Tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

21:15 | 10/12/2021
(LĐTĐ) Ngày 10/12/1948, tại Paris (Pháp), Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức thông qua Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (Tuyên ngôn nhân quyền). Từ đó, ngày 10/12 được LHQ lựa chọn là Ngày Nhân quyền thế giới. Năm nay, chủ đề của Ngày Nhân quyền thế giới được LHQ chọn là “Bình đẳng - giảm bất bình đẳng, thúc đẩy nhân quyền”.
Ngày Nhân quyền Thế giới 2021: Bình đẳng để thúc đẩy nhân quyền, chiến thắng đại dịch Sự bình an của cộng đồng là thước đo nhân quyền Việt Nam luôn bảo vệ, thúc đẩy quyền con người thông qua đối thoại và hợp tác

Là một trong những quốc gia suốt chiều dài lịch sử trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước và giải phóng dân tộc, nên Việt Nam luôn đặc biệt thấu hiểu hai tiếng “nhân quyền” và luôn luôn quan tâm đến vấn đề nhân quyền gắn với công bằng và an sinh xã hội.

Tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”
Hiến pháp nước ta quy định: "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân"

Ngay sau khi giành độc lập, trong bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm vấn đề nhân quyền gắn với công bằng và tiến bộ xã hội bằng những chủ trương, chính sách, nghị quyết và được Nhà nước cụ thể hóa bằng các quy định trong Hiến pháp cũng như các văn bản pháp quy.

Cụ thể, trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước từ trước đến nay, quyền con người và pháp luật về quyền con người là nội dung rất quan trọng, được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế.

Hiến pháp năm 2013 bao gồm 11 chương, 120 điều, trong đó riêng Chương II có 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đồng thời, các nội dung liên quan đến quyền con người không chỉ được quy định trong Chương II mà còn được đưa vào các chương khác của Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người được thụ hưởng, thực hiện và bảo vệ quyền con người của mình.

Hiến pháp năm 2013 quy định bản chất quyền lực của Nhà nước Việt Nam là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân"; Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Điểm đáng chú ý là khi quy định quyền con người, quyền công dân, các điều của Hiến pháp xác định rõ “mọi người có quyền”, “công dân có quyền” để khẳng định tính pháp lý của các quyền được Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ. Và để bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, hệ thống pháp luật về quyền của con người cũng đã được bổ sung, hoàn thiện như việc ban hành Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng…

Tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”
Mọi công dân đủ 18 tuổi đều có quyền, nghĩa vụ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Chính về đề cao vấn đề nhân quyền và quyền con người, mà suốt những thập kỷ qua, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế - xã hội và văn hóa, ký ngày 24/9/1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, ký ngày 18/12/1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, ký ngày 19/3/1982; Công ước về quyền trẻ em, ký ngày 20/2/1990; Công ước về quyền của người khuyết tật, ký ngày 22/10/2007; tham gia trong việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền, ký ngày 23/10/2009, Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC), ngày 7/4/2010...

Nhờ thực thi hiệu quả và luôn chú trọng vấn đề nhân quyền gắn sự công bằng và tiến bộ xã hội mà Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng về mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội. Nhìn lại những gì đang diễn ra, dù vẫn còn phải hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để làm tốt hơn vấn đề nhân quyền, nhưng chúng ta có thể khẳng định Việt Nam là quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng bao trùm mọi vấn đề của nhân quyền..

Đến nay Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của đa số tổ chức lớn trên thế giới. Và nhờ thực thi tốt vấn đề nhân quyền, Việt Nam được tín nhiệm là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2014 - 2016).

Tại khóa họp lần thứ 73, tại trụ sở LHQ vào ngày 7/6/2019, Đại hội đồng LHQ đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần tuyệt đối (192/193 phiếu). Mới đây, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 1 và tháng 4 năm 2021 với nhiều dấu ấn, đóng góp, trong đó có vấn đề bảo đảm quyền con người trước đại dịch Covid-19 được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và thể hiện uy tín, vị thế quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam.

Để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, pháp luật Việt Nam quy định mọi cá nhân đều có quyền tham gia tôn giáo của mình; mọi tổ chức tôn giáo đều có quyền hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đúng với quy định pháp luật. Chính vì thế, ở Việt Nam mọi tôn giáo đều bình đẳng như nhau. Cạnh đó, về quyền công dân, công dân đủ 18 tuổi đều có quyền và nghĩa vụ về chính trị đó là bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Ở góc độ bình đẳng giới, Việt Nam luôn nêu cao vai trò của phụ nữ. Và thực sự trong tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xac hội ở đâu cũng có phụ nữ. Từ cơ quan Đảng, đến cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, chính trị xã hội tỷ lệ bao giờ cũng tương đương tỷ lệ nam. Việt Nam là nước có tỷ lệ lãnh đạo nữ nhiều nhất thế giới. Đồng thời, phụ nữ cũng là lực lượng chính tong vận hành và quản lý doanh nghiệp.

Đặc biệt, đến nay, Việt Nam không chỉ là một trong sáu quốc gia thành viên LHQ đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 mà còn được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của LHQ.

Cụ thể, với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Nhà nước đã đề ra các chủ trương, chính sách để tạo công bằng và thụ hưởng trong xã hội giữa các đối tượng trong xã hội và các vùng miền gắn với công tác an sinh xã hội.

Tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”
Tổ chức Công đoàn Thủ đô ngoài thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi, chính đáng, hợp pháp của người lao động còn góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội.

Trên bình diện y tế, giáo dục và an sinh xã hội, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là quốc gia có độ “phủ” bảo hiểm y tế cao nhất khu vực. Ngoài bảo hiểm đối với người đang đi làm, Nhà nước còn có chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để những người nông dân nông thôn, buôn bán nhỏ về già cũng có trụ cột lương hưu, đi khám, chữa bệnh có bảo hiểm thanh toán 80%, người già thanh toán 100% (trừ các bệnh không có trong danh mục bảo hiểm).

Ngay trong đợt dịch lần này, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách an sinh với số tiền lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, góp phần giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống; sản xuất - kinh doanh. Hệ thống giáo dục từ thôn bản đến vùng hải đảo xa xôi đều có bước phát triển vượt bậc. Từ hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phân bổ đều mọi nơi, giúp các cháu có điều kiện học tập, Nhà nước miễn học phí cho học sinh tiểu học.

Trên góc độ công nghệ và thụ hưởng internet, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về số người sử dụng mạng internet và điện thoại thông minh với những loại hình trên không giạng mạng. Có thể khẳng định, dù một số tổ chức hay “rêu rao” vấn đề nhân quyền, nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia mà người dân có quyền tự do lớn nhất trên không gian mạng. Điều này cho thấy, Việt Nam không có cái gọi là “tự do ngôn luận” như các thế lực thù địch rêu rao.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với phương châm “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, vì mục tiêu: “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” Việt Nam đã, đang và sẽ làm tốt hơn nội hàm “Bình đẳng - giảm bất bình đẳng, thúc đẩy nhân quyền” như chủ đề về nhân quyền mà LHQ đưa ra trong năm nay.

H.Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này