Phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở: Phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra

11:29 | 23/11/2021
(LĐTĐ) Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tổ chức Công đoàn đã có nhiều mô hình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua đại dịch. Qua đó, đã tạo tiền đề thuận lợi để phát triển đoàn viên (PTĐV), thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS).
LĐLĐ huyện Phúc Thọ thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở Ra mắt Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển thương mại Quang Vinh Ưu tiên thực hiện nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở

Những tiền đề thuận lợi

Ngay khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã tích cực, chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động phòng, chống dịch, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và 5 Tổ công tác để bám sát cơ sở, phân vùng kiểm tra, chỉ đạo, xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp. Các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập 3.340 nhóm Zalo với trên 100.000 đoàn viên, người lao động tham gia để thông tin tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở: Phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu (thứ 4 từ phải sang) và lãnh đạo LĐLĐ huyện Phúc Thọ trao Quyết định thành lập CĐCS mới. (Ảnh: Mai Quý)

LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn Covid-19”. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có hơn 11.500 “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn) được thành lập với trên 50.700 thành viên.

Các “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp không chỉ đồng hành cùng doanh nghiệp phòng, chống dịch mà còn chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong trường hợp doanh nghiệp có ca mắc Covid-19, quan tâm nắm chắc tình hình quan hệ lao động, phối hợp thiết lập và giữ vững vùng xanh trong doanh nghiệp, vận động đoàn viên, người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch.

Theo báo cáo của LĐLĐ thành phố Hà Nội, tính đến hết quý III/2021, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập được 337/421 CĐCS (đạt 80,05% kế hoạch); phát triển 25.832/29.170 đoàn viên (đạt 88,56% kế hoạch). So với cùng kỳ năm 2020, thành lập CĐCS tăng 4,04%; PTĐV tăng 7,46%.

Việc thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy cũng đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập 315 CĐCS tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (đạt 105% kế hoạch); kết nạp 24.097 đoàn viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (đạt 120,5% kế hoạch). Đã có 18 đơn vị hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thành lập CĐCS năm 2021; 15 đơn vị hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu PTĐV năm 2021.

Song song với việc đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động phòng, chống dịch, các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch như tổ chức các “Chuyến xe siêu thị 0 đồng” để hỗ trợ “Túi An sinh Công đoàn” cho người lao động; hỗ trợ các trường hợp F0, F1; hỗ trợ người lao động thực hiện phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp trong thời gian thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội; thăm hỏi lực lượng tuyến đầu chống dịch; ủng hộ “Quỹ vắc xin”... Tính đến nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi từ nguồn ngân sách Công đoàn và vận động xã hội hóa để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch với tổng số tiền trên 195 tỷ đồng.

Các hoạt động trên đã khẳng định sự đồng hành của tổ chức Công đoàn cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”, ổn định quan hệ lao động. Từ đó, tạo tiền đề thuận lợi để PTĐV, thành lập CĐCS tại những doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn.

Bên cạnh đó, LĐLĐ Thành phố đang triển khai 4 Đề án thí điểm, gồm: “Hỗ trợ, khuyến khích PTĐV, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”, “Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch CĐCS ngoài khu vực Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2022”, “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt CĐCS”, “Hỗ trợ kinh phí đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm phân loại Thỏa ước lao động tập thể, giai đoạn 2021-2022” và ban hành 02 Nghị quyết của Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố (khóa XVI) về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước” và về “Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới”… Qua đó, thể hiện quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác PTĐV, thành lập CĐCS và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Thành ủy.

Tận dụng tiền đề thuận lợi để triển khai nhiệm vụ

Tận dụng những tiền đề thuận lợi nêu trên, nhiều Công đoàn cấp trên cơ sở đã linh hoạt, chủ động để vận động, PTĐV, thành lập CĐCS. Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh Nguyễn Văn Hoa cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, các cấp Công đoàn huyện đã triển khai hiệu quả việc thành lập “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp và các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch…

Phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở: Vẫn đạt kết quả tốt  dẫu dịch bệnh
Lãnh đạo LĐLĐ huyện Đông Anh vận động người lao động tại Công ty TNHH Growell Việt Nam tham gia tổ chức Công đoàn. (Ảnh: Mai Quý)

Đặc biệt, ngay sau giãn cách xã hội, chúng tôi đã trực tiếp xuống phân xưởng, khu vực sản xuất của các doanh nghiệp để gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và động viên người lao động yên tâm làm việc, hăng hái thi đua lao động sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh.

Chúng tôi cũng trực tiếp đến các doanh nghiệp để trao hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động thực hiện phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội và trao hỗ trợ cho đoàn viên bị F0.Qua các hoạt động đó, chủ doanh nghiệp, người lao động rất phấn khởi và bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ các hoạt động của tổ chức Công đoàn. Nắm bắt cơ hội này, chúng tôi đã vận động người lao động tham gia tổ chức Công đoàn và thành lập CĐCS tại doanh nghiệp. Tính đến nay, so với chỉ tiêu được giao, LĐLĐ huyện đã thành lập được 19/15 CĐCS mới, đạt 127% và phát triển được 614/450 đoàn viên mới, đạt 136%”.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Lan Anh cũng cho biết, trước những tác động của dịch Covid-19, LĐLĐ huyện đã “biến nguy thành cơ”, triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, thành lập “Tổ An toàn Covid-19” để đồng hành cùng doanh nghiệp bảo vệ sức khỏe người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định quan hệ lao động.

Thông qua đó đã lan tỏa hình ảnh đẹp của tổ chức Công đoàn, tạo điều kiện thuận lợi để PTĐV, thành lập CĐCS.Có thể khẳng định, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, LĐLĐ huyện đã tận dụng tốt những điều kiện thuận lợi nêu trên để PTĐV, thành lập CĐCS. Tính đến nay, so với chỉ tiêu LĐLĐ thành phố Hà Nội giao, LĐLĐ huyện đã thành lập mới 8/3 CĐCS (đạt 266,66%), phát triển 410/130 đoàn viên (đạt 315,38%)”.

Xác định rõ mục tiêu phát triển CĐCS không chỉ đạt về số lượng mà còn phải đảm bảo chất lượng, nên ngay sau khi công bố Quyết định thành lập CĐCS mới, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã phân công cán bộ quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ về nghiệp vụ công tác Công đoàn và tạo điều kiện tốt nhất để Công đoàn hoạt động; đồng thời, đề nghị CĐCS quan tâm duy trì, phát triển và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, trong đó, chú trọng công tác PTĐV mới./.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này