Đa dạng giải pháp thành lập Công đoàn cơ sở

14:32 | 11/01/2022
(LĐTĐ) Xác định phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là nhiệm vụ sống còn của tổ chức Công đoàn, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.
Nhiều kết quả trong phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở LĐLĐ quận Đống Đa vượt chỉ tiêu công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở Biểu dương các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở năm 2021

Từ thực tiễn vận động, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS tại đơn vị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đông Anh Nguyễn Văn Hoa chia sẻ, ngay từ đầu năm, LĐLĐ huyện đã họp và thống nhất chỉ tiêu cho các đồng chí trong Thường trực và cơ quan LĐLĐ huyện.Cạnh đó, LĐLĐ huyện đã chủ động cùng với Ban Tổ chức Huyện ủy tham mưu với Huyện ủy, Ban chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước huyện Đông Anh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27/02/2012 của Thành ủy Hà Nội trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời kiện toàn phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo; tham mưu với Huyện ủy tổ chức hội nghị làm việc với Bí thư Đảng ủy một số xã có doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã có tổ chức Đảng, nhưng chưa thành lập tổ chức Công đoàn để giao nhiệm vụ.

Đa dạng giải pháp thành lập Công đoàn cơ sở
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường (đứng giữa) biểu dương các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác PTĐV, thành lập CĐCS năm 2021. Ảnh: Mai Quý

Ngoài ra, LĐLĐ huyện Đông Anh đã ban hành công văn gửi Đảng ủy các xã, thị trấn trên địa bàn huyện về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn; phối hợp với lãnh đạo các xã, thị trấn tổ chức hội nghị gặp gỡ Giám đốc các doanh nghiệp và đại diện người lao động của doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tuyên truyền vận động phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn. Tại hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ huyện đã trực tiếp thăm hỏi, động viên và tuyên truyền về chủ trương, đường lối, mục đích, ý nghĩa của việc thành lập tổ chức Công đoàn và quyền lợi của đoàn viên, người lao động khi tham gia tổ chức Công đoàn; trực tiếp giải thích những băn khoăn, vướng mắc của người lao động và người sử dụng lao động.

Chủ tịch LĐLĐ quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, LĐLĐ quận đã triển khai nhiều giải pháp để vận động, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS như: Triển khai tài liệu tuyên truyền thành lập tổ chức Công đoàn tới các đơn vị doanh nghiệp có đông lao động trên địa bàn; rà soát lên danh sách các đơn vị chưa thành lập tổ chức Công đoàn nhưng nghiêm túc trong việc đóng kinh phí Công đoàn để phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường có doanh nghiệp cùng tham gia vận động doanh nghiệp; đề nghị Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp tuyên truyền vận động thành lập tổ chức Công đoàn; phối hợp với Đảng ủy khối doanh nghiệp quận rà soát các Chi bộ chưa có tổ chức Công đoàn để vận động thành lập.

Theo báo cáo tổng kết công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh của LĐLĐ thành phố Hà Nội, năm 2021, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tuyên truyền vận động thành lập 494 CĐCS, đạt 117,3% kế hoạch và phát triển 37.868 đoàn viên, đạt 129,8% kế hoạch. Việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về thành lập CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước cũng đạt kết quả rất tích cực. Cụ thể, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập 459 CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, vượt chỉ tiêu 52,8%; kết nạp 35.180 đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, vượt chỉ tiêu 75,9%. Năm 2021, trong hệ thống Công đoàn Thủ đô có 29/45 đơn vị hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thành lập CĐCS; có 39/45 đơn vị hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển đoàn viên.

Tại Phúc Thọ, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Chủ tịch LĐLĐ huyện chia sẻ, LĐLĐ huyện đã thường xuyên phối hợp với Đảng ủy, chính quyền các xã, thị trấn có doanh nghiệp đóng trên địa bàn và cơ quan Thuế, Bảo hiểm xã hội của huyện để rà soát, nắm bắt dư địa phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Từ đó, kiên trì tuyên truyền, vận động, phân tích những lợi ích của người lao động, doanh nghiệp khi tham gia tổ chức Công đoàn và thành lập CĐCS tại đơn vị. Đồng thời, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gia nhập, thành lập tổ chức Công đoàn tại đơn vị.

LĐLĐ huyện cũng đẩy mạnh công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nhất là tại các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn có đóng kinh phí Công đoàn; chỉ đạo CĐCS chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho đoàn viên, người lao động, kịp thời kiến nghị, đề xuất, bảo vệ có hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Qua đó, người lao động thấy được vai trò của tổ chức Công đoàn và tự nguyện xin gia nhập tổ chức.

Bên cạnh sự chủ động, tích cực của các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, thời gian qua, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Cụ thể, năm 2021, LĐLĐ Thành phố đã xác định 10 nhiệm vụ trọng điểm của tổ chức Công đoàn Thủ đô, trong đó có 8/10 nội dung liên quan đến công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh; giao chỉ tiêu cụ thể cho các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, đề án, mô hình thí điểm hỗ trợ công tác phát triển đoàn viên đi đôi với xây dựng CĐCS vững mạnh, như: Đề án thí điểm “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”; Đề án thí điểm “Đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch CĐCS ngoài khu vực Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2022”; Đề án thí điểm “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt CĐCS”; Đề án thí điểm “Đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch CĐCS ngoài khu vực Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2022”.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, các cấp Công đoàn Thủ đô đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp và người sử dụng lao động để triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, như: Thành lập trên 11.500 “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp; chi từ nguồn kinh phí Công đoàn và vận động nguồn xã hội hóa để chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, thăm hỏi lực lượng tuyến đầu chống dịch, ủng hộ “Quỹ vắc xin”… với số tiền trên 200 tỷ đồng… Có thể khẳng định, với việc triển khai có hiệu quả các đề án, mô hình thí điểm và các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch đã góp phần thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa tham gia phòng, chống dịch bệnh, vừa tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh./.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này