Điểm tựa giúp doanh nghiệp và người lao động vượt khó

10:06 | 14/10/2021
(LĐTĐ) Trước những tác động của dịch bệnh Covid-19 đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, việc làm của người lao động, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Gia Lâm đã linh hoạt, sáng tạo vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch vừa đồng hành với doanh nghiệp, sát cánh chăm lo, hỗ trợ, tạo điểm tựa giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn.
Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch Covid-19 Liên đoàn Lao động quận Đống Đa luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động Doanh nghiệp và người lao động sẽ cùng “dễ thở”

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng do đơn hàng dồi dào nên bài toán đặt ra với Công ty TNHH May Phù Đổng là phải duy trì được chuỗi sản xuất an toàn, không bị đứt gãy. Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Phù Đổng cho biết, được sự chỉ đạo của LĐLĐ huyện Gia Lâm, ngay sau khi đợt dịch thứ tư bùng phát, Công đoàn cơ sở và lãnh đạo doanh nghiệp đã phối hợp thành lập các “Tổ An toàn Covid-19” và duy trì hoạt động hết sức hiệu quả, giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong doanh nghiệp.

Khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách, để đảm bảo điều kiện được cấp phép tiếp tục sản xuất, với sự chỉ đạo, hướng dẫn của LĐLĐ huyện, Công đoàn cơ sở đã phát huy vai trò “Tổ An toàn Covid-19”, tham mưu, phối hợp với chủ doanh nghiệp xây dựng mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp”, đưa công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lên bước cao hơn, chặt chẽ hơn. “Có thể nói, chính nhờ những chỉ đạo kịp thời và sự sát sao, đồng hành của LĐLĐ huyện Gia Lâm góp phần giúp doanh nghiệp chúng tôi duy trì được chuỗi sản xuất an toàn, đảm bảo được việc làm, thu nhập cho người lao động kể cả trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp”, bà Nguyễn Thị Thu Giang khẳng định.

Điểm tựa giúp doanh nghiệp và người lao động vượt khó
LĐLĐ huyện Gia Lâm đồng hành với Công ty Cổ phần Hãng Sơn Đông Á trao hỗ trợ cho người lao động khó khăn

Đối với Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu (SXKD XNK) Nam Phát- vai trò đồng hành, sát sao của LĐLĐ huyện Gia Lâm cũng được thể hiện rõ. Là công ty chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, từ năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 mới bắt đầu xảy ra, việc sản xuất, kinh doanh của công ty phải dừng lại. Không lùi bước trước khó khăn, Ban Giám đốc Công ty đã chủ động kết nối, tìm nguồn hàng mới- sản xuất mặt hàng khẩu trang xuất sang Nhật Bản, để duy trì sản xuất của Công ty cũng như duy trì việc làm, giúp người lao động không bị mất hoàn toàn thu nhập.

Tới năm 2021, dù đơn hàng được đảm bảo nhưng Công ty vẫn gặp khó khăn do có thời điểm, một số lượng không ít công nhân sống trong vùng cách ly, phong tỏa, không thể đi làm. Trong lúc khó khăn đó, LĐLĐ huyện Gia Lâm đã thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn Công đoàn cơ sở tham mưu với doanh nghiệp triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xây dựng phương án sản xuất “3 tại chỗ”…

“LĐLĐ huyện Gia Lâm đã nhiều lần trao hỗ trợ cho người lao động trong công ty bằng tiền mặt, nhu yếu phẩm, hỗ trợ bữa ăn cho người lao động “3 tại chỗ” của Công ty.... Sự quan tâm chia sẻ của Công đoàn đã làm ấm lòng người lao động, giúp họ an tâm, gắn bó cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn đại dịch”, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần SXKD XNK Nam Phát cho biết.

Không nằm ngoài những tác động của đại dịch Covid-19, 3 cơ sở của Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á nằm tại 3 miền đất nước đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn của LĐLĐ huyện Gia Lâm, Công đoàn công ty đã phối hợp cùng Ban Giám đốc vận dụng linh hoạt các nguồn kinh phí hoạt động phong trào, quỹ Công đoàn của Công ty để chăm lo, bảo vệ tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho người lao động.

Bà Đào Thị Lan Anh - Giám đốc Hành chính Nhân sự, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á cho biết: “Đồng cảm với doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với người lao động, LĐLĐ huyện Gia Lâm đã trực tiếp đến tận Công ty thăm hỏi, động viên và trao những phần quà, kinh phí hỗ trợ cho người lao động với mong muốn giúp người lao động yên tâm làm việc để đảm bảo đời sống và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây thực sự là nguồn hỗ trợ, động viên quý báu đối với doanh nghiệp cũng như người lao động của chúng tôi”.

Sát cánh với người lao động

Đồng hành với doanh nghiệp, LĐLĐ huyện Gia Lâm cũng không quên vai trò đại diện, sát cánh chăm lo, bảo vệ, hỗ trợ người lao động vượt khó khăn của đại dịch. Ông Nguyễn Đức Thể, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm cho biết, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, qua rà soát, báo cáo và đề xuất của LĐLĐ huyện, LĐLĐ thành phố Hà Nội trao 10 suất quà hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm- đơn vị tuyến đầu chống dịch, mỗi suất quà là 1 triệu đồng; hỗ trợ 02 trường hợp F0, mỗi trường hợp là 3 triệu đồng; hỗ trợ 9 giáo viên mầm non tư thục phải nghỉ việc, có hoàn cảnh khó khăn, mỗi trường hợp 500 ngàn đồng; hỗ trợ 40 Công đoàn cơ sở thành lập “Tổ an toàn Covid-19”, mỗi đơn vị 1 triệu đồng; hỗ trợ 5 đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi trường hợp 3 triệu đồng; trao trên 1.500 “Túi An sinh Công đoàn” cho công nhân lao động phải ngừng việc, mất việc, ở trong khu cách ly phong tỏa hoặc phải nghỉ việc giãn cách gặp khó khăn.

Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp, đối với người lao động ngoại tỉnh mắc kẹt trên địa bàn trong thời gian thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, LĐLĐ huyện đã vận động các chủ nhà trọ trên địa bàn chia sẻ khó khăn với người lao động thuê trọ như giảm giá phòng trọ, giảm giá tiền điện, nước… trong thời gian ảnh hưởng của dịch với tổng số tiền là trên 864 triệu đồng cho 2.049 người lao động

Tổng trị giá các suất hỗ trợ của LĐLĐ Thành phố cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động huyện Gia Lâm là gần 290 triệu đồng. Riêng LĐLĐ huyện Gia Lâm đã trao hỗ trợ 4 đơn vị tuyến đầu chống dịch tổng số tiền 38 triệu đồng; hỗ trợ 26 trường hợp F1 cách ly y tế tập trung, mỗi trường hợp 1,5 triệu đồng; hỗ trợ 525 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, nuôi con nhỏ, trong khu vực phong tỏa phải nghỉ việc, mỗi trường hợp 500 ngàn đồng; hỗ trợ 45 Công đoàn cơ sở thành lập “Tổ An toàn Covid 19”, mỗi đơn vị 1 triệu đồng và tổ chức các chuyến “Xe ô tô siêu thị 0 đồng” trao 860 “Túi An sinh Công đoàn” cho công nhân lao động phải ngừng việc, mất việc, hoặc ở trong khu cách ly phong tỏa, phải nghỉ việc giãn cách gặp khó khăn, tổng trị giá 86 triệu đồng.

Đặc biệt, LĐLĐ huyện Gia Lâm còn trao hỗ trợ kinh phí bữa ăn cho 335 đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của 09 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm, tổng kinh phí hỗ trợ là 335 triệu đồng. Mới đây nhất, LĐLĐ Thành phố và LĐLĐ huyện tiếp tục hỗ trợ 400 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng cho đoàn viên Công đoàn, người lao động khó khăn huyện Gia Lâm quay trở lại sản xuất kinh doanh.

Có thể nói, thông qua các hoạt động thiết thực như trên, LĐLĐ huyện Gia Lâm đã thực sự phát huy được vai trò của tổ chức Công đoàn là điểm tựa chăm lo, san sẻ khó khăn với đoàn viên, người lao động, tạo sự ấm lòng, an tâm tin tưởng cho đoàn viên, người lao động sẵn sàng gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh./.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này