăn”; “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Hoạt động Công đoàn trong các trường học ngày càng quan tâm, chú trọng công tác chăm lo cho đoàn viên, cán bộ, nhà giáo, người lao động...

Dấu ấn đậm nét từ công tác phối hợp
Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp và Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Chính Hữu trao Bằng khen của LĐLĐ Thành phố cho 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2021

Đặc biệt trong 2 năm học gần đây, khi dịch Covid-19 bùng phát, với những khó khăn chưa từng có tiền lệ, ngành GD&ĐT Thủ đô đã triển khai dạy - học trực tuyến cho tất cả các cấp học với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, hoạt động Công đoàn đã linh hoạt, thích ứng với điều kiện thực tiễn. Đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động đồng lòng thực hiện tốt chủ trương của ngành GD&ĐT, hoàn thành sứ mệnh “trồng người” trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

“Những thành tích trên đã tạo được niềm tin với đoàn viên Công đoàn, đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, tạo động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, của Ngành; đồng thời đóng góp tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; cũng như sớm cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”...” - Chủ tịch LĐLĐ Thành phố khẳng định.

Dấu ấn đậm nét từ công tác phối hợp
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường và Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao Bằng khen của LĐLĐ Thành phố cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2021.

Phát huy kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2017-2021, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố cùng Ban lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã thảo luận, thống nhất ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2025.

Nhân dịp này, đã có 10 tập thể và 5 cá nhân được nhận Bằng khen của LĐLĐ thành phố Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa LĐLĐ Thành phố và Sở GD&ĐT Hà Nội giai đoạn 2017-2021.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, giai đoạn 2022-2025, cùng với nhiều thuận lợi, thời cơ sẽ có những khó khăn, thách thức. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa Công đoàn và chính quyền càng phải chặt chẽ, hiệu quả hơn. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các đơn vị cần đẩy mạnh việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và của ngành GD&ĐT; nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của nhà giáo để có những giải pháp giải quyết từ cơ sở nhằm xây dựng nhà trường thành khối đoàn kết nội bộ, không để phát sinh đơn thư, khiếu kiện.

Cùng đó, các đơn vị làm tốt hơn công tác chăm lo cho nhà giáo, người lao động, đặc biệt là những nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, nhà giáo diện chính sách; phối hợp tổ chức tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động mang tính ngành nghề; quan tâm, nâng cao năng lực nghề nghiệp, ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo; thường xuyên tổ chức giao ban, sơ kết đánh giá công tác phối hợp…

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này