Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới

12:56 | 21/10/2021
(LĐTĐ) Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 43-KH/TU về triển khai thực hiện Kết luận số 13-KL/TƯ, ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TƯ, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới".
Hà Nội phấn đấu nông dân có thu nhập 60 triệu đồng/người/năm Bí thư Thành ủy Hà Nội: Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu Cống hiến sức trẻ để xây dựng và phát triển Thủ đô

Kế hoạch nêu rõ 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm.

Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm của đơn vị, địa phương. Xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm, lấy "chủ động phòng ngừa" từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm tập trung các biện pháp phòng, chống tội phạm; thường xuyên nắm, dự báo tình hình kịp thời để phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động tội phạm...

Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ đạo kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm; kết hợp giữa cải cách tư pháp với cải cách hành chính. Rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phát triển nhằm bảo đảm chặt chẽ, không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người phát hiện, tố cáo hành vi phạm tội, nhất là tố cáo hành vi tham nhũng theo quy định.

Bên cạnh việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan bảo vệ pháp luật đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; xây dựng lực lượng Công an Thủ đô chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm…, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo nâng cao hơn nữa cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan, tổ chức, giữa các cấp, các ngành trong thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng, chống tội phạm…

Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về xử lý tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, kịp thời phát hiện dấu hiệu tội phạm, có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm; có hình thức khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, có thành tích trong công tác phòng, chống tội phạm…

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này