Không khai báo y tế và quét mã QR theo yêu cầu có thể bị xử lý hành chính

21:15 | 26/09/2021
(LĐTĐ) Nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo việc truy vết được nhanh chóng, kịp thời ngăn chặn lây lan của dịch bệnh, hiện nay, thành phố Hà Nội đang yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ… phải dán mã QR và người dân phải quét mã QR khi đi, đến các địa điểm này.
Hà Nội ứng dụng toàn diện các giải pháp công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch Kiên quyết xử lý, dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm phòng, chống dịch Quét mã QR code, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa

Theo Văn bản số 2665/STTTT-CNTT của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... bắt buộc phải thực hiện tạo mã QR địa điểm tại địa chỉ https://qr.tokhaiyte.vn và kiểm soát người vào đơn vị bằng việc quét mã QR.

Còn với người dân, bắt buộc phải thực hiện việc quét mã QR khi vào các địa điểm công cộng, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... Trường hợp công dân không có điện thoại thông minh thì sử dụng Căn cước công dân hoặc Thẻ bảo hiểm y tế có mã QR để quét mã.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhắc nhở, yêu cầu người dân khi ra vào cơ quan, tổ chức, công sở, các địa điểm công cộng cần thực hiện nghiêm việc quét mã QR.

Không khai báo y tế, quét mã QR theo yêu cầu, có thể bị xử lý hành chính
Người dân quét mã QR khi đến mua hàng (ảnh: Tuấn Dũng)

Đồng thời, chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức lực lượng công an khu vực, phối hợp với Đoàn Thanh niên và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... trong đó, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể cài đặt mã QR địa điểm; hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, đăng ký, quét mã QR. Cùng với đó, xử lý nghiêm các trường hợp đã được hướng dẫn, nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch theo quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và công an các cấp phối hợp với chính quyền địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện. Đối với trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ… không tạo mã QR địa điểm, đã liên hệ nhắc nhở quá 3 lần mà vẫn không thực hiện thì phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi tạo xong QR địa điểm, và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Không khai báo y tế, quét mã QR theo yêu cầu, có thể bị xử lý hành chính
Siêu thị Vinmart tạo mã QR để người dân quét mã khi đến mua sắm (ảnh: Lê Thắm)

Dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ… không thực hiện việc tạo mã QR địa điểm, dán mã QR thì có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 2, điều 14, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế về hành vi “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp quy định tại các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP”. Theo đó, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức thì mức phạt gấp đôi cá nhân.

Cũng theo luật sư Nguyễn Minh Long, đối với hành vi của các cá nhân không tiến hành khai báo y tế, quét mã QR theo yêu cầu thì có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 7, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế về hành vi “che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh Covid-19; Cố ý làm lây lan tác nhân gây dịch bệnh Covid-19”, với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Trong trường hợp làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác, có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt có thể lên tới 10 năm tù, tùy hậu quả xảy ra.

Trong thực tế, việc quét mã QR khiến mỗi người tốn thêm vài chục giây, hoặc đến vài phút để thực hiện, nhưng sẽ giúp cơ quan chức năng bớt đi thời gian, công sức để truy vết, khoanh vùng dịch. Phòng, chống Covid-19 là trách nhiệm không của riêng ai, bởi vậy, thực hiện quét mã QR mỗi khi đi, đến các nơi cũng là hành động mỗi người cần thực hiện để cùng chung tay phòng, chống dịch.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này