Kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

Tri ân thầy, cô - những “người lái đò” thầm lặng

07:49 | 20/11/2021
(LĐTĐ) Với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, ngày 20/11 hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội của các thầy, cô giáo; là dịp để toàn xã hội biểu dương những người dạy học và nghề dạy học - “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, tôn vinh và bồi đắp thêm lòng yêu nghề của các nhà giáo và thể hiện sự tri ân của các thế hệ học trò đối với các thầy, cô - những người hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”.
Chân dung giáo viên 4.0 từ đại diện giáo dục duy nhất đạt giải HR Asia Award 2021 Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo Thủ đô Tiếp tục giữ vững và phát huy những kết quả xuất sắc, toàn diện của giáo dục Thủ đô

Nghề cao quý, thiêng liêng

Người thầy - mọi thời đại đều xác định là một nghề cao quý, thiêng liêng bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn, thể chất con người. Phương pháp lao động của người thầy là nêu gương, cảm hoá học sinh bằng tư tưởng, tình cảm và vốn tri thức hiểu biết của mình… để tạo ra “sản phẩm” đặc biệt là những con người theo đúng nghĩa “có tâm, có tầm và có tài”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng chiến lược của công tác giáo dục, đào tạo là phương sách chăm lo lợi ích trăm năm, lâu bền của quốc gia dân tộc. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước và trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Đảng và Chính phủ vẫn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng một nền giáo dục tiên tiến. Đội ngũ nhà giáo Việt Nam đã tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng như những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, đào tạo các thế hệ con người mới xã hội chủ nghĩa, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến của dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước từng bước tiến lên theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tri ân thầy cô - những "người lái đò" thầm lặng
Người thầy - mọi thời đại đều xác định là một nghề cao quý, thiêng liêng. (Ảnh minh họa, chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19)

Một dân tộc không thể đứng vững nếu không có nền tảng tri thức. Một xã hội khó có thể tồn tại và phát triển nếu không có những người thầy - những người “chở đạo”, “trồng người”, ươm mầm tri thức. Vì vậy, “tôn sư trọng đạo”, truyền thống hiếu học đã trở thành một trong những nét đẹp nhất của văn hóa Việt, là thước đo phẩm chất nhân bản của dân tộc, thước đo giá trị đạo đức của mỗi con người. Nét đẹp ấy được kết tinh, hun đúc từ trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc và vẫn tiếp tục được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm trở thành ngày lễ quan trọng không chỉ với những người làm công tác giáo dục mà còn là dịp để các thế hệ học trò cũng như toàn xã hội tri ân các thế hệ thầy, cô giáo. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân cách và trí tuệ của các thế hệ nhà giáo đã kết tinh thành Đạo “làm thầy” rạng ngời trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Còn sáng mãi trong tâm thức dân tộc hình ảnh những nhà giáo mẫu mực như Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu và người thầy, người lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Lịch sử cũng in đậm dấu ấn của những nhà giáo Thủ đô làm theo lời Bác, trở thành những chiến sĩ không chỉ mặt trận giáo dục, văn hóa, tư tưởng mà còn trên chiến tuyến đầy hy sinh gian khổ vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục; người thầy là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, sản phẩm của dạy học là tương lai của dân tộc. Các thầy giáo, cô giáo mang trên mình nhiệm vụ nặng nề, có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

“Để đến với nghề giáo “dạy chữ, dạy người”, gắn bó và cống hiến là cả quá trình phấn đấu không mệt mỏi; nhiều nhà giáo đã phải vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống thường ngày để luôn tâm huyết, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người” của Thủ đô và đất nước” - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố khẳng định.

Nhiều hoạt động tri ân

Kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, ở Hà Nội, đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực được tổ chức để tri ân các thầy, cô giáo. Theo đó, nhằm chia sẻ khó khăn với các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh nan y, hiểm nghèo; Ban lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, đặc biệt là cán bộ, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng đó, Ban lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cũng tổ chức các đoàn trực tiếp tới thăm hỏi, tặng quà và chúc mừng các nhà giáo lão thành của ngành GD&ĐT Thủ đô. Đây là hoạt động được tổ chức hàng năm nhằm tri ân những đóng góp của các nhà giáo nhân dân, nhà giáo lão thành, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Tri ân thầy cô - những "người lái đò" thầm lặng
Đại diện ngành GD&ĐT Hà Nội thăm hỏi, tặng quà và chúc mừng Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân Phi Vân Khanh (nguyên Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Chim non, quận Hai Bà Trưng) nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Dịp này, các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã, các cấp Công đoàn cơ sở và các nhà trường cũng tổ chức thăm hỏi, tri ân các nhà giáo đã nghỉ chế độ. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu năm học 2020-2021 và có nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm ghi nhận, tôn vinh sự nỗ lực, những đóng góp tích cực của đội ngũ giáo viên cho sự nghiệp GD&ĐT của Thủ đô.

Trước đó, ngày 10/11, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; trao tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” lần thứ 15; tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành GD&ĐT Hà Nội năm 2021. Tại buổi lễ, đã có 10 tập thể và 4 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 8 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 9 tập thể và 15 cá nhân được tặng Bằng khen của Chính phủ; 33 nhà giáo được trao tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”; 26 tập thể được tặng Cờ thi đua của Thành phố và 40 nhà giáo được trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”...

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, những năm qua, ngành GD&ĐT Thủ đô đã có nhiều đổi mới với những bước phát triển nổi bật và đạt được nhiều thành tựu quan trọng; khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Những thành tựu này có đóng góp không nhỏ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô - những tấm gương thầm lặng đã và đang phấn đấu không ngừng nghỉ vì sự nghiệp giáo dục, vì niềm say mê, yêu nghề, mến trẻ.

“Chính sự lao động tận tụy, trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp, những đóng góp thường ngày của mỗi nhà giáo, mỗi cán bộ quản lý cho từng giờ học tốt, cho mỗi bước trưởng thành của học sinh, trong việc xây dựng nhà trường, trong các hoạt động xã hội đã làm nên những thành tích mới của ngành GD&ĐT Thủ đô” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến bày tỏ.

Kế thừa truyền thống tự hào của dân tộc, tiếp bước các bậc hiền nhân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị mỗi nhà giáo của Thủ đô cùng tập thể cán bộ, giáo viên, người lao động toàn ngành nỗ lực quyết tâm thực hiện tốt sứ mệnh thiêng thiêng của sự nghiệp “dạy chữ, dạy người”, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu, chương trình công tác của Bộ GD&ĐT, Thành phố giao trong năm học 2021-2022. Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô, trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành GD&ĐT tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế từ những năm học trước, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cách đây hàng trăm năm, J.A.Cômenxki - nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Séc và của thế giới - đã gọi người giáo viên là người “chuyển giao ngọn đuốc của nền văn minh”, “sợi dây chuyền giữa các thế hệ” và coi chức vụ mà xã hội trao cho người giáo viên là chức vụ quang vinh mà dưới ánh mặt trời này không có chức vụ nào ưu việt cho bằng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Nhân kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, kính chúc các thầy, cô giáo sức khỏe, hạnh phúc và thành công, tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của mình, đó là sự nghiệp “trồng người” như lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này