Cơ cấu lại nền kinh tế phải tránh tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ

18:53 | 30/10/2021
(LĐTĐ) Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, tất cả các Bộ, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm của mình, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Đồng thời, phải tránh được tư duy nhiệm kỳ, tư duy về lợi ích cục bộ…
Để cơ cấu lại nền kinh tế, phải tập trung giải tỏa các "nút thắt" của từng ngành, địa phương Cần cơ chế đặc thù cho phát triển kinh tế trong 2 năm tới

Nền kinh tế đang thiếu các “trụ cột”

Ngày 30/10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề cập đến một số ý kiến cho rằng không cần thiết phải đưa nội dung cơ cấu lại nền kinh tế thành một kế hoạch riêng vì khá nhiều nội dung của kế hoạch trùng lặp với nội dung đã được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng, trong các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách và đầu tư công.

Theo đại biểu, trong bối cảnh hiện nay, việc cơ cấu lại nền kinh tế không phải chỉ là cần, mà rất cần thiết. Đại biểu phân tích, phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế hiện nay đang mất cân đối. Ví dụ như vốn trong các doanh nghiệp nhà nước chiếm giữ rất lớn nhưng không sử dụng hiệu quả, trong khi các khu vực tư nhân lại không có khả năng tiếp cận.

Cơ cấu lại nền kinh tế phải tránh tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng nền kinh tế đang thiếu các trụ cột để tạo nên một sự phát triển tự chủ và bền vững.

Bên cạnh đó, nhiều vùng có tiềm năng phát triển rất tốt nhưng đầu tư phát triển lại không cân xứng, như đồng bằng sông Cửu Long tốc độ đầu tư về hạ tầng thấp hơn nhiều sau các vùng khác, hoặc các vùng kinh tế ven biển có nhiều tiềm năng nhưng khai thác, đầu tư cho phát triển kinh tế biển hầu như chưa được quan tâm…

Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, quốc gia hùng cường nào cũng phải dựa trên các trụ cột hoặc là phải có tập đoàn kinh tế mạnh để không chỉ làm chủ kinh tế trong nước mà còn vươn ra làm chủ, thống lĩnh trên thế giới, hoặc phải nắm được các yết hầu về kinh tế thế giới, như các Trung tâm tài chính, ngân hàng hoặc các huyết mạch về hàng hóa, tiền tệ. Tuy nhiên, nước ta hầu như chưa có được các trụ cột này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh, tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế. Hiện nay tất cả các lĩnh vực đều đang phải cơ cấu lại, thậm chí ngay trong hộ gia đình thì cách chi tiêu, cách sử dụng đồng tiền cũng đã phải thay đổi. Trong một tổ chức, doanh nghiệp, các hoạt động cũng phải thay đổi, lược bỏ đi những hoạt động không cần thiết, thay đổi làm việc từ xa, cắt bỏ đi những hoạt động về hội họp… Đương nhiên, nền kinh tế càng đặt ra phải thay đổi nhiều hơn.

“Rất cần thiết phải có các cơ chế đột phá để thay đổi các phương thức đầu tư, chứ không phải là thực hiện các biện pháp thông thường. Nếu như kế hoạch kinh tế xã hội này đưa ra được các giải pháp thực sự đột phá mà trong các quy định luật pháp thông thường không có, trong các kế hoạch bình thường không có, thì Quốc hội cần thiết phải thông qua bản kế hoạch đó.

Ngược lại, nếu như chỉ dừng lại các mục tiêu hoặc là các chỉ tiêu của các kế hoạch đã được thông qua thì tôi nghĩ rằng nhận định của Ủy ban Kinh tế cũng có cơ sở”, đại biểu nói.

Cơ cấu lại nền kinh tế phải tránh tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, chúng ta nên chấp nhận một cuộc "lột xác" cho nền kinh tế

Chấp nhận một cuộc "lột xác" cho nền kinh tế.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết, 9 tháng năm nay có 45.100 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng 16,7%; 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 17,4%; 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường diễn ra ở hầu hết các ngành, tuy nhiên tập trung nhiều vào ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo...

Theo đại biểu, xu hướng phát triển mới là tăng trưởng xanh, thương mại điện tử và kinh tế số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. “Chúng ta nên chấp nhận một cuộc "lột xác" cho nền kinh tế. Chúng ta sẽ không phải giải cứu, hỗ trợ đại trà, dàn trải cho mọi doanh nghiệp. Thay vào đó, Chính phủ cần tập trung nguồn lực hạn hẹp cho những đối tượng thật chọn lọc nhằm đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể mà kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.

Cơ cấu lại nền kinh tế phải tránh tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu tại phiên thảo luận

Phải vượt qua được các tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ

Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tác động của đại dịch Covid-19, vấn đề hội nhập quốc tế, liên kết phát triển vùng, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh… phải được cụ thể hóa cùng với đợt điều chỉnh kế hoạch lần này và “phải thực hiện cho được và coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất hiện nay của cả nền kinh tế”.

Theo Bộ trưởng, bản chất của quá trình cơ cấu này là một quá trình phân bổ lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi ở tầm quốc gia, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, từ đó có thể nâng cao được năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Về đột phá trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tập trung vào ba vấn đề chủ yếu là thể chế, chuyển đổi số và khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tất cả các bộ, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm của mình, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Đồng thời, phải vượt qua được các tư duy nhiệm kỳ, tư duy về lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành để chống các cát cứ chia cắt mà tính đến lợi ích tổng thể của nền kinh tế, tính đến liên vùng, liên ngành.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này