Thay đổi thói quen để đón lễ, Tết an toàn

19:57 | 28/12/2021
(LĐTĐ) Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch trong môi trường thích ứng, sống chung an toàn với Covid-19, bên cạnh các giải pháp từ phía chính quyền và cơ quan chức năng thì mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch, nhất là khi các dịp lễ, Tết đang đến gần.
Đoàn viên, người lao động huyện Đông Anh đón Tết an toàn, vui tươi Đón Tết Nguyên đán 2021: Vui xuân trong ý thức cộng đồng Chủ tịch Tổng Liên đoàn kêu gọi đoàn viên, người lao động hạn chế đi lại, đảm bảo đón Tết an toàn

Không lơ là trong phòng, chống dịch

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng nhanh. Theo thông báo mới nhất của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, hiện nay Thủ đô có 8 quận và 67 xã, phường ở cấp độ 3 (màu cam), nguy cơ cao dịch Covid-19.

Trước tình trạng số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội gia tăng, nhiều phường, quận như: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm… đã dừng bán hàng tại chỗ, chỉ bán hàng ăn uống mang về; đồng thời dừng nhiều hoạt động không thiết yếu như văn hóa, thể thao, giải trí ở khu vực cấp độ 3. Đội ngũ y tế cũng đang nỗ lực hết mình, làm việc bất kể ngày đêm nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, hỗ trợ, chăm sóc kịp thời những người mắc Covid-19.

Thay đổi thói quen để đón lễ, Tết an toàn
Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng nhanh, người dân không nên lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, ngày 28/12, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 1.920 ca bệnh Covid-19, trong đó, có 449 ca cộng đồng. Số ca mắc Covid-19 liên tục dẫn đầu cả nước trong gần 1 tuần trở lại đây cho thấy tình hình dịch tại Hà Nội đang vô cùng phức tạp, khó lường, đặc biệt hiện nay trên thế giới đã xuất hiện thêm biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn chủng Delta.

Trong ngày 28/12, Bộ Y tế cũng đã thông tin về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bệnh nhân là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam, hạ cánh tại sân bay Nội Bài và được cách ly, quản lý kịp thời ngay sau khi nhập cảnh. Đây là trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã xác định, biến chủng Omicron là biến thể đáng lo ngại vì một số báo cáo ở Nam Phi cho thấy tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể mới này. Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục thu thập dữ liệu về khả năng lây truyền, sự đáp ứng của vắc xin và tình trạng bệnh nếu nhiễm Omicron.

Mặc dù dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên, thời gian gần đây đã có tình trạng người dân lơ là, có tâm lý chủ quan trong việc phòng, chống dịch Covid-19 như không đeo khẩu trang nơi công cộng, không thực hiện giãn cách… Tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện “5K” trong tổ chức lễ, đám, ăn uống ở hàng, quán... diễn ra nhiều nơi.

Chủ động thay đổi thói quen

Một số chuyên gia cho rằng, khi thay đổi chiến lược từ “zero Covid” sang sống chung an toàn với Covid-19 thì việc tăng số ca bệnh là điều dễ hiểu. Nhiều trường hợp nhiễm virut không có triệu chứng, vì thế trong tiếp xúc hằng ngày rất khó để biết được liệu người đối diện hay bản thân mình có mang mầm bệnh hay không. Nhất là khi các dịp lễ, Tết đang đến gần với các hoạt động giao lưu, tập trung đông người.

Mặc dù chúng ta đạt tỉ lệ tiêm chủng khá cao, nhưng sự lo lắng về nguy cơ dịch bệnh vào các dịp Tết dương lịch, Tết âm lịch là hoàn toàn có cơ sở. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang gặp phải sự kiện “siêu lây nhiễm” do biến chủng mới Omicron xuất phát từ các hoạt động tập trung đông người.

Thay đổi thói quen để đón lễ, Tết an toàn
Việc quét mã QR tại các địa điểm góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.

Có thể thấy, sau 2 năm đối phó dịch bệnh, thói quen lễ, Tết đã và đang dần thay đổi để “thích ứng an toàn”. Covid-19 buộc từng cá nhân, tập thể phải nhìn lại mình và có hành xử thích nghi với điều kiện bình thường mới. Trong đó, tự thay đổi, điều chỉnh thói quen, tác phong sinh hoạt, làm việc để thích ứng, “sống chung” với Covid-19 đang được mỗi gia đình và toàn xã hội hướng đến.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, vào dịp cuối năm cũng có nhiều ngày lễ như Tết dương lịch, Tết Âm lịch… Do vậy, nếu mọi người tụ họp đông người để vui chơi, đến các điểm này, điểm khác, gặp nhau tiệc tùng, tiếp xúc không đeo khẩu trang thì rất nguy hiểm. Do vậy, phải tăng cường tuyên truyền, truyền thông cảnh báo nguy cơ cho người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương phải quản lý chặt chẽ các trường hợp đi về địa bàn, phải thông tin tới từng gia đình về dịp Tết không được tụ tập đông người bởi đang có dịch. Không cấm nhưng thuyết phục, khuyến cáo và quán triệt. Ai từ đâu về cũng phải thông báo với chính quyền địa phương, hạn chế đi lại chúc tụng nhà này, nhà kia. Đặc biệt, chính quyền địa phương nên khuyến cáo người dân hạn chế tiếp những người về từ vùng có dịch.

“Còn cơ hội gặp được người thân, gia đình là mừng rồi, nên bó hẹp trong gia đình đó thôi. Đừng để sau một cái Tết lại chạy đôn chạy đáo vì dịch bệnh. Đừng để vài ngày Tết ảnh hưởng đến cả vài tháng, vài năm sau”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Vừa qua, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết âm lịch. Ngày 17/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị yêu cầu dừng tập trung đông người không cần thiết, đặc biệt trong dịp lễ, Tết.

Các chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc Covid-19 hằng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, biến thể Omicron đang lan truyền nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Nguy cơ biến thể mới này xâm nhập vào Việt Nam rất cao.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này