Vẻ đẹp làng cổ ven sông

08:19 | 21/10/2021
(LĐTĐ) Nhắc tới Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) người ta thường nghĩ ngay đến mảnh đất cổ xưa có bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống từ rất lâu đời. Theo dòng thời gian từ thế kỷ VI tức cách ngày nay trên một ngàn bốn trăm năm, mảnh đất này đã đi vào lịch sử vì đây chính là kinh đô của nước Vạn Xuân dưới triều Hậu vua Lý Nam Đế.
Dấu xưa nơi làng cổ Đông Ngạc Làng Mễ Trì rộn ràng vào vụ cốm mới

Đi tìm dấu tích của thành cổ Ô Diên

Hạ Mỗ là vùng đất cổ ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Thành phố khoảng 20km là điểm đến thú vị với bề dày truyền thống lịch sử, nhiều di tích và danh thắng độc đáo cùng những nét văn hoá dân gian đặc sắc mà ít nơi có được. Ngày nay, Hạ Mỗ đang trong quá trình đô thị hóa nhưng không vì thế mà mất đi vẻ cổ kính, uy nghiêm. Trong những ngày Hà Nội vào thu, chúng tôi có dịp ghé thăm Hạ Mỗ, đi tìm lại những dấu ấn, chứng tích của mảnh đất kinh đô xưa.

Vẻ đẹp làng cổ ven sông
Hạ Mỗ có bề dày truyền thống lịch sử, nhiều di tích và danh thắng độc đáo. Ảnh: Kim Tiến

Anh Nguyễn Xuân Việt, cán bộ văn xã (Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ) giới thiệu, Hạ Mỗ là một nơi có bề dày lịch sử - văn hóa, có truyền thống hiếu học. Cách đây hơn 14 thế kỷ, mảnh đất này một thời đã là kinh đô nhà nước Vạn Xuân (gọi là Ô Diên), người bốn phương tụ hội. Trải dài bao năm tháng, nhiều người tới đây sinh cơ lập nghiệp gây dựng và phát triển, rồi có con đàn cháu đống thành nhiều dòng họ. Người tới trước, kẻ đến sau họ chung sống cùng nhau, kề vai sát cánh, xây dựng xóm, làng hòa chung một khối tạo lập cho quê nhà các phong tục, tập quán riêng được truyền từ đời này qua đời khác.

Cũng như bao làng Việt cổ, từ bao đời nay, người dân Hạ Mỗ đã xây dựng cho mình một đời sống tinh thần phong phú, trong đó tết nhất, hội hè và nhiều phong tục mang bản sắc đậm đà hình ảnh vị Thành Hoàng làng cùng sự tồn tại và phát triển của mảnh đất Ô Diên ngàn năm văn hiến. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, ở mỗi giai đoạn lịch sử cùng với các thiết chế xã hội khác nhau, thuần phong mỹ tục được bảo lưu, hủ tục dần dần được xóa bỏ.

Người Hạ Mỗ giờ vẫn ghi nhớ bốn câu ca truyền miệng: “Làng chúng tôi Đế vương đất cũ/Người chúng tôi Tể phụ ngày xưa” và “Đất này là đất cố đô/Người trung, trung tự thuở xưa đến giờ”. Các cụ già thường kể rất nhiều câu chuyện về thành cổ, vì sao lại có lễ rước tượng… vào những ngày hội làng. Theo anh Nguyễn Xuân Việt, minh chứng cho câu chuyện còn lưu truyền trong tiềm thức dân gian, hiện nay, các di tích lịch sử còn lưu lại nhiều chứng tích và những câu đối chữ Hán còn lưu lại, câu nào cũng liên quan ít nhiều đến hai từ Ô Diên.

Mới đây UBND thành phố Hà Nội Quyết định công nhận điểm du lịch xã Hạ Mỗ, đây là bước ban đầu đặt nền móng cho phát triển du lịch ở địa phương. Anh Nguyễn Xuân Việt cán bộ văn xã (Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ) bày tỏ sự vui mừng: “Quan trọng nhất của người dân Hạ Mỗ bây giờ là giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền để không làm mai một truyền thống cha ông để lại. Từ đó, giới thiệu với bạn bè để hiểu biết thêm về nền văn hóa đậm đà bản sắc này.

Hiện tại, UBND xã Hạ Mỗ đang có rất nhiều chương trình bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể như: Các bức hoành phi, câu đối, các văn tự Hán nôm đều được dịch ra và bảo quản, lưu trữ, giữ lại cho muôn đời sau. Đồng thời, xây dựng và viết cuốn lịch sử văn hóa, truyền thống để đưa vào các nhà trường giảng dạy cho các thế hệ học sinh hiểu về lịch sử của địa phương”.

Ví như đôi câu đối cổ tại đình Vạn Xuân: “Nam Đế Lý triều quốc hiệu Vạn Xuân, diên đình lưu tích thánh/Ô Diên cảnh thắng đô thành nhất thế, quán tự hiển thần linh” (tạm dịch nghĩa: Triều Lý Nam Đế, tên nước là Vạn Xuân, ngôi đình lớn ghi lại tích của đức thánh/Thắng cảnh đất Ô Diên một thời là Kinh đô, tất cả sự thờ tự rạng rỡ về sự linh thiêng của Thần linh). Hay đôi câu đối tại chùa Hải Giác: “Giáo liệt tam tông Hồng Lạc tảo khai kim thế giới/Cảnh tiên thập vịnh Ô Diên biệt chiếm ngọc càn khôn” (tạm dịch nghĩa: Ba giáo phái cùng truyền đạo lý, con cháu Lạc Hồng sớm mở hoàn cầu quý như vàng bạc/Mười bài thơ ca ngợi cảnh về trước, kinh thành Ô Diên giữ riêng trời đất đẹp tựa ngọc ngà)...

Những nếp cũ còn lưu truyền

Những dấu tích không chỉ để lại ở đình, chùa mà trong đời sống văn hóa của người Hạ Mỗ các trò chơi, trò diễn dân gian cũng chiếm một vị trí quan trọng. Tham gia các trò chơi dân gian không phải chỉ để giải trí sau những ngày lao động mà còn góp phần xây dựng nên đời sống tâm hồn phong phú, lành mạnh, không những thể hiện sự khéo léo và sức mạnh, trí thông minh mà nó còn góp phần tạo nên sắc thái riêng biệt của thuần phong.

Trong hội làng người Hạ Mỗ bao giờ cũng tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống. Từ xa xưa, nhân dân Hạ Mỗ đã tổ chức nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như: Thả chim bồ câu, chọi gà, đấu vật, đánh đu, chơi cờ người, tổ tôm điếm, tam cúc điếm, thả diều sáo. Tuy nhiên, đặc sắc và thu hút người xem hơn cả vẫn là trò chơi “đua thuyền, bắt vịt, nấu cơm thi” trong các dịp hội làng trên ao đình Vạn Xuân.

Hàng năm, Hạ Mỗ mở hội làng vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng làng: 12 tháng Giêng Âm lịch. Thời xưa, hội làng kéo dài suốt tháng Giêng. Sau này, hội mở thường chỉ có ba ngày từ 11 đến 13 tháng Giêng. Trò chơi được chuẩn bị rất công phu, từ chọn người, sắm thuyền, cần, nồi, người nấu cơm... Đặc biệt người cầm lái và người nấu cơm phải rất ăn ý và điêu luyện mới có thể thực hiện được công việc. Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng Chạp, các xóm đã phải chọn cử người đủ tiêu chuẩn để đăng ký với làng và tổ chức luyện tập.

Vẻ đẹp làng cổ ven sông
Độc đáo bánh gio ở Hạ Mỗ.

Theo nhà giáo Nguyễn Tọa, người được coi là “pho sử của làng Hạ Mỗ” thì trò chơi “đua thuyền, bắt vịt, nấu cơm thi” là một trò chơi chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa. Người Hạ Mỗ trước kia vốn là gia thần thủ túc của hoàng tử Lý Bát Lang - Thành Hoàng làng. Trò đua thuyền bắt vịt nấu cơm thi là tượng trưng cho công việc hành quân phục vụ chiến đấu thuở trước. Bắt vịt tượng trưng cho đuổi giặc, bắt giặc. Nấu cơm là công việc hậu cần. Còn đua thuyền là phương tiện hành quân trên đường thủy. Thành Ô Diên nằm trên ngã ba sông nên phương tiện giao thông bằng thuyền xưa kia rất phổ biến và phát triển. Trò đua thuyền bắt vịt nấu cơm thi cũng là dấu tích về điều kiện sống và truyền thống trên sông nước của người Hạ Mỗ thời xa xưa.

Cũng theo ông Tọa, ngày nay, khi ao đình bị lấn chiếm, mặt nước không đủ đường đua, môi trường lại bị ô nhiễm, cả mặt nước và đáy ao không có độ an toàn cho việc tổ chức, do đó người ta đã chuyển sang nấu cơm thi trên cạn, hoặc chỉ nấu cơm thi trên thuyền một cách tượng trưng trên mặt nước ở một số địa điểm khác.

Ngoài ra, nét văn hoá đặc sắc của lịch sử làng Hạ Mỗ còn được biết đến bởi các món ăn đặc sắc. Vùng đất cổ nằm bên 3 sông lớn là sông Nhuệ, sông Hồng và sông Hát, quanh năm phù sa bồi đắp, lúa gạo và sản phẩm nông nghiệp rất phong phú. Vì vậy, từ xa xưa, bà con chế biến nhiều món ăn ngon nổi tiếng như: Đậu phụ, bột sắn dây, nổ nén (loại bánh làm bằng gạo nếp rang trộn với mật mía rồi nén lại thành khối vuông)… Đặc sắc và độc đáo nhất là cháo se ăn bằng đũa mà rất ít địa phương trong cả nước có món này.

Hay cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, tất thảy các hộ trong làng, trong xã đều chuẩn bị một chum nước gio để làm bánh. Thời điểm cận Tết, khác hẳn với các vùng quê khác, cả Hạ Mỗ đều đốt gio làm bánh. Ánh sáng từ ngọn lửa cùng tiếng nổ tí tách của nguyên liệu đốt tạo nên một một không gian ấm cúng, sum họp vui vầy đặc trưng./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này