Tạo dựng môi trường sống và làm việc an toàn cho lao động nữ

22:17 | 18/12/2021
(LĐTĐ) Lao động nữ đang làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội đang ngày càng được quan tâm, chăm lo, đảm bảo các quyền lợi, chế độ phúc lợi cũng như được sinh sống, làm việc trong môi trường an toàn. Nhờ đó, họ yên tâm lao động sản xuất, góp sức vào sự phát triển chung của doanh nghiệp nói riêng, Thủ đô và đất nước nói chung.
Tăng thời gian làm thêm tối đa với lao động thời vụ Đoàn giám sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm việc tại Bộ Tư pháp Khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức cho cán bộ công đoàn chuyên trách

Bài 1: An toàn từ nơi ở đến nơi làm việc

Nhằm đảm bảo cho người lao động, nhất là lao động nữ nhập cư có môi trường sống và làm việc an toàn, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều mô hình tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân và các câu lạc bộ Nhà trọ an toàn, thân thiện. Ngoài ra, tại doanh nghiệp, Công đoàn đã phối hợp hiệu quả với người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người lao động.

Yên tâm khi ở khu nhà trọ có tổ công nhân tự quản

Ghi nhận thực tế cho thấy, không ít lao động đang làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội là lao động nhập cư, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm số đông. Phần lớn thời gian của người lao động đều dành cho lao động sản xuất, tăng ca để có thêm thu nhập. Ngoài thời gian ở nhà xưởng, họ lại trở về với phòng trọ để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và làm bạn với smatphone. Do vậy, người lao động ít được tiếp cận với các vấn đề xã hội, thêm vào đó không ít lao động là những người ngoại tỉnh về Thủ đô sinh sống và làm việc nên việc thích nghi với nhịp sống đô thị còn khó khăn.

Lợi dụng điều đó, các đối tượng xấu đã lựa chọn công nhân là đối tượng để giăng bẫy, lợi dụng, lừa đảo. Có những công nhân do khó khăn về tài chính và không có kiến thức về pháp luật nên dễ dàng sa bẫy “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi để rồi vướng vào cảnh nợ chồng nợ. Hay có những công nhân thiếu hiểu biết kiến thức về tình dục an toàn nên đã dẫn đến tình trạng nạo phá thai, sinh con rồi bỏ rơi…; công nhân nữ trên đường đi làm bị quấy rối tình dục…

Tạo dựng môi trường sống và làm việc an toàn cho lao động nữ
Lao động thuê trọ tại các khu nhà trọ có tổ công nhân tự quản luôn cảm thấy yên tâm vì tình hình an ninh trật tự được đảm bảo (Ảnh chụp thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19).

Thấu hiểu những bất an của người lao động và với mục đích mang tới một môi trường sống an toàn, đảm bảo an ninh trật tự, giúp công nhân lao động ngoại tỉnh an tâm sinh sống, làm việc, từ năm 2012, Liên đoàn Lao động và Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân trên địa bàn thành phố.

Tính đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 92 tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân với hơn 20.000 công nhân tham gia. 100% các Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân đã xây dựng được “Quy ước tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, đồng thời phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở, góp phần làm tốt công tác phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật…

Ông Nguyễn Văn Thiệu - Chủ tịch Công đoàn cơ quan xã Hải Bối (Đông Anh), cho biết, là một trong những địa phương có đông công nhân thuê trọ, từ khi thành lập tổ công nhân tự quản, hoạt động của công nhân lao động tạm trú tại các nhà trọ trên địa bàn xã đã đi vào nề nếp và có tổ chức, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo. Qua các buổi sinh hoạt chung, tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong công nhân lao động đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn.

Để có được kết quả đó, Công đoàn đã thường xuyên phối hợp cùng với các thôn, khu dân cư để chỉ đạo và duy trì các hoạt động của tổ công nhân tự quản theo quy chế; phối hợp với các ngành chức năng tích cực, chủ động tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp, tuyên truyền công tác phòng cháy chữa cháy, xây dựng văn hóa giao thông; xây dựng các ki ốt thông tin, tủ sách pháp luật; tổ chức biểu diễn văn nghệ, tổ chức đêm văn nghệ hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát, đưa hoạt động văn hóa văn nghệ, chiếu phim miễn phí phục vụ công nhân…

Chị Trần Thị Thúy, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long, chia sẻ: “Hiện tôi đang thuê trọ ổn định tại một khu nhà trọ trên địa bàn xã Hải Bối, ở đây có tổ công nhân tự quản nên cảm giác rất an toàn, những người thuê trọ luôn hòa đồng, thân thiết, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau. Công nhân thuê trọ chúng tôi thường xuyên được tuyên truyền, tư vấn pháp luật với những nội dung như pháp luật Lao động, các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến công nhân lao động… và được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao để cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần. Tôi cảm thấy thực sự may mắn khi được ở trong một khu trọ có tổ công nhân tự quản”.

Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn

Nhằm trang bị những kiến thức thiết thực giúp công nhân hòa nhập với nhịp sống đô thị, đặc biệt là hòa nhập với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương nơi công nhân sinh sống và làm việc, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật miễn phí cho công nhân lao động.

giao luu truc tuyen nang cao kien thuc ve suc khoe gioi tinh va hon nhan
Người lao động đăt câu hỏi tại một buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật do Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức (Ảnh chụp thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19)

Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, cho biết, xác định công tác tuyên truyền trong công nhân lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền cho cán bộ Công đoàn và công nhân lao động dưới nhiều hình thức như tuyên truyền tập trung tại trường; tại các khu công nghiệp và tại các công ty nằm trong các khu công nghiệp và chế xuất.

Bên cạnh đó, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thường xuyên phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức các hoạt động, chương trình để tuyên truyền cho công nhân lao động những kiến thức pháp luật mới và hữu ích giúp họ hiểu biết hơn về những quy định của pháp luật, nhận biết rõ bản chất của những loại tội phạm để tránh xa các tệ nạn, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Tại các đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn đã thường xuyên đi sâu, đi sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để kịp thời có những đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, nhất là lao động nữ, không để xảy ra tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH NCI Việt Nam Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết: “Xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn là kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để đảm bảo quyền lợi cho họ và góp phần ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp, hàng tháng, các tổ Công đoàn trong công ty đều tiến hành họp tại tổ để ghi nhận ý kiến của người lao động về mọi vấn đề như môi trường làm việc, chất lượng bữa ăn ca, chế độ lương, thưởng, môi trường làm việc… Sau đó, Ban chấp hành Công đoàn công ty sẽ họp, tổng hợp ý kiến của người lao động và đề xuất với lãnh đạo công ty để kịp thời giải quyết cho người lao động”.

Bên cạnh việc phát huy vai trò của cán bộ Công đoàn, tại nhiều doanh nghiệp cũng đã xây dựng hòm thư góp ý để người lao động có thể lựa chọn nhiều hình thức để đề đạt tâm tư, nguyện vọng của bản thân. Ông Lê Đức Thuận, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toho Việt Nam chia sẻ: “Tại công ty, người lao động có thể trực tiếp gửi ý kiến của mình về những vấn đề liên quan đến công việc, quyền lợi thông qua các trưởng bộ phận, cán bộ Công đoàn hoặc viết thư gửi vào hòm thư góp ý của công ty.

Thông qua những hình thức này, Ban chấp hành Công đoàn công ty sẽ kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp của người lao động. Đồng thời, kịp thời giải đáp cho người lao động hoặc đề xuất với người sử dụng lao động giải quyết cho người lao động trên tinh thần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nhờ đó, người lao động ngày càng tin tưởng vào tổ chức Công đoàn, mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp cũng luôn hài hòa, ổn định”.

Mai Quý

(Bài 2: “Đặc quyền” của lao động nữ tại doanh nghiệp)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này