LĐLĐ huyện Đan Phượng chủ động đổi mới hoạt động trong tình hình mới

18:27 | 02/10/2021
(LĐTĐ) Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới là động lực quan trọng để tổ chức Công đoàn huyện Đan Phượng không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động, xứng đáng đại diện cho tiếng nói, khát vọng, niềm tin của người lao động (NLĐ).
Công đoàn Thủ đô luôn đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn “Hậu phương” cho tuyến đầu chống dịch tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng LĐLĐ huyện Đan Phượng tặng “Túi An sinh Công đoàn” cho người lao động trên địa bàn

Sớm cụ thể hóa Nghị quyết

Sau khi Nghị quyết 02-NQ/TW (Nghị quyết 02) của Bộ Chính trị ra đời, Ban Thường vụ LĐLĐ huyện Đan Phượng đã xây dựng Kế hoạch số 36-KH/TU ngày 24/8/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 tới đoàn viên, công chức, viên chức, NLĐ; trọng tâm là đề ra nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo phù hợp với sự phát triển của huyện; xây dựng tổ chức Công đoàn và đội ngũ công chức, viên chức, công nhân lao động huyện Đan Phượng ngày càng lớn mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

LĐLĐ huyện Đan Phượng chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động trong tình hình mới
LĐLĐ huyện Đan Phượng tặng túi "An sinh Công đoàn" cho đoàn viên

Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 02, LĐLĐ huyện Đan Phượng sẽ tập trung thực hiện mục tiêu trọng tâm là: Chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động xây dựng tổ chức Công đoàn các cấp trên địa bàn huyện có đủ năng lực đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; luôn là tổ chức chính trị - xã hội vững chắc của Đảng; đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập quốc tế; thích ứng và linh hoạt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển huyện thành quận; xây dựng giai cấp công nhân và Công đoàn huyện Đan Phượng vững mạnh.

Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với tổ chức Công đoàn. Nghị quyết soi rọi mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn, giúp nhận diện những khó khăn, thách thức phải đối diện, để từ đó ý thức sâu sắc hơn nhiệm vụ đổi mới của tổ chức Công đoàn.

Ban Thường vụ LĐLĐ huyện Đan Phượng đặt chỉ tiêu phấn đấu trong từng giai đoạn. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm thành lập mới ít nhất 8 công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, kết nạp mới từ 250 đến 350 đoàn viên Công đoàn, đảm bảo các doanh nghiệp có trên 25 CNLĐ làm việc ổn định, thành lập CĐCS. Đến năm 2030, LĐLĐ huyện đạt 10 nghìn đoàn viên Công đoàn; có từ 90% trở lên NLĐ trong các doanh nghiệp có Công đoàn là đoàn viên Công đoàn; những nơi chưa có tổ chức đại diện NLĐ thì phần lớn NLĐ được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn. Đặc biệt, đến năm 2045 hầu hết NLĐ tại các doanh nghiêp có tổ chức Công đoàn là đoàn viên Công đoàn Việt Nam.

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay và sắp tới của LĐLĐ huyện là quyết tâm xây dựng, củng cố tổ chức Công đoàn, tạo sự chuyển biến ngay từ hạt nhân cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động; đồng bộ hoạt động Công đoàn chuyên nghiệp từ huyện đến cơ sở, trong đó yếu tố con người được đặt lên hàng đầu.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn đảm bảo về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết NLĐ, hoạt động chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; sáng tạo, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hoạt động Công đoàn nhằm thu hút đoàn viên, NLĐ; thực hiện các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ thực chất hơn, xuất phát từ chính tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của đoàn viên, NLĐ.

LĐLĐ huyện Đan Phượng chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động trong tình hình mới
LĐLĐ huyện Đan Phượng tặng khẩu trang, nhu yếu phẩm cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch trên địa bàn.

Nhân rộng các mô hình hoạt động thiết thực, hiệu quả

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng, nhằm tập trung đổi mới về tổ chức, LĐLĐ huyện Đan Phượng đã tập trung mọi nguồn lực phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS. Đối với công tác đoàn viên, LĐLĐ huyện triển khai đồng bộ các giải pháp gồm phát triển đoàn viên, quản lý đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên và chăm lo lợi ích cho đoàn viên. Triển khai phương thức vận động có tính thuyết phục cao, làm cho NLĐ nhận thức đầy đủ về Công đoàn Việt Nam, quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn.

Xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình hoạt động thiết thực, hiệu quả, để NLĐ thấy rõ lợi ích của mình khi trở thành đoàn viên. Vận động, thuyết phục để người sử dụng lao động hiểu đúng về tổ chức Công đoàn Việt Nam, ủng hộ và đảm bảo quyền của NLĐ trong thành lập CĐCS tại doanh nghiệp... Đổi mới việc theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng Công đoàn phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Tập trung củng cố, kiện toàn các CĐCS yếu kém và có các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ cán bộ CĐCS tại doanh nghiệp.

Để đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, Ban Thường vụ LĐLĐ huyện Đan Phượng đã thực hiện theo hướng khoa học, sáng tạo, hướng về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, NLĐ, tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi. Đẩy mạnh thực hiện ứng dụng mạnh mẽ, sâu rộng công nghệ thông tin, trong hoạt động Công đoàn. Việc xây dựng các chủ trương, nghị quyết và kế hoạch hoạt động của Công đoàn đều dựa trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

LĐLĐ huyện Đan Phượng chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động trong tình hình mới
LĐLĐ huyện Đan Phượng phối hợp cùng Quỹ trợ vốn thành phố Hà Nội giải ngân vốn vay cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Giờ đây, công tác lãnh đạo quản lý, tiếp nhận thông tin được cập nhật, điều chỉnh hàng ngày thông qua nhóm điều hành công việc như Facebook, Zalo. Từ đó Ban Thường vụ LĐLĐ huyện đã kịp thời có những chỉ đạo, điều hành xử lý công việc đồng bộ, khắc phục tình trạng chậm trễ, thụ động của đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn chủ chốt.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tập trung chỉ đạo thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức, thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Các cấp Công đoàn đã tập trung truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng xã hội. Công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn ngày càng sinh động, mới mẻ, là cầu nối giữa tổ chức Công đoàn với đoàn viên, NLĐ.

Với những nỗ lực đổi mới trong tổ chức và hoạt động, LĐLĐ huyện Đan Phượng luôn đạt thành tích cao trong các năm qua; được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2020. Những thành quả đã đạt được là nền tảng để LĐLĐ huyện Đan Phượng tiếp tục đổi mới, sáng tạo, linh hoạt hơn nữa trong thực hiện các nội dung Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này