Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố cất cánh

13:51 | 05/10/2021
(LĐTĐ) Từ xưa đến nay, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi trọng yếu hội tụ nhân tài bốn phương, và nguồn lực quý báu này đã giúp kinh thành xưa, Thủ đô nay không ngừng phát triển về mọi mặt. Tình hình mới, thời kỳ mới, để Hà Nội cất cánh vươn lên xứng tầm khu vực, việc tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đóng vai trò quan trọng.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa nâng cao tính cạnh tranh của khu vực ASEAN Cần tập trung đầu tư để hiện đại hóa các trường ở tất cả các bậc học Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Cần thay đổi cách thức đào tạo

Truyền thống trọng dụng nhân tài

Lịch sử đã khẳng định, từ xa xưa, không chỉ những bậc hiền tài mà đông đảo những người thợ thủ công có tay nghề đã góp công sức xây dựng, kiến thiết nên Thăng Long - Kẻ Chợ. Từ những đội ngũ thợ tài hoa đó, không ít phường, làng nghề đã được lập nên, nay vẫn còn dấu tích, thậm chí đang hoạt động như đúc đồng Ngũ Xã, Lĩnh Hoa Yên Thái, gốm sứ Bát Tràng... Đó là một phần minh chứng cho thấy, trọng dụng nhân tài từ lâu đã là truyền thống quý báu luôn được phát huy ở Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp 4.0, nhân tài, nhân lực chất lượng cao càng được Thành phố quan tâm, trọng dụng. Điều này thể hiện rõ qua việc Thành phố quan tâm coi trọng, thường xuyên tổ chức vinh danh và tuyển dụng, tạo điều kiện cho các Thủ khoa phát huy tài năng, đóng góp xây dựng Thủ đô.

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố cất cánh
Một giờ học thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội

Cùng đó, Thành phố cũng luôn quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, Hà Nội đã trở thành một trong những thành phố có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp lớn nhất cả nước với 370 đơn vị. Số lượng học sinh, sinh viên tại các sơ sở giáo dục nghề trên địa bàn Thành phố tăng đều qua từng năm. Số lao động qua đào tạo nghề tăng dần và chất lượng dạy nghề có chuyển biến tích cực với cơ cấu ngành nghề đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, giúp người học nghề dễ dàng có việc làm sau khi tốt nghiệp...

Đánh giá về kết quả giáo dục nghề nghiệp của Thủ đô, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (Khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” nêu rõ: Giáo dục nghề nghiệp của Thủ đô đã có bước phát triển.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,12% (năm 2015) lên 70,23% (năm 2020); tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Các đơn vị đã chủ động trong hợp tác quốc tế, xây dựng và chuẩn hóa khung chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực, quốc tế. Nhiều doanh nghiệp tham gia hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực. Hà Nội dẫn đầu cả nước trong nhiều kỳ thi, hội thi tay nghề cấp quốc gia, quốc tế...

Dù đạt nhiều kết quả tích cực như vậy nhưng nhìn trên thực tế trong số lao động qua đào tạo ở Hà Nội, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ mới đạt 48%. Nguồn nhân lực sẵn sàng cung ứng cho thị trường chủ yếu là lao động phổ thông và đang rất thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, nhất là ở một số ngành nghề như công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử, cơ điện tử...

So với những năm trước, chất lượng lao động có trình độ đã tăng nhưng chưa thật sự đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đòi hỏi lao động không chỉ được đào tạo bài bản về mặt chuyên môn, mà còn cả những yếu tố khác như tin học, ngoại ngữ… Nhiều lao động sau đào tạo về công nghệ thông tin lại thiếu yếu tố ngoại ngữ, dư địa tìm kiếm việc làm thu hẹp hoặc thu nhập hạn chế hơn khi thiếu các yếu tố khác ngoài chuyên môn.

Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đang đặt ra nhiều thách thức về lao động, việc làm và chất lượng nguồn nhân lực của cả nước nói chung, Thủ đô nói riêng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong khoảng 10 - 15 năm tới, do tác động của công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, khoảng 1/3 số công việc trên thế giới ở thời điểm hiện tại sẽ thay đổi khiến khoảng 40% lao động phải bổ sung kỹ năng thì mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc.

Với khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, dự báo tỷ lệ này còn cao hơn. Ngoài ra, dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, số lao động thủ công, lao động giản đơn mất việc làm dài hạn vẫn đang tăng; số lao động qua đào tạo, nhưng không có kỹ năng, tay nghề cao khó kiếm được việc làm.

Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đứng trước yêu cầu phải đổi mới để phát triển, hội nhập, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2020 - 2025) tiếp tục xác định việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực các ngành Văn hóa, Du lịch.

Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế...”. Cũng trong giai đoạn này, Thành phố phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn đạt ít nhất 75-80%, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Với quyết tâm đổi mới, đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội vào cuộc sống, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giai đoạn 2020 - 2025, hệ thống các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh, đào tạo, theo sát nhu cầu sử dụng lao động của thị trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, nhà trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo gắn với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng Thủ đô thành một trung tâm sáng tạo của khu vực.

Tương tự, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho hay, trong giai đoạn mới, mục tiêu của nhà trường là trở thành cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, nhất là với các nghề công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn. Hiện nhà trường đang nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo thông minh, theo hướng mở, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, bảo đảm giải quyết việc làm cho 100% người học nghề sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, nhà trường đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng trường trở thành trung tâm nghiên cứu - ứng dụng - chuyển giao khoa học và công nghệ; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có uy tín trong khu vực, quốc tế.

Cùng với sự chủ động của các cơ sở giáo dục, các ngành, địa phương cũng tập trung nguồn lực xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thống nhất quan điểm, muốn phát triển nhanh và bền vững, trước hết phải bắt đầu từ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Vì thế, giai đoạn 2020-2025, mỗi năm, huyện Đông Anh sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.800-2.000 người, bảo đảm có ít nhất 80% số người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 85% trở lên.

Dưới góc độ quản lý về lao động, việc làm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện với các sở, ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn thành phố để thực hiện nhiệm vụ “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Đây là nhiệm vụ khó, song khi tất cả cùng chung sức, đồng lòng thực hiện, Hà Nội sẽ có bước phát triển đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, tạo nền tảng quan trọng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới./.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này