Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan: Tiếp tục hợp tác nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn Việt Nam

18:39 | 14/12/2021
(LĐTĐ) Chiều 14/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm cấp cao chia sẻ kinh nghiệm chăm lo, bảo vệ đoàn viên và tổ chức hoạt động công đoàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 giữa Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan (CNV) và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đoàn viên, người lao động Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn để thích ứng với “sân chơi” mới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hội đàm với Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào

Các ông: Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Piet Fortuin - Chủ tịch CNV, đồng thời là Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp, Gỗ, Xây dựng, Giao thông và Dịch vụ Hà Lan chủ trì tọa đàm.

Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan: Tiếp tục hợp tác nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn Việt Nam
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì Tọa đàm cấp cao tại điểm cầu Hà Nội.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và hơn 10,5 triệu đoàn viên Công đoàn Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh tọa đàm diễn ra vào thời điểm quan trọng với chủ đề hết sức có ý nghĩa đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn hiện nay, khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng, có tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó người lao động là một trong các nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chủ động, sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ

Chia sẻ tại tọa đàm, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng công nhân lao động trên phạm vi rộng từ đầu năm 2020 đến nay, Tổng Liên đoàn đã chủ động, sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt các hoạt động nhằm thích ứng với bối cảnh dịch bệnh.

Theo đó, các cấp Công đoàn đã cắt giảm tối đa những hoạt động chưa thật cấp thiết, tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch, tích cực đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ).

Ở cấp Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tích cực đối thoại với người sử dụng lao động, đồng thời kiến nghị, đề xuất với Chính phủ một số chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Với tinh thần trách nhiệm cao với đoàn viên, NLĐ, Tổng Liên đoàn đã chủ động, kịp thời ban hành các chính sách, các gói hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với hơn 3 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng với tổng số tiền khoảng 6.000 tỷ đồng (khoảng 230 triệu Euro); ban hành chính sách lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp, chính sách miễn đóng đoàn phí cho đoàn viên có thu nhập thấp.

Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan: Tiếp tục hợp tác nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn Việt Nam
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang chia sẻ kinh nghiệm của Công đoàn Việt Nam chăm lo, bảo vệ đoàn viên và tổ chức hoạt động công đoàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn Việt Nam đã chủ động tổ chức các hình thức hoạt động chăm lo NLĐ thiết thực, hiệu quả với các mô hình, cách làm sáng tạo như: Siêu thị 0 đồng, xe buýt 0 đồng, ATM gạo, Túi an sinh công đoàn… và vận động các chủ nhà trọ, các doanh nghiệp trên địa bàn miễn, giảm giá thuê nhà, giảm giá các mặt hàng thiết yếu để kịp thời hỗ trợ công nhân lao động.

Tổng Liên đoàn cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ cốt lõi như phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại những nơi ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trả lời câu hỏi của ông Piet Fortuin - Chủ tịch Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan về những biện pháp hỗ trợ NLĐ khó khăn hồi hương trong đại dịch sẵn sàng trở lại làm việc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: “Tới nay, tại các khu công nghiệp ở các địa phương, trên 90% NLĐ đã quay trở lại làm việc. Để làm được điều này, chúng tôi phối hợp với nhiều cơ quan, chính quyền địa phương, người sử dụng lao động tổ chức đón công nhân trở lại làm việc. Đồng thời, hỗ trợ NLĐ trong việc thuê nhà, rồi thỏa thuận với người sử dụng lao động ứng trước tiền lương nhằm đảm bảo cuộc sống”.

Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn, mở rộng ký kết TƯLĐTT

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trong quá trình thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, Tổng Liên đoàn luôn nhận được sự ủng hộ, tình cảm hợp tác hữu nghị, đoàn kết của các bạn bè quốc tế, trong đó có Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan thông qua dự án “Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành Dệt - May” giai đoạn 2018 - 2020.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần nâng cao năng lực thương lượng tập thể, đối thoại xã hội không chỉ của cán bộ công đoàn mà còn cả người sử dụng lao động ở Việt Nam.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ hy vọng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai tổ chức sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. Trong đó trọng tâm hợp tác sẽ tập trung vào một số lĩnh vực mà Công đoàn Việt Nam đang quan tâm và cần thúc đẩy, đặc biệt là kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, thương lượng cấp ngành; xây dựng và tham gia xây dựng tiền lương, thương lượng tập thể về tiền lương tại doanh nghiệp…

Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan: Tiếp tục hợp tác nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn Việt Nam
Các đại biểu của Tổng LĐLĐ Việt Nam và CNV tham dự Tọa đàm cấp cao.

Trao đổi về vấn đề này, ông Piet Fortuin - Chủ tịch Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan chia sẻ: “Khi chúng tôi đàm phán, thương lượng các Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), các bản thỏa ước sẽ có giá trị ràng buộc, được công nhận bởi Chính phủ, các doanh nghiệp phải tuân theo thỏa ước này”.

Ông Piet Fortuin nói thêm, Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan sẽ theo dõi việc thực hiện các thoả ước với các đoàn viên, người đại diện công đoàn cơ sở để tìm hiểu thoả ước có được thực hiện, tuân thủ tại từng doanh nghiệp hay không.

“Chúng tôi cũng trao đổi, tuyên truyền cho NLĐ để họ nắm rõ nội dung thỏa ước. Thông thường các TƯLĐTT của chúng tôi có giá trị 2-3 năm; sau đó chúng tôi có thể ra hạn hoặc bổ sung nội dung mới”, Chủ tịch Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan cho biết.

Tại tọa đàm, hai bên cũng đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về thiết lập, vận hành hệ thống tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý của tổ chức Công đoàn; các dịch vụ hỗ trợ đoàn viên của tổ chức Công đoàn; tổ chức hoạt động công đoàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19...

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng: “Những thông tin, kinh nghiệm được chia sẻ tại tọa đàm hết sức thú vị, có giá trị và ý nghĩa thực tiễn đối với hoạt động công đoàn của hai tổ chức”.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ hy vọng mối quan hệ hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan tiếp tục được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới, từ đó góp phần nâng cao năng lực đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ của tổ chức Công đoàn hai nước.

Với đề xuất này, lãnh đạo CNV cho biết: CNV sẽ tiếp tục hỗ trợ Tổng LĐLĐ Việt Nam nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn; hỗ trợ đào tạo giảng viên nguồn của tổ chức Công đoàn; hỗ trợ xây dựng và cải thiện tài liệu đào tạo về đối thoại xã hội và thương lượng tập thể. CNV cũng sẽ tiếp tục hỗ trợTổng LĐLĐ Việt Nam ký kết TƯLĐTT tại các doanh nghiệp trong năm 2023; mở rộng ký kết TƯLĐTT tại các doanh nghiệp trong các ngành mới...

Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan (CNV) ra đời năm 1909, hiện có khoảng 355.000 đoàn viên. Các dịch vụ của CNV là đối thoại, thương lượng tập thể, cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý (khởi kiện ra tòa án), hỗ trợ hướng nghiệp…

Tổng LĐLĐ Việt Nam và CNV đã hợp tác thông qua triển khai Dự án “Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành Dệt May” giai đoạn 2018-2020 do CNV Internationaal Hà Lan (là cơ quan hợp tác quốc tế của CNV) trực tiếp điều phối, quản lý.

Mục đích của dự án là góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, giảm tranh chấp lao động, thông qua việc thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể ở Việt Nam, mà trước hết là thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả ở ngành Dệt May.

Dự án được thực hiện tại tỉnh Hưng Yên (thí điểm thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp ngành may trên địa bàn huyện Văn Lâm) từ năm 2018-2019. Từ năm 2019-2020, các bên tiếp tục phối hợp mở rộng Dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai với việc hỗ trợ thương lượng, ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp ngành May.

Bên cạnh việc phối hợp triển khai dự án, Tổng Liên đoàn và CNV Internationaal còn hợp tác trong việc chia sẻ kinh nghiệm, mô hình đối thoại, thương lượng tập thể hiệu quả của Hà Lan; hỗ trợ đào tạo chuyên gia, giảng viên TƯLĐTT.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này