Đề xuất lệ phí trước bạ ô tô điện chạy pin bằng 50% ô tô thường:

Khuyến khích phát triển ô tô điện

11:09 | 21/09/2021
(LĐTĐ) Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về lệ phí trước bạ. Trong đó, điểm đáng chú ý là đề xuất, ô tô điện chạy bằng pin nộp lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, đây được xem là một trong những đề xuất nhằm giảm chi phí đăng ký, kích cầu tiêu dùng…
Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam: Cần chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển Thống nhất cần có sự điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp với ô tô điện chạy pin Mua ô tô điện, miễn thuế 10 năm

Giảm chi phí sở hữu, kích cầu tiêu dùng

Thời gian qua, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu là vấn đề lo ngại toàn cầu do nhiều yếu tố tác động, trong đó có tác hại của ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông gây ra. Để cải thiện chất lượng không khí do những tác hại này gây ra, Chính phủ các nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp chuyển đổi từ xe ô tô chạy xăng sang xe ô tô điện để giảm phát thải từ các phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường là xu hướng được nhiều nước lựa chọn.

Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân ngày càng cao. Số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh dẫn tới hệ lụy lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường lớn. Vì vậy, việc phát triển xe ô tô điện chạy pin sẽ rất phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn, dân cư đông đúc.

Khuyến khích phát triển ô tô điện
Đề xuất lệ phí trước bạ ô tô điện chạy pin sẽ giảm chi phí sở hữu, kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến sự đầu tư của các nhà sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm sút. Trước thực trạng đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về lệ phí trước bạ của Bộ Tài chính được đánh giá rất tốt và kịp thời.

Một trong những điểm mới được Bộ Tài chính đề cập tại Dự thảo là, sửa đổi quy định về lệ phí trước bạ ưu đãi đối với xe ô tô điện chạy pin, trong đó không chỉ hướng tới mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe ô tô điện chạy pin, đảm bảo cung ứng xe ô tô chạy pin cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới; mà còn khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện chạy pin, qua đó giảm lượng khí thải ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tài chính đã đưa ra giải pháp là quy định ô tô điện chạy pin nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50%, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (tương đương từ 5% đến 7,5%) trong vòng 5 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và nộp lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi với mức thu bằng mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (2%).

Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định ưu đãi mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin bằng 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô truyền thống (chạy bằng xăng, dầu) sẽ làm giảm chi phí khi đăng ký sở hữu xe ô tô điện chạy pin, từ đó kích thích người tiêu dùng lựa chọn loại phương tiện này. Cụ thể, so sánh trong cùng phân khúc xe ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi, nếu ô tô truyền thống chạy bằng xăng hiện đang chịu mức thu lệ phí trước bạ là 10% - 15% (tùy từng địa phương) thì khi thực hiện theo phương án này đối với ô tô điện chạy pin sẽ chịu mức thu lệ phí trước bạ là 5% - 7,5%.

Nhờ đó, các nhà phân phối cũng sẽ đẩy mạnh tiêu thụ dòng xe thân thiện với môi trường và góp phần giúp doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin. Đặc biệt, với lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin hiện đang là lĩnh mới, đang trong giai đoạn đầu phát triển thì việc thực hiện chính sách ưu đãi mức thu lệ phí trước bạ sẽ gián tiếp góp phần thúc đẩy ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin phát triển, đảm bảo cung ứng xe cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu trong thời gian tới.

Trong khi đó, đối với nền kinh tế, việc quy định ưu đãi mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, gián tiếp tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, lắp ráp loại ô tô này trong nước, hướng đến mục tiêu đưa ngành sản xuất ô tô trong nước trở thành ngành kinh tế chủ lực, hướng đến xuất khẩu. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Cần nghiên cứu về các chính sách cụ thể

Đánh giá về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về lệ phí trước bạ vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện, theo các chuyên gia kinh tế, đây là một trong những đề xuất rất tốt và hợp lý. Đặc biệt là trong thời điểm hiện tại khi nhiều nước trên thế giới bắt đầu có xu hướng không sử dụng xe chạy bằng xăng, dầu (nhiên liệu hóa thạch); thay vào đó là ưu tiên phát triển và sử dụng dòng xe nhiên liệu chạy pin để bảo vệ môi trường.

Chia sẻ với báo chí về Dự thảo trên, chuyên gia ô tô Đặng Tuấn Khải cho rằng, Dự thảo là chính sách cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng xe ô tô chạy pin, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Cũng theo ông Khải, Bộ Tài chính đề xuất lộ trình giảm trong 5 năm là phù hợp bởi cần có một giai đoạn kích thích phát triển. Sau khi thực thi cũng cần đánh giá xem tác động hiệu quả như thế nào. Về lâu dài, cần nghiên cứu về các chính sách cụ thể, đồng bộ về phát triển thị trường xe điện, không chỉ là chính sách hỗ trợ tài chính mà cả cơ chế phát triển công nghệ cho xe điện…

Chia sẻ với báo chí về Dự thảo trên, chuyên gia ô tô Đặng Tuấn Khải cho rằng, Dự thảo là chính sách cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng xe ô tô chạy pin, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Cũng theo ông Khải, Bộ Tài chính đề xuất lộ trình giảm trong 5 năm là phù hợp bởi cần có một giai đoạn kích thích phát triển. Sau khi thực thi cũng cần đánh giá xem tác động hiệu quả như thế nào. Về lâu dài, cần nghiên cứu về các chính sách cụ thể, đồng bộ về phát triển thị trường xe điện, không chỉ là chính sách hỗ trợ tài chính mà cả cơ chế phát triển công nghệ cho xe điện…

Theo báo cáo của liên Bộ Công Thương - Tài chính, hiện Việt Nam chưa có ưu đãi cụ thể đối với xe điện từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, trong khi đó các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã có nhiều ưu đãi lớn về thị trường tiêu thụ, thuế... Việt Nam có nguy cơ chậm chân, bị qua mặt về chính sách thiết lập ưu đãi đối với xe điện nếu không đưa ra các cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, đối tác và các nhà cung ứng phụ trợ đẩy mạnh đầu tư, xây dựng hệ thống xe điện ở Việt Nam. Do đó, việc Dự thảo được đưa ra thời điểm này là kịp thời và rất phù hợp.

Ở góc độ người tiêu dùng, anh Phạm Duy Khánh (ở Trung Văn, Nam Từ Liêm) cũng như nhiều người tiêu dùng khác cho rằng, mức ưu đãi Bộ Tài chính đưa ra không có gì là ghê gớm cả bởi nhìn xung quanh có thể thấy, nhiều nước chú trọng phát triển sản xuất và sử dụng xe ô tô điện chạy pin có những ưu đãi lớn hơn nhiều từ thuế trước bạ cho đến nhiều ưu tiên khác. “Mặc dù đề xuất của Bộ Tài chính vẫn còn thấp, tuy nhiên, ở Việt Nam thời điểm này như vậy là hợp lý.

Thực tế, việc phát triển xe điện vì môi trường là một câu chuyện lớn, là trách nhiệm của cả cơ quan Nhà nước chứ không phải là câu chuyện của doanh nghiệp hay người tiêu dùng. Vì vậy, cần phải có sự chung tay của các bộ, ngành, các đơn vị cung cấp hạ tầng… có như vậy doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư phát triển dòng xe ô tô điện và người tiêu dùng mới thực sự được hưởng lợi”, anh Khánh chia sẻ./.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này