Nông dân huyện Đan Phượng “thi đua” làm giàu từ nông nghiệp

16:35 | 23/11/2021
(LĐTĐ) Thực hiện chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), thời gian qua, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương với các mô hình nông nghiệp sản xuất sạch, có hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình này bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững.
Tạo nền móng để huyện Đan Phượng phát triển đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp Tập trung phục hồi kinh tế nông nghiệp, thực hiện mục tiêu kép Đan Phượng biểu dương 20 Công nhân giỏi cấp huyện năm 2021

Đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ cao

Nhận thấy rõ ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện chương trình OCOP, Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, như: Đông trùng hạ thảo, cây hoa lan, rau củ các loại...; đồng thời, Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã (HTX), chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm.

Là một trong những người sớm đăng ký chương trình OCOP với sản phẩm rau hữu cơ, chị Đặng Thị Cuối, (Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý, huyện Đan Phượng) chia sẻ: Rau hữu cơ là sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Do có định hướng từ đầu nên đến nay toàn HTX đã có 17 sản phẩm rau hữu cơ được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp Thành phố.

Nông dân huyện Đan Phượng “thi đua” làm giàu từ nông nghiệp
Huyện Đan Phượng tập trung phát triển các sản phẩm nông sản "chủ lực" có thương hiệu.

“Hiện, trung bình mỗi ngày, HTX thu hoạch từ 2 đến 4 tấn rau xanh với giá bán từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg; giá trị thu nhập bình quân của HTX đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm; trung bình thu nhập của mỗi thành viên tham gia HTX đạt từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Hiệu quả kinh tế cao hơn trước rất nhiều”, chị Cuối cho hay.

Cách đó không xa, mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ cao của ông Nguyễn Văn Cốp (xã Thọ An, huyện Đan Phượng) cũng luôn tấp nập lao động ra vào. Ông Nguyễn Văn Cốp cho biết, mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ cao của gia đình có diện tích hơn 1,1ha với 20-30 nhà màng, nhà lưới được lắp đặt hiện đại. Mỗi năm, mô hình sản xuất rau hữu cơ của gia đình cho hiệu quả kinh tế hơn 700 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 20-30 lao động địa phương.

Còn anh Nguyễn Hữu Hợi (chủ vườn nho Hợi Hường, xã Đan Phượng) lại lựa chọn mô hình nho Hạ Đen để phát triển kinh tế gia đình. Theo anh Hợi, trước đây, mảnh đất canh tác của gia đình thường dùng để trồng hoa màu theo kiểu mùa nào thức đó. Thu nhập không cao bởi giá cả lên xuống thất thường.. Nhận thấy nho Hạ Đen là giống cây mới tiềm năng nên anh Hợi cùng một số hộ nông dân huyện Đan Phượng với sự giúp đỡ hỗ trợ kỹ thuật của Hội Nông lâm Bắc Giang và Hội khuyến nông huyện Đan Phượng đã mạnh dạn đầu tư trồng nho, mở ra hướng làm giàu mới cho địa phương.

Nông dân huyện Đan Phượng “thi đua” làm giàu từ nông nghiệp
Vườn nho Hạ Đen mang lại thu nhập ổn định và cao hơn các loại hoa màu khác cho gia đình nông dân Nguyễn Văn Hợi.

“Nho Hạ Đen là giống rễ trần nên có sức sống bền bỉ, với tốc độ phát triển rất nhanh. Nho Hạ Đen khó ra hoa đậu quả một cách tự nhiên mà phải có biện pháp xử lý. Đặc biệt, nếu xác định trồng loại nho này thì phải có hệ thống mái che; hệ thống tưới nhỏ giọt và vườn cũng phải thường xuyên làm cỏ thì cây nho Hạ Đen mới phát triển tốt”, anh Hợi cho hay.

Anh Nguyễn Hữu Hợi đánh giá, so với trồng các loại hoa màu khác, nho Hạ Đen cho thu nhập cao gấp đôi, một lần trồng có thể cho thu hoạch trong vòng 20 năm. Trong đó, một năm nho có đến 2 vụ vào tháng 5 và tháng 10 âm lịch. Chính vụ tháng 5 cho năng suất cao hơn do có thời gian ngủ đông dài vài tháng nên quả to, chùm nho cũng đều hơn.

Theo tính toán của các hộ trồng nho tại Đan Phượng, sản lượng nho những năm sau đều cao hơn năm trước. Với mức giá hiện tại từ 120 nghìn đồng đến 130 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi sào người dân thu 60-65 triệu/sào/vụ. Những hộ gia đình trồng nho Hạ Đen khoảng 1 mẫu, một năm thu về trên 1 tỷ đồng (chưa trừ các chi phí). Bên cạnh đó, để sản phẩm nho Hạ Đen có uy tín, chỗ đứng trên thị trường, huyện Đan Phượng cũng chủ động hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap ngay từ đầu. Hiện, sản phẩm nho Hạ Đen đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Nông dân huyện Đan Phượng “thi đua” làm giàu từ nông nghiệp
Theo anh Nguyễn Hữu Hợi, việc đầu tư 1 lứa nho Hạ Đen sẽ mang lại thu nhập trong vòng 20 năm.

Phát huy vai trò "4 nhà"

Những mô hình hiệu quả trên đều là kết quả tích cực từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân huyện Đan Phượng. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, ngay từ những ngày đầu năm 2021, các cấp Hội đã tổ chức phát động phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Kết quả đăng ký và bình xét Hộ sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương là 33/46 hộ, cấp Thành phố là 287/310 hộ, cấp huyện là 1839/1.919 hộ và cấp cơ sở là 10.512/12.837 hộ

Từ các phong trào thi đua do Hội Nông dân huyện phát động đã khích lệ mỗi người nông dân có ý thức và quyết tâm tự vươn lên làm giàu, đổi mới nếp nghĩ, cách làm. Theo đó, trong 10 tháng năm 2021, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng dự án và giải ngân được 25 dự án với số tiền 8,650 triệu đồng cho 400 hộ hội viên vay phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và ngành nghề mới; tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội qua 79 tổ tiết kiệm và vay vốn cho 2.787 hộ vay với số tiền trên 111.593 triệu đồng.

Hội Nông dân huyện cũng giải ngân tín chấp vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua 43 tổ liên kết cho 486 hộ vay với số tiền trên 42.983 triệu đồng (tăng 446 triệu đồng với tháng 12/2020). Thông qua các nguồn vốn đó đã giúp hàng ngàn hộ có việc làm, nâng cao thu nhập, hàng trăm hộ thoát nghèo, góp phần đảm bảo thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện trên 65 triệu đồng/người/năm.

Nông dân huyện Đan Phượng “thi đua” làm giàu từ nông nghiệp
Các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Đan Phượng "bước đầu" đã có sự liên kết “4 nhà” gồm: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp.

Thực tế, trong 3 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã trở thành nòng cốt giúp địa bàn toàn huyện chuyển đổi được gần 300ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất chất lượng cao, hiệu quả. Điều đáng ghi nhận là những mô hình nhỏ của cá nhân, hội viên nông dân đã góp phần nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, liên kết theo chuỗi trên địa bàn.

Giờ đây, nông dân huyện Đan Phượng đã có nhiều mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình VAC tại Tân Hội, Tân Lập; mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Đan Phượng, Song Phượng, Thọ Xuân; mô hình trồng lan tại xã Thọ An; mô hình nuôi gà, lợn tại xã Trung Châu; mô hình trồng Bưởi Vietgap, nuôi trâu, bò thịt tại xã Tân Lập... Các mô hình này “bước đầu” đã có sự liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp), qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh cho các hộ nông dân.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này