Đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô chung sức, đồng lòng chống dịch

08:12 | 16/09/2021
(LĐTĐ) Thời gian qua, cùng với thực hiện tốt biện pháp phòng ngừa, chủ động khống chế, kiểm soát dịch bệnh, công tác xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Hà Nội được triển khai hiệu quả. Đáng chú ý, nhờ công tác tuyên truyền đồng bộ, hiện ý thức người dân trong phòng, chống dịch được nâng cao, công tác an sinh được đảm bảo góp phần nâng cao niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng và Nhà nước.
Những người bố “đặc biệt” nơi biên ải Bài 1: Phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số: Những bông hoa đẹp từ cơ sở Đổi thay tích cực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Người dân đồng thuận

Vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô Hà Nội gồm 14 xã thuộc 5 huyện là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Đáng chú ý, hiện những địa bàn này đều nằm trong vùng 3 - “vùng xanh” của Thủ đô khi kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Huyện Ba Vì là nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống nhất, trong đó chủ yếu là đồng bào Mường, Dao. Là huyện có 7 xã miền núi, nên Thành phố luôn dành sự quan tâm, chăm lo mọi mặt, từ cơ sở hạ tầng tới đời sống, sức khỏe của người dân.

Với công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng vậy, để công tác này đạt hiệu quả cao, với phương châm “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất” huyện Ba Vì đã sớm triển khai xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho bà con các xã vùng dân tộc miền núi. Theo đó toàn bộ người dân từ đủ 18 tuổi trở lên sẽ đều được tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô chung sức, đồng lòng chống dịch
Công tác tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân được tiến hành cùng với tiêm chủng và đạt hiệu quả cao. (Ảnh: Hồng Đạt).

Xã Ba Vì thuộc huyện Ba Vì là một trong những địa bàn triển khai xét nghiệm và tiêm chủng phòng Covid-19 sớm nhất huyện. Ông Lăng Văn Hà - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ba Vì cho biết, Ba Vì là một xã miền núi nằm dưới chân núi Ba Vì. Xã có 98% là người đồng bào Dao. Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch tại xã thực hiện theo đúng theo sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì.

Đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại xã Ba Vì đã tiêm chủng được cho hầu hết người dân đang sống trên địa bàn xã. Cụ thể, hiện công tác tiêm chủng đã đạt 97,6%, với công tác xét nghiệm đã lấy tổng là 524 mẫu, trong đó hoàn thành xét nghiệm 430 mẫu, đạt 82,4%.

Tương tự, tại xã Tản Lĩnh, công tác xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19 đã đạt độ phủ gần 100%. Ông Phạm Đình Hùng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tản Lĩnh cho biết, thực hiện công tác xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19, xã đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện.

Về xét nghiệm, xã đã thực hiện sớm từ ngày 10/9 để lấy mẫu. Số mẫu được lấy hiện trên 4.000 mẫu, đạt 100% xét nghiệm cho toàn bộ số hộ trên địa bàn. Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, xã đã đạt 97,11%, hoàn thành chỉ tiêu và kế hoạch đề ra. Ông Phạm Đình Hùng cho biết, số lượng người chưa được tiêm hiện giờ chỉ còn lại một số ít người thuộc diện có bệnh nền hoặc đang điều trị tại nhà, người khuyết tật nặng…

“Nhờ tuyên truyền tốt, người dân trên địa bàn đều đồng thuận trong việc xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19” - ông Phạm Đình Hùng chia sẻ.

Còn tại huyện Mỹ Đức, ông Bùi Văn Chuyện - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Phú thông tin, hiện địa bàn cơ bản đã hoàn thiện công tác xét nghiệm và tiêm vắc xin. Công tác phòng, chống dịch trên địa bàn cũng được quán triệt thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thành phố.

Đồng bộ các giải pháp chống dịch

Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời đảm bảo thực hiện nghiêm túc các chỉ thị và công điện của Thành phố, hướng dẫn của Ban Dân tộc Thành phố về thực hiện giãn cách xã hội, các địa phương vùng DTTS đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch nhằm kích hoạt toàn bộ hệ thống chống dịch ở mức cao nhất, duy trì chế độ trực 24/24h/ngày và 7 ngày/tuần tại các chốt bảo vệ;

Thiết lập lá chắn thép tại các chốt kiểm soát trên địa bàn để ngăn chặn không cho dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn; tận dụng tối đa thời gian để tiêm phòng vắc xin cho người dân; lấy dân làm gốc và kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức cùng chính quyền phòng, chống dịch…

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô chung sức, đồng lòng chống dịch
Công tác tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn huyện Ba Vì đến nay về cơ bản đã hoàn thành. (Ảnh: Hồng Đạt)

Tại các chốt kiểm soát ở các tổ dân phố, thôn, xóm lực lượng trực chốt đã lập sổ ghi chép, thực hiện chặt chẽ việc giám sát y tế, yêu cầu người dân khai báo y tế hoặc quét mã QR Code, kiểm tra giấy đi đường và thực hiện đúng việc đảm bảo khoảng cách với người xung quanh.

Ông Bùi Văn Chuyện - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Phú cho biết, khi có dịch, xã đã nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo cũng như các Tổ Covid cộng đồng. Hiện An Phú có 4 Tổ và 30 Nhóm Covid cộng đồng hoạt động tại các thôn; An Phú cũng thành lập 10 chốt kiểm soát dịch trên địa bàn.

Một điểm đáng chú ý, do là địa bàn xã An Phú tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình nên tất cả các thôn có khu vực tiếp giáp đều được xã tổ chức lập các chốt kiểm soát dịch nhằm kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông qua lại trong và ngoài địa bàn. Để người dân hiểu rõ hơn về công tác phòng, chống dịch xã đã tổ chức tuyên truyền tích cực theo hình thức lưu động.

“Địa bàn của chúng tôi tương đối rộng, có những thôn xa trung tâm từ 4 - 5km nên công tác tuyên truyền cũng có khó khăn nhất định. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng đẩy mạnh công tác tuyên truyền này tới từng người dân. Trong đó, chú trọng triển khai tuyên truyền lưu động trên các phương tiện; lập các nhóm tuyên truyền thay phiên 3 ca/ngày… đảm bảo đi từng ngõ, gõ từng nhà; lập các tổ xử lý vi phạm giãn cách” - ông Bùi Văn Chuyện thông tin.

Ông Phạm Đình Hùng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tản Lĩnh chia sẻ, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn được cập nhật thường xuyên từ Trung ương, Thành phố và huyện. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch và thông báo của địa phương để tuyên truyền tới người dân. Cụ thể, xã đã thành lập 11 chốt kiểm soát mở và 27 chốt cứng, 32 chốt ngõ tự quản phòng, chống dịch để quản lý đối tượng ra vào địa phương.

Được biết, để chống dịch hiệu quả, tại các địa phương vùng DTTS các Tổ Covid cộng đồng đã được xây dựng tương đối hiệu quả với quy chế hoạt động rõ ràng, gắn trách nhiệm của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố đối với kết quả hoạt động của Tổ.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát, phát hiện và kịp thời báo cáo chính quyền địa phương các trường hợp nghi mắc Covid-19 và trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Đẩy mạnh sản xuất nhưng không lơi lỏng phòng dịch

Để nhanh chóng khống chế dịch bệnh Covid-19, ngày 3/9/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Theo đó từ ngày 6/9/2021 đến ngày 21/9/2021, Thành phố phân chia 3 vùng để phòng, chống dịch.

Ngay sau khi Thành phố ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND, các địa phương vùng DTTS đã xây dựng và ban hành phương án phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần trên. Trong đó áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng và một số biện pháp ở mức cao hơn cho hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Phú chia sẻ, từ khi thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND xã đã bắt tay tổ chức thực hiện phương án khôi phục sản xuất, tổ chức cho bà con nhân dân trên địa bàn thu hoạch lúa, đảm bảo giãn cách. Chỉ đạo các thôn chỉ hợp đồng với các chủ máy gặt ở khu vực vùng xanh.

Ông Lăng Văn Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ba Vì thông tin, ngay khi nắm bắt Chỉ thị số 20/CT-UBND, hiện công tác sản xuất trên địa bàn đã được khôi phục, thực hiện đảm bảo giãn cách. Thời gian tới xã Ba Vì sẽ tiếp tục thắt chặt và duy trì các chốt kiểm dịch, thực hiện 5K.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô chung sức, đồng lòng chống dịch
Lực lượng chức năng của huyện Ba Vì tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở các xã miền núi. (Ảnh: Hồng Đạt).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tản Lĩnh cho biết, hiện công tác khôi phục sản xuất trên địa bàn đã được triển khai. Trên địa bàn, một số công trường xây dựng đã được đồng ý cho phép hoạt động trở lại với sự giám sát nghiêm ngặt. Chẳng hạn, với các công trình do huyện Ba Vì quản lý thì chủ đầu tư phải được huyện phê duyệt phương án xây dựng, với các công trình xây dựng dân dụng trên địa bàn thì những nhóm thợ hoặc thợ được các hộ gia đình thuê khoán xã đều yêu cầu phải đảm bảo phương án phòng, chống dịch, mỗi công trình sẽ có không quá 10 người thi công.

Các hoạt động khác như đẩy mạnh chăn nuôi, thu hoạch hoa màu đã được thực hiện trở lại. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên vẫn có sự hạn chế nhất định, đặc biệt là những nơi công cộng, tập trung đông người như chợ thì vẫn triển khai cho người dân mua sắm ngày chẵn lẻ.

Đáng chú ý, đồng bào DTTS nhờ công tác tuyên truyền tích cực nên luôn đảm bảo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài công tác phòng, chống dịch, hiện công tác tuyên truyền đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 15/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, xã Tản Lĩnh cũng tích cực thành lập Hội đồng xét duyệt và chi trả kịp thời cho các đối tượng đúng với chính sách của Chính phủ và Thành phố. Nhờ vậy, đồng bào DTTS nói riêng và người dân xã Tản Lĩnh nói chung đều tin tưởng vào sự quan tâm của Nhà nước.

“Với những đối tượng gặp khó khăn, ngoài nguồn hỗ trợ từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, xã cũng tích cực vận động các nhà hảo tâm để triển khai tặng quà hỗ trợ tới các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lao động tự do đang xây dựng trên các công trình trên địa bàn… Đến nay, công tác an sinh xã hội trên địa bàn được đảm bảo, trên địa bàn không có hộ gia đình nào bị thiếu ăn” - ông Phạm Đình Hùng chia sẻ.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này