Nông thôn mới nâng cao, nhìn từ huyện Đan Phượng

08:39 | 28/12/2021
(LĐTĐ) Sau khi hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng, Hà Nội, tiếp tục phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới trở thành quận của Thủ đô trong tương lai.
Xu hướng tất yếu của kinh tế nông nghiệp thông minh, hiện đại Nông dân huyện Đan Phượng “thi đua” làm giàu từ nông nghiệp

Tích cực triển khai, thực hiện

Tại thời điểm phê duyệt Đề án phát triển lên quận (tháng 10/2019), huyện Đan Phượng đạt 20/27 tiêu chí. Đến ngày 23/12/2021, huyện đạt thêm 2 tiêu chí (Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp,Tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng), 1 tiêu chí chưa đạt (Cơ sở y tế cấp đô thị; do cách tính mới không tính giường bệnh tại các trạm y tế và trung tâm y tế huyện).

Như vậy đến nay, huyện còn 6 tiêu chí chưa đạt gồm: Cân đối thu - chi ngân sách mới đạt khoảng 23,2% (tiêu chuẩn có dư); Mật độ giao thông đô thị đạt 9,19km/km² (tiêu chuẩn ≥ 10km/km²); Cơ sở y tế cấp đô thị đạt 1,58 giường/1.000 dân (tiêu chuẩn ≥ 2,4 giường/1.000 dân); Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt 4,06% (tiêu chuẩn ≥ 50%); Đất cây xanh công cộng trên địa bàn đạt 2,05m²/người (tiêu chuẩn 6m²/người); Tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị tính trên tổng số trục phố chính: 0 (tiêu chuẩn ≥60%).

Nông thôn mới nâng cao, nhìn từ huyện Đan Phượng
Huyện Đan Phượng đẹp hơn với mô hình con đường có hoa.

Về tình hình thực hiện các tiêu chí của các xã, thị trấn lên phường, huyện đã chỉ đạo xã, thị trấn hoàn thành xây dựng Đề án xây dựng xã thành phường và tích cực triển khai thực hiện; Chỉ đạo xây dựng Chương trình nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Chương trình 04 của Thành ủy. Đến hết năm 2020, 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Dự kiến năm 2021, có 5 xã Đan Phượng, Song Phượng, Tân Hội, Liên Hà, Thọ Xuân đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong đó xã Đan Phượng đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô. Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện lồng ghép các tiêu chí nông thôn mới gắn với tiêu chí đô thị như đường giao thông, trường học, phát triển kinh tế... nhằm đáp ứng tiêu chí xây dựng xã thành phường…

Theo lãnh đạo huyện Đan Phượng, việc triển khai các tiêu chí để trở thành quận của Đan Phượng còn nhiều khó khăn, quy hoạch vùng huyện (phía Tây vành đai 4) chưa được xây dựng; nguồn lực đầu tư cần nhiều, trong khi đó nguồn thu của huyện chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các tiêu chí phát triển thành quận của Đan Phượng là: Quy hoạch vùng huyện phụ thuộc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô nên chưa có hướng dẫn cụ thể; thu ngân sách phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật gặp khó khăn do đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện diện tích nhỏ, các doanh nghiệp trong cụm chủ yếu mang tính chất hộ là chính, do đó nguồn thu từ thuế còn ít...

Cụ thể cho từng tiêu chí

Để phấn đấu hết năm 2025, huyện Đan Phượng đáp ứng tiêu chuẩn thành lập quận theo chỉ đạo của Thành phố, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng: Nhiệm vụ năm 2022 và các năm tiếp theo, huyện tập trung lãnh đạo chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã tập trung phấn đấu xây dựng huyện Đan Phượng thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng huyện thành quận.

Qua đó, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn, hoàn thiện tiêu chí hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, UBND huyện Đan Phượng đề nghị UBND Thành phố 5 nhóm nội dung về: Quy hoạch, cân đối ngân sách, tiêu chí giao thông, tiêu chí tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chí cơ sở y tế cấp đô thị.

Đối với quy hoạch do chờ điều chỉnh chung Quy hoạch Thủ đô, trong khi đó nhu cầu đầu tư các dự án của huyện để đạt tiêu chí lên quận rất nhiều, trên cơ sở này, UBND huyện Đan Phượng cũng đề nghị Thành phố chấp thuận huyện điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới bổ sung các tuyến đường chưa có trong quy hoạch và các công trình như trường học, trạm xử lý nước thải… sau này sẽ cập nhật bổ sung vào quy hoạch vùng huyện.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, UBND huyện đã có Công văn số 1633/UBND-QLĐT ngày 01/10/2020 gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc tổng hợp; để huyện có cơ sở triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 và tổ chức đấu giá tạo nguồn tại các ô đất chức năng đô thị thuộc quy hoạch phân khu đô thị S1 (A6, A7, A3 diện tích khoảng 170 ha) và khu y tế, giáo dục tập trung (diện tích khoảng 255ha); Xem xét bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Phương Đình diện tích 50ha, cụm công nghiệp Hồng Hà diện tích 74 ha, trung tâm Logistic tại xã Đồng Tháp. Về tiêu chí “Cân đối thu chi ngân sách”, huyện Đan Phượng cũng đề xuất Cục Thuế Thành phố chủ trì giao huyện thu thuế đối với 29 doanh nghiệp đang hoạt động và sản xuất kinh doanh thuê đất tại huyện Đan Phượng.

Nhằm đáp ứng tiêu chí lên quận, huyện Đan Phượng đề nghị Thành phố có cơ chế đặc thù hỗ trợ huyện thành quận cùng với xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao để huyện chủ động đầu tư chỉnh trang đường giao thông.

Với tiêu chí giao thông, huyện đề xuất Thành phố ưu tiên bố trí vốn năm 2022, 2023 đối với các dự án dự kiến trong kế hoạch đầu tư công 2021-2025 của Thành phố (như đường Tỉnh lộ 417 (TL83 cũ) đoạn K3+700 đến Km 6+200 huyện Đan Phượng; Cải tạo nâng cấp đường TL 422; Cải tạo, nâng cấp đê Tả Đáy huyện Đan Phượng kết nối đê tả Đáy huyện Hoài Đức, đường Tây Thăng Long đoạn từ vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài...) khi thực hiện xong công tác chuẩn bị đầu tư. Kiến nghị Thành phố bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giao huyện làm chủ đầu tư các dự án giao thông khung chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đối với tiêu chí “Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật”, huyện Đan Phượng kiến nghị Thành phố xem xét, cập nhật Dự án trạm xử lý nước thải Tân Hội theo Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy vào kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp Thành phố hoặc kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Ngoài ra, huyện cũng đề nghị Thành phố chấp thuận cho phép nghiên cứu triển khai 3 trạm xử lý nước thải cục bộ với công suất khoảng 5.000m3/ngày đêm phía tây đường Vành đai 4 để đảm bảo xử lý nước thải theo cụm xã, giảm chi phí xây dựng hệ thống thu gom, phù hợp quy hoạch thoát nước tại địa phương để cập nhật vào quy hoạch vùng huyện.

Để nâng cao tiêu chí về “Cơ sở y tế cấp đô thị”, Đan Phượng lên kế hoạch xây dựng Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện. Ngoài ra, huyện cũng đề xuất Thành phố sớm triển khai đầu tư xây dựng 2 Bệnh viện chuyên khoa gồm Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Hà Nội quy mô 250 giường bệnh và Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Hà Nội quy mô 250 giường theo quy hoạch phát triển hệ thống y tế thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đan Phượng cũng đề nghị Sở Xây dựng có hướng dẫn cách tính các tiêu chí đô thị đối với vùng đất bãi, mặt nước sông Hồng, sông Đáy; giao đất theo địa giới hành chính theo địa bàn xã cho các dự án đô thị khi đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm triển khai…

Nhìn chung, những chỉ tiêu chưa đạt của huyện Đan Phượng cũng là thực trạng tại các huyện khác đang thực hiện đề án lên quận. Từ thực tế địa phương, nếu không có những giải pháp vừa phát huy nội lực vừa phát huy sự hỗ trợ của Thành phố thì không thể giải quyết được các điểm nghẽn, những khó khăn rất lớn này./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này