Ngăn ngừa “tín dụng đen” ẩn náu trên không gian mạng!

09:45 | 28/10/2021
(LĐTĐ) Hoạt động tín dụng dưới bất kỳ hình thức nào đều phải có giấy phép của cơ quan thẩm quyền cấp. Do đó, những hình thức cho vay nếu không có giấy phép đều là “tín dụng đen”. Trách nhiệm của cơ quan chức năng phải triệt tiêu ngay khi nó mới hình thành.
Vay tiền qua app: Loại bỏ hình thức “tín dụng đen” trên không gian mạng Công an thành phố Hà Nội triệt xóa ổ nhóm “tín dụng đen” Triệt phá ổ nhóm tội phạm "tín dụng đen" cho vay tiền với lãi suất lên đến 180%/năm

“Tín dụng đen” là một loại hình cho vay nặng lãi tồn tại dưới nhiều hình thức ngoài xã hội và cả trên không gian mạng. Loại hình này đã bị cơ quan chức năng “tấn công”, nên thời gian qua tuy có giảm, song lại biến tướng với những hình thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Không những thực hiện hành vi cho vay “cắt cổ”, lãi suất cao, gần đây một số tổ chức “tín dụng đen” còn mở thêm chiêu trò đồi trụy hòng “đưa” người vay vào bước đường cùng cả về tiền bạc lẫn “nhân phẩm”.

Ngăn ngừa “tín dụng đen” ẩn náu trên không gian mạng!
Ảnh minh họa: Nguồn Laodong.vn

Điển hình, theo thông tin từ các cơ quan báo chí dẫn nguồn tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm, ngày 25/10, Cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Vân Anh, Đào Quốc Huy (SN 1992, chồng Vân Anh, cùng ở quận Đống Đa); Bùi Ngọc Thủy (SN 1984, trú tại quận Đống Đa) và Khương Thị Tuyến (SN 1992, trú tại quận Long Biên) về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Riêng Vân Anh bị khởi tố thêm tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Theo điều tra, cuối tháng 12/2020, vợ chồng Vân Anh tham gia và quảng cáo hình thức cho vay tiền dưới hình thức “bốc bát họ” trong hội nhóm Zalo, Telegram, Facebook liên quan đến hoạt động mại dâm. Để được vay tiền, các cô gái bán dâm phải chụp ảnh chân dung, CMND, CCCD, ảnh trang cá nhân Facebook, Zalo, quay hình ảnh nhạy cảm cho các đối tượng.

Tháng 5/2021, các đối tượng đã cho N. vay tiền 7 lần với tổng số tiền 163 triệu đồng, lãi suất 10-20 nghìn đồng/1 triệu đồng ngày và mỗi ngày trả 150-200 nghìn đồng hoặc 10 ngày/lần. Trong khoảng thời gian này, N. trả cho các đối tượng 131 triệu đồng trên tổng số tiền đã vay. Tuy nhiên, sau đó, N. không có khả năng trả lãi tiếp nên đã bị Vân Anh đe dọa đăng các hình ảnh nhạy cảm lên mạng, gửi cho gia đình bạn bè để gây sức ép.

Lo sợ, N. đi vay lãi của Bùi Ngọc Thủy, Tuyến để trả nợ. Thông qua hình thức này, vợ chồng Vân Anh cho gần 1.000 người vay với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng; hiện còn 210 người vẫn trả lãi và gốc từ 146% - 730%/năm. Tổng số tiền các đối tượng được hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng.

Những người “sập bẫy” “tín dụng đen” ngoài các đối tượng trên, đa số đều là người có thu nhập thấp, trình độ nhận thức luật pháp chưa cao, nên khi không thể tiếp cận được với nguồn tín dụng chính thống sẽ tìm đến “tín dụng đen”.

Trong khuôn khổ bài này không bình luận về phía các đối tượng đi vay, mà chỉ xin đề cập góc độ quản lý Nhà nước và đạo đức xã hội. Hành lang pháp lý về hoạt động trên không gian mạng chúng ta cũng đã có tương đối đầy đủ, các cơ quan chức năng quản lý, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng đã có.

Vì vậy, điều kiện cần và đủ, khi xuất hiện những trang web, những tổ chức núp bóng công ty nhưng có dấu hiệu tội phạm, các hội nhóm hoạt động liên quan đến tài chính, cầm cố tài sản cho vay… cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra để ngăn chặn sớm. Đồng thời, phải xử lý thật nghiêm minh tội cho vay nặng lãi kèm hình thức “dã man” chụp thẻ CCCD, bắt chụp ảnh nóng (để làm tin) dù người vay là bất cứ đối tượng nào trong xã hội cũng là hành động không thể chấp nhận.

Hơn lúc nào hết, đề nghị các cơ quan chức năng cần phải loại bỏ loại hình kinh doanh “phi đạo đức” ra khỏi đời sống, xã hội.

H.Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này