Hà Nội chi 1.865.207 triệu đồng thực hiện giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông

12:27 | 10/12/2021
(LĐTĐ) Sáng 10/12, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Bổ sung 2.625 biên chế tại các phường theo mô hình thí điểm chính quyền đô thị Kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai do chủ đầu tư

Mục tiêu tổng quát của Chương trình này nhằm huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý điều hành giao thông.

Từ đó, xây dựng giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đồng bộ, thông minh, hiện đại, thuận lợi, trật tự, an toàn, chất lượng, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bản Thành phố, nhất là trong khu vực đô thị trung tâm (từ vành đai 4 trở vào); các khu đô thị; các trục đường hướng tâm; các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh; các khu vực đầu mối giao thông (các nhà ga, bến xe).

Chương trình xác định hằng năm xử lý từ 7-10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông. Qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông từ 5%-10%/năm trên cả ba tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương).

Hà Nội chi 1.865.207 triệu đồng thực hiện Chương trình giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện trình bày Tờ trình tại Kỳ họp.

Chương trình xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông.

Xây dựng cơ chế chính sách và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải; thường xuyên rà soát, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản cho phù hợp thực tế, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giao thông vận tải.

Đồng thời, rà soát, xây dựng hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thành phố Hà Nội để bổ sung vào điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động nguồn lực, bổ sung quỹ đất phục vụ giao thông. Trong đó, tập trung thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành theo đúng kế hoạch, lộ trình và ưu tiên bố trí quỹ đất cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng khác; tăng tỷ lệ đất cho giao thông. “Đây là nhiệm vụ và giải pháp cơ bản, bền vững để giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội”, Nghị quyết nêu rõ.

Chương trình cũng xác định nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Hà Nội chi 1.865.207 triệu đồng thực hiện Chương trình giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết.

Trong đó, chỉnh trang đồng bộ 180 tuyến đường trên địa bàn 12 quận sau hạ ngầm sắp xếp đường dây, cáp đi nổi; tiếp tục thực hiện một số dự án nhằm thu hẹp dải phân cách với các tuyến đường đủ điều kiện để mở rộng tối đa mặt đường; xây dựng bản đồ ứng ngập khi trời mưa, thiết lập kênh tiếp nhận thông tin và cung cấp thông tin kịp thời đến người tham gia giao thông…

Giải pháp quan trọng tiếp theo là tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp, đổi giấy phép lái xe, công tác đăng ký, đăng kiểm xe cơ giới, nâng cao chất lượng phương tiện và người lái xe cơ giới, nâng cao chất lượng phương tiện và người lái xe cơ giới. Trong đó, Thành phố xác định sẽ tăng cường thanh, kiểm tra việc đào tạo, sát hạch cấp, đổi giấy phép lái xe, kịp thời xử lý các vi phạm, tiêu cực.

Đẩy mạnh ứng dựng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết có hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải…

Tổng kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là 1.865.207 triệu đồng và được phân bổ theo từng năm từ ngân sách Thành phố. Trong đó, năm 2021: Kinh phí là 335.507 triệu đồng (đã được UBND Thành phố bố trí để thực hiện trong năm 2021). Năm 2022: Kinh phí là 343.300 triệu đồng. Năm 2023: Kinh phí là 401.800 triệu đồng. Năm 2024: Kinh phí là 425.800 triệu đồng. Năm 2025: Kinh phí là 358.800 triệu đồng.

Theo Nghị quyết, Chương trình được thực hiện trong 5 năm, từ năm 2021 đến năm 2025.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này