Kiến nghị xem xét bổ sung đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68

12:01 | 16/09/2021
(LĐTĐ) Để Nghị quyết 68/NQ-CP phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ kịp thời người lao động và doanh nghiệp, qua ý kiến từ các cấp Công đoàn trong quá trình triển khai chính sách thực tiễn thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị cần xem xét, bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ.
Đề xuất chính sách và gói an sinh mới cho người lao động trong thời gian tới Công đoàn sát cánh với doanh nghiệp, người lao động Trên 1 triệu lượt đoàn viên, người lao động đã nhận được hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn

Gói hỗ trợ đảm bảo tính toàn diện và nhân văn

Trao đổi về gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP (Nghị quyết 68) của Chính phủ, bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ và thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau" trong đại dịch, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho NLĐ.

Kiến nghị xem xét bổ sung đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng (thứ nhất từ phải qua) và lãnh đạo quận Long Biên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng NLĐ khi triển khai các chính sách hỗ trợ. Ảnh: B.D

Theo bà Hà, gói hỗ trợ có 4 điểm nổi bật. Thứ nhất, đây là gói hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến nhiều chính sách (12 chính sách hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng khác nhau), đồng thời cũng giao quyền chủ động xác định đối tượng và phương thức hỗ trợ cho địa phương để linh hoạt thực hiện, phù hợp với thực tế từng địa phương.

Hai là, so với gói hỗ trợ lần 1 (Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020), gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 được mở rộng về phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ. Điều này không chỉ thể hiện sự bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ, mà còn thể hiện tính nhân văn và tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch".

Thứ ba, Nghị quyết quy định rõ các nguyên tắc trong quá trình thực hiện, đó là: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để NLĐ và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện; phân cấp trách nhiệm hỗ trợ rõ ràng, minh bạch.

Thứ tư, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 không chỉ là giải pháp hỗ trợ cấp thiết trong hiện tại mà còn giúp NLĐ và doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động trong thời gian tới.

Tại hội nghị trực tuyến của Tổng LĐLĐ Việt Nam với các địa phương, ngành về công tác phòng, chống Covid-19 và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ diễn ra chiều 14/9, thông tin về kết quả thực hiện Nghị quyết 68 tại các địa phương, lãnh đạo Ban Quan hệ lao động cho biết, tính đến ngày 11/9, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhận được báo cáo của 27 LĐLĐ tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết cho 1.163.017 đoàn viên, NLĐ với số tiền hỗ trợ là trên 1.677 tỉ đồng và có 170.640 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền 1.068 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay, trong 12 chính sách của Nghị quyết 68, chính sách giảm mức đóng Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cơ bản thực hiện nhanh và triệt để nhất. Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho hàng trăm ngàn đơn vị sử dụng lao động với khoảng 11 triệu NLĐ được giảm mức đóng Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1/7/2021 đến hết 30/6/2022.

Trên cơ sở đăng ký đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng theo quy định, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã rà soát toàn hệ thống và tự động giảm mức đóng bằng 0% cho người sử dụng lao động. Do đó, về cơ bản đã hoàn thành chính sách này.

Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 7/9/2021 của Tiểu ban an sinh xã hội thuộc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, số NLĐ được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68 còn rất thấp: 1.163.017 đoàn viên, NLĐ/16.200.000 người (chiếm tỷ lệ 7,1%) với số tiền 1.677 tỷ đồng/11.000 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 15%).

Bên cạnh đó, mặc dù các thủ tục để triển khai Nghị quyết 68 đã được đơn giản hóa rất nhiều (giảm 2/3 so với Nghị quyết 42/NQ-CP trước đây), nhưng do có những quy định rất chặt về điều kiện “doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương", và các địa phương lại có những cách hiểu khác nhau về việc "tạm dừng hoạt động" và cho phép hoạt động “3 tại chỗ” dẫn dến việc triển khai hỗ trợ cho NLĐ vẫn còn rất chậm, chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, do tình hình dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến rất phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên việc đi lại của NLĐ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là NLĐ đang ở trong các khu vực bị phong tỏa, cách ly không thể đến Công ty để ký kết văn bản thoả thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc là đi công chứng giấy tờ chứng minh theo quy định nên NLĐ gặp không ít khó khăn và lúng túng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thụ hưởng chính sách…

Xem xét dùng nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho NLĐ

Để Nghị quyết 68 phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ kịp thời NLĐ và doanh nghiệp, qua ý kiến từ các cấp Công đoàn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách trong thực tiễn thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị: Bổ sung thêm đối tượng NLĐ chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội cũng được quan tâm hỗ trợ như đối tượng không có quan hệ lao động (lao động tự do) theo Khoản 12 Mục II Nghị quyết 68 của Chính phủ và phải được hỗ trợ kịp thời để giảm bớt khó khăn cho NLĐ.

Đồng thời bổ sung thêm các đối tượng là viên chức, NLĐ trong các đơn vị sự nghiệp công khác như nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề... cũng được hưởng chính sách theo quy định tại Khoản 4,5,6 Mục II Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Thực tế triển khai cũng cho thấy, hiện nay, doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ" chỉ duy trì việc làm được cho khoảng 30%-50% NLĐ, do đó có một bộ phận lớn NLĐ phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương đang gặp khó khăn nhưng không được hưởng hỗ trợ (do quy định tại Điều 13 Quyết định số 23/QĐ-TTg: “NLĐ làm việc tại doanh nghiệp... phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19"), do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, những đối tượng này phải được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Tương tự như trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị sửa Điều 17 Quyết định số 23/QĐ-TTg theo hướng NLĐ khi bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động thì được hỗ trợ mà không cần thêm điều kiện là “tại các doanh nghiệp trong vùng phong tỏa, cách ly hoặc tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền".

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị xem xét dùng nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho tất cả NLĐ đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên để động viên và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho NLĐ.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này